Vá lỗ hổng thuế thương mại điện tử
Tới nay, thương mại điện tử đã trở nên quen thuộc tại Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Người tiêu dùng trẻ đã và đang… ngồi nhà mua hàng, không cần ra chợ, hay là vào siêu thị. Thương mại điện tử nhiều thuận tiện, nhưng cũng từ đây đã xuất hiện tình trạng gian lận thương mại, chất lượng hàng hóa không bảo đảm. Đặc biệt, tình trạng trốn thuế của hình thức thương mại điện tử là rất phổ biến.
Kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) à một lĩnh vực kinh doanh đặc thù gắn với công nghệ thông tin, mạng Internet và các hình thức thanh toán mới phi truyền thống. Do vậy quản lý người nộp thuế, kiểm soát giao dịch để xác định căn cứ tính thuế là điều cần phải làm. Luật Quản lý thuế sửa đổi có thêm nhiều quy định về việc quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh TMĐT.
Luật Quản lý thuế sửa đổi đã phân định rõ hơn về các đối tượng phải đóng thuế liên quan đến hoạt động TMĐT. Theo đó, với chiều cung cấp hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam ra nước ngoài, đây là đối tượng đã đăng ký kê khai và nộp thuế tại Việt Nam, vì vậy cơ quan thuế quản lý, thu thuế như bình thường. Còn đối với chiều từ nước ngoài về Việt Nam, có 2 trường hợp. Thứ nhất, đối với hàng hoá (dù cung cấp theo phương thức kinh doanh truyền thống hay TMĐT) chịu sự giám giám sát của cơ quan hải quan, thì hải quan sẽ thu các khoản thuế gián thu như: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có)...
Thứ hai là hàng hóa, dịch vụ cung cấp từ nước ngoài về Việt Nam không chịu giám sát của cơ quan hải quan thì cơ quan thuế sẽ quản lý để thu (cũng bao gồm các khoản thuế trực thu và gián thu). Trong đó, để quản lý tốt các khoản thuế trực thu với nhà cung cấp nước ngoài có hàng hóa cung cấp vào Việt Nam nhưng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cơ quan quản lý đã đưa nội dung này vào Điều 4, Khoản 42 tại Luật Quản lý thuế sửa đổi. Theo đó, quy định các nhà cung cấp nước ngoài phải có trách nhiệm đăng ký khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam hoặc ủy quyền đăng ký khai, nộp thuế tại Việt Nam.
Còn đối với trường hợp nhà cung cấp nước ngoài không đăng kí khai nộp thuế tại Việt Nam, lúc ấy cơ quan thuế mới dùng biện pháp khấu trừ tại nguồn
Đặc biệt, ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cũng cho biết thêm, cơ quan này cũng đang nghiên cứu xây dựng để đưa việc đăng kí kê khai nộp thuế lên online trên website của Tổng cục Thuế. Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã giao Tổng cục Hải quan xây dựng một đề án về quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT của hàng hóa xuất nhập khẩu. Về những điểm mới trong Luật Quản lý thuế, giới chuyên gia cho rằng, đã kinh doanh thì phải nộp thuế, cơ quan quản lý thuế cần tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng để quản lý tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Theo thống kê, trong 5 năm gần đây, lĩnh vực TMĐT tăng trưởng với tốc độ 25-30% mỗi năm với tổng giá trị giao dịch TMĐT năm 2018 đạt 8 tỷ USD.
Từ trước tới nay, quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới vẫn còn bất cập, nhất là đối với các thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube... Có nhiều doanh nghiệp và cá nhân có giao dịch có tốc độ tăng trưởng nhanh. Một số doanh nghiệp có doanh thu hàng năm cả trăm tỷ đồng, các cá nhân cũng có phát sinh thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Các khoản thu nhập này đều được chuyển về Việt Nam cho người thụ hưởng thông qua các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Giới chuyên gia cho rằng thời gian tới, dưới tác động của công nghệ, nền kinh tế chia sẻ, nhiều mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ thông tin trở thành xu hướng, cùng với đó là sự ra đời của nhiều tập đoàn, công ty kinh doanh xuyên quốc gia. Do đó, cơ quan thuế không thể đứng ngoài cuộc mà phải có cái nhìn cởi mở hơn đối với xu hướng công nghệ trong hoàn cảnh thực tiễn.
Do đó khi Tổng cục Thuế hoàn thiện hệ thống chính sách thuế đối với TMĐT xuyên biên giới với các quy định cụ thể phân loại sản phẩm trong giao dịch chắc chắn sẽ tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Ông Steven Sieker, Trưởng nhóm thuế khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Hãng luật Baker McKenzie, cho biết hiện nay ở khu vực ASEAN, các công ty phải tuân thủ các chế độ thuế TMĐT, chỉ một vài trường hợp không phải chịu thuế. Tại Singapore, Thái Lan và Malaysia là những quốc gia đầu tiên đang cân nhắc các loại thuế với ngành bán hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, động thái này còn đặt các nhà bán lẻ vào một sân chơi công bằng.