'Sống mòn' bên di tích
Nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân vẫn “sống mòn” bên di tích Kinh thành Huế. Việc di dời những hộ dân sống ở đây nhằm trả lại vẻ đẹp của quần thể di tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới là cần thiết. Tuy nhiên, việc di dời không dễ dàng, đặc biệt là việc người dân sẽ tạo dựng cuộc sống ra sao khi tới nơi ở mới, bởi đa số hộ dân sinh sống ở đây đều là người lao động nghèo.
Nhiều hộ dân vẫn “sống treo” trên di tích.
Thấp thỏm chuyện di dời
Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát vào năm 1803, đến năm 1805, vị vua đầu triều Nguyễn đã cho khởi công xây kinh thành và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới thời vua Minh Mạng. Đây được xem là công trình lịch sử, quy mô với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu khối đất đá với khối lượng công việc khổng lồ kéo dài trong suốt 30 năm dưới triều Nguyễn. Với 3 vòng thành gồm Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm Thành, những công trình này cho đến nay vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Đến năm 1993, khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, khu vực Thượng Thành - Eo Bầu (thuộc phường Thuận Lộc, TP Huế) trở thành khu vực I bảo vệ di tích.
Sau năm 1975, nhu cầu về đất ở của người dân rất cấp thiết, nhiều hộ dân đã tự ý di chuyển lên sinh sống trên Thượng Thành trong những ngôi nhà tạm bợ. Sau hàng chục năm, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, số hộ dân sinh sống tại các khu vực thuộc Kinh thành Huế tại khu vực Thượng Thành - Eo Bầu, hộ Thành Hào, tuyến phòng lộ và khu vực các di tích khác lên đến 4.201 hộ với hơn 15.000 nhân khẩu. Riêng ở khu vục Thượng Thành số lượng người sinh sống đã tăng lên hơn 1.200 hộ với hàng ngàn nhân khẩu.
Một trong những người lên sinh sống đầu tiên trên Thượng Thành sau ngày giải phóng, bà Nguyễn Thị Gái, 73 tuổi, trú tại phường Thuận Lộc, TP Huế cho biết, gia đình bà hiện có 3 thế hệ với gần mười nhân khẩu cùng sinh sống tại đây. Vì nằm trong vùng I bảo vệ di tích nên ngôi nhà của bà không được phép xây dựng kiên cố. Gia cảnh khó khăn, không có tiền mua đất để cất nhà nên cả gia đình cùng chen chúc sinh sống trong một căn nhà chật hẹp để chờ ngày di dời. Vào mùa mưa bão, những hộ dân ở đây được chính quyền địa phương vận động di dời đến những nơi trú ngụ an toàn vì sợ nhà sập bất cứ lúc nào.
Bà Nguyễn Thị Duyệt, 80 tuổi (phường Thuận Lộc, TP Huế) trải lòng: “Tôi ở đây cũng được hơn nửa đời người trong một ngôi nhà chật chội và ngày càng xuống cấp, mục nát. Mỗi lần nghe tin có mưa bão sắp đến lòng lại lo âu. Nghe tin chính quyền chuẩn bị di dời được cấp đất, cấp nhà tôi mừng lắm. Với tôi lúc này, chỉ mong chính quyền tạo điều kiện xây dựng cái nhà để nghỉ ngơi lúc tuổi già là niềm mong mỏi trước khi đi về với tổ tiên”.
Bà Nguyễn Thị Cúc- Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc, cho hay, hơn 400 hộ dân của địa phương đang ở trên khu vực Thượng Thành - Eo Bầu đa phần là lao động nghèo, có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Theo bà Cúc, hầu hết người dân ở đây đều bày tỏ mong muốn được chuyển đến một nơi ở mới tốt hơn để ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp.
