Lễ hội Đập trống Ma - Coong và Đua thuyền trên sông Kiến Giang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội Đập trống của người Ma–Coong (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch) và Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) vinh dự trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Đập trống của người Ma-Coong.
Ông Trần Vũ Khiêm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình cho biết, ngày 27/8, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định về việc đưa Lễ hội Đập trống của người Ma–Coong (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch) và Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Đập trống của người Ma Coong xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) được tổ chức mỗi năm một lần vào ngày 16 tháng giêng âm lịch ở bản Cà Roòng 1.
Để lễ hội diễn ra, ngay trong chiều ngày 16, dân bản đã dựng một dãy nhà tranh nhỏ làm nơi hành lễ và cũng là nơi treo trang trọng chiếc trống để mọi người thay nhau lấy que đập trống cho đến khi mặt trống vỡ. Khi trống vỡ cũng là lúc trai gái dắt tay vào rừng tình tự hay tìm duyên. Họ được tự do kết ước với nhau cho tới lúc mặt trời thức giấc rồi ai lại về nhà nấy, chăm chỉ làm lụng và mong ngóng những đêm trăng hội tiếp theo...
Lễ hội bơi, đua thuyền trên sông Kiến Giang.
Về nguồn gốc của lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang ở Lệ Thuỷ, trong cuốn “Ô Châu cận lục” của Tiến sĩ Dương Văn An, người làng Tuy Lộc, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ viết: “Sang xuân mở hội đua thuyền với nhiều trai thanh, gái lịch. Hạ đến, bày cuộc viếng thăm với nhiều chốn múa, nơi ca...”
Sau Cách mạng Tháng 8/1945, người dân Lệ Thuỷ vui mừng đón Tết Độc lập và tổ chức đua thuyền vào dịp mừng Quốc khánh 2-9. Từ đó đến nay, hằng năm trên dòng Kiến Giang lễ hội đua thuyền truyền thống được duy trì và phát triển.