Đào tạo nhân lực sư phạm: Liệu đã bão hòa?
Hiện tại cả nước có 30 trường cao đẳng sư phạm đều đang gặp khó khăn trong hoạt động tuyển sinh. Thông tin này được đưa ra tại hội thảo khoa học quốc gia Các giải pháp ổn định, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện nay và trong thời gian tới (vừa được tổ chức tại ĐH Sư phạm 2 - Vĩnh Phúc).
Sinh viên sư phạm mầm non.
Nhiều cơ sở đào tạo trùng lặp
Hiện các trường CĐ sư phạm thiếu giảng viên đầu ngành có trình độ cao. Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở các trường cao đẳng (CĐ) sư phạm chiếm từ 2% đến 5%, trường có tỉ lệ cao là CĐ sư phạm Quảng Trị đạt 14,6%. Quy mô tuyển sinh của các trường CĐ sư phạm giảm sụt nhanh. Giảng viên của các trường CĐ sư phạm gặp nhiều khó khăn do quy mô đào tạo giảm, giảng viên thiếu giờ dạy, việc liên kết đào tạo (đại học hệ vừa làm vừa học) với các trường ĐH cũng giảm, nhiều giảng viên được điều chuyển xuống các trường phổ thông giảng dạy. Một số trường CĐ sư phạm mở thêm các trường phổ thông, trường mầm non thực hành, trung tâm trải nghiệm giáo dục cho học sinh phổ thông, dịch vụ giáo dục khác,… để tạo việc làm cho giảng viên.
Đơn cử như tại Trường CĐ sư phạm Nam Định, năm học 2018- 2019 tại Khoa Tự nhiên của trường có 16 giáo viên, nhưng chỉ có 30 sinh viên; Khoa Xã hội, lớp Văn- Giáo dục công dân K39 chỉ có 5 sinh viên; Giáo dục công dân K40 chỉ vỏn vẹn 2 sinh viên. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường CĐ sư phạm các địa phương khác. Theo phân tích, lâu nay các trường CĐ gặp bất lợi trong nguồn tuyển là do hiện nhiều trường ĐH sư phạm xét tuyển kiểu “lưới vét”, đào tạo cả hệ CĐ. Đáng nói hơn cả nhiều trường CĐ sư phạm địa phương được giao chỉ tiêu đào tạo hàng năm, nhưng trong thông báo tuyển giáo viên phổ thông, lại chỉ đề cập tới những đối tượng có bằng ĐH.
Thống kê từ Bộ GDĐT cũng cho thấy, nếu tính trung bình thì mỗi tỉnh/thành có từ 2- 4 cơ sở đào tạo tham gia công tác đào tạo giáo viên, điều đó dẫn tới tình trạng trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ.
Cần lộ trình quy hoạch
Trước thực trạng này, đã có nhiều kiến nghị về việc sớm sắp xếp lại hệ thống trường sư phạm hiện nay. TS Dương Đức Hùng - Trường ĐH Hải Phòng cho rằng, cùng với việc cần tập trung vào bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên theo Chương trình GDPT mới, trong bối cảnh hiện nay, việc sắp xếp lại là rất cần thiết. Vậy sắp xếp như thế nào để vừa đảm bảo yêu cầu trước mắt, vừa lâu dài. Trước hết, đối với các trường trung cấp sư phạm cần chuyển đổi mô hình sang loại hình khác như Trung tâm học tập cộng đồng hoặc Trung tâm giáo dục thường xuyên... Nếu không chuyển đổi được thì nên giải thể; đối với các trường CĐ sư phạm trước mắt chỉ đào tạo giáo viên mầm non (theo Luật Giáo dục sửa đổi, trình độ chuẩn giáo viên từ bậc tiểu học trở lên tối thiểu là đại học), về lâu dài nên chuyển đổi mô hình sang loại hình trường khác hoặc làm vệ tinh cho các trường sư phạm trọng điểm; đối với các trường ĐH địa phương cần tập trung vào đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và THCS, đồng thời đảm nhận việc bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn; đối với các trường ĐH sư phạm lớn, trọng điểm cần tập trung vào đào tạo giáo viên THPT và sau ĐH; bồi dưỡng, tập huấn giáo viên các trường ĐH địa phương và cốt cán giáo viên phổ thông; nghiên cứu khoa học sư phạm.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng việc sắp xếp lại mạng lưới trường sư phạm là rất cần thiết, nhưng phải có lộ trình. TS Hồ Cảnh Hạnh- Hiệu trưởng trường CĐ sư phạm Bà Rịa -Vũng Tàu chia sẻ, hiện đa số các trường sư phạm còn lúng túng trong định hướng phát triển, không biết đang đứng ở đâu trong hệ thống giáo dục quốc dân và sẽ đi về đâu trong giai đoạn tới. Theo đó, cần sắp xếp lại mạng lưới trường sư phạm theo hướng có phân nhóm để thành phân hiệu trường ĐH sư phạm hoặc sáp nhập với ĐH.
GS.TS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổng kết và rút ra các kiến nghị từ Hội thảo. Theo đó, Hội thảo kiến nghị trước mắt (cho tới năm 2025): Cơ bản giữ nguyên hệ thống các cơ sở sư phạm như hiện nay. Về lâu dài (từ sau năm 2025), Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam kiến nghị, các cơ sở sư phạm từng bước chuyển thành trường giáo dục trong các ĐH đa lĩnh vực hoặc khoa sư phạm trong các trường ĐH địa phương/CĐ cộng đồng để có sự ổn định trong hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo và huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn cơ sở giáo dục ĐH trong đào tạo giáo viên khi xuất hiện nhu cầu lớn. Chuyển nhiệm vụ khác cho các cơ sở sư phạm không đảm bảo chất lượng.