Phải đảm bảo sinh kế cho người dân
Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực Kinh thành Huế được tỉnh Thừa Thiên-Huế xây dựng và được Chính phủ phê duyệt. Theo Đề án, sẽ có 4.201 hộ dân (2.188 hộ chính, 2.013 hộ phụ) với khoảng 15.000 nhân khẩu sẽ được di dời đến nơi ở mới, với kinh phí ước tính lên đến 4.097 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng khoảng 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư (TĐC) khoảng 1.362 tỷ đồng).
Giai đoạn 1 (từ năm 2019-2021) của Dự án, sẽ di dời 2.938 hộ để GPMB tại khu vực Thượng Thành, các Eo Bầu, hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ. Giai đoạn 2 (từ năm 2022- 2025), di dời 1.263 hộ tại khu vực Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài. Khu TĐC phục vụ giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 946 tỷ đồng, diện tích 73 ha; giai đoạn 2 là 32 ha, tổng mức đầu tư khoảng 416 tỷ đồng.
Để đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng nhu cầu của người dân trong quá trình thực hiện, TP Huế đã tổ chức đối thoại với 523 hộ dân nằm trong giai đoạn I để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của người dân khi được di dời đến nơi ở mới.
Ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, việc di dời dân cư ra khỏi Quần thể di tích Cố đô Huế là mong muốn từ lâu của tỉnh, thành phố cũng như người dân trực tiếp sinh sống ở đây. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về tài chính, khung chính sách và các vấn đề liên quan khác nên trong một thời gian dài vẫn chưa thực hiện được. Đầu tháng 9 này, tỉnh phải hoàn tất việc di dời giải tỏa 523 hộ thuộc giai đoạn I, sau đó sẽ tiếp tục triển khai các giai đoạn còn lại.
Vẫn theo ông Thọ, việc di dời dân khu vực di tích Kinh thành Huế được xem là cuộc di dân mang tính lịch sử. Vì vậy, công tác đưa người dân về nơi ở mới phải thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân. Khi đến khu tái định cư địa phương sẽ tạo điều kiện cho các lao động đủ điều kiện vào làm việc tại khu công nghiệp, cụm làng nghề tại phường An Hòa. Ngoài ra, tỉnh sẽ có những chính sách xã hội để cho các hộ gia đình được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm bằng các ngành nghề thủ công truyền thống.
Đối với các hộ gia đình, cá nhân không có việc làm, ưu tiên phát triển các hình thức khai thác giá trị di sản văn hóa; trường hợp các hộ gia đình, cá nhân đáp ứng được điều kiện (năng lực, chuyên môn…) sẽ được ưu tiên đào tạo để tiếp nhận vào làm việc tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế…Ngoài ra, người dân nằm trong diện di dời của Dự án nếu có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài khi có đủ điều kiện theo yêu cầu của đơn vị tuyển dụng, được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với mức vay tối đa bằng 100% các khoản chi phí người lao động phải đóng góp theo quy định đối với từng thị trường.
Bên cạnh việc di dời dân cư, công tác trùng tu, bảo tồn các công trình di tích xuống cấp sẽ được triển khai ngay sau đó.
Nhưng tới nay, 4.201 hộ dân đang mong mỏi thoát cảnh “sống mòn” bên di tích.
Việc đền bù cho người dân khi di dời, dự kiến như sau: Các trường hợp sử dụng đất lấn chiếm trong giai đoạn từ ngày 19/5/1976 đến ngày 15/10/1993, trên đất có nhà ở thì được hỗ trợ 100% theo hiện trạng, nhưng không vượt quá 200 m2, phần còn lại hỗ trợ đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở. Những trường hợp xây dựng nhà trên mặt nước cũng được hỗ trợ 100% theo diện tích xây dựng, nhưng không vượt quá 200 m2. Các trường hợp sử dụng đất do lấn chiếm trong giai đoạn từ 15/10/1993 đến 1/7/2004, đất có nhà ở được hỗ trợ 50% theo hiện trạng nhưng không vượt quá 200 m2, phần còn lại hỗ trợ đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở. Những trường hợp xây dựng nhà trên mặt nước trong giai đoạn này được hỗ trợ 50% theo diện tích xây dựng, không vượt quá 200 m2. |