Trôi nổi phim trên internet

Mai Thiên 29/08/2019 08:00

Tôi từng tình cờ xem một bộ phim của Hàn Quốc, tất nhiên là về tình yêu, nhưng là tình yêu của một lính Đại Hàn đánh thuê tại chiến trường Việt Nam và trong ấy có không ít nội dung sai lệch về những chiến sĩ Việt Nam. Phim được dịch phụ đề tiếng Việt, tồn tại trên một trang web phim cho người Việt. Nhưng khi hỏi ra thì máy chủ đặt ở nước ngoài.

Trôi nổi phim trên internet

Hình ảnh một trang web phim.

Khi bộ phim Diên Hy Cung Lược của Trung Quốc trở thành cơn sốt đình đám trên internet, có những tập phim trên những trang web của Việt Nam còn phát trước cả nhà sản xuất. Thậm chí nghe đâu có tình trạng một số khán giả nước ngoài còn phải vào trang web phim trực tuyến của Việt Nam để xem.

Hai ví dụ vừa nêu ra chỉ là một trong những tình trạng của việc các trang web phim trực tuyến đang hoàn toàn bị thả nổi. Hoặc là vi phạm bản quyền hoặc có những nội dung không ai kiểm soát được. Mà cũng không chỉ chiếu phim nước ngoài, internet còn đang là mảnh đất màu mỡ để các nhà làm phim chuyển hướng sang việc sản xuất phim chỉ để phát hành trên internet. Trong đó phổ biến là các loại hài nhảm, các bộ phim ngắn ăn khách bởi nhiều yếu tố như sex hoặc bạo lực. Năm 2017, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) đã công bố danh sách 83 trang web có dấu hiệu vi phạm bản quyền nội dung chương trình truyền hình, trong đó có những trang phim đình đám như: bilutv.com, hayhaytv.com, hdviet.com, phimmoi.net, hdonline.vn, phimbathu.com… Tuy nhiên, cho đến nay những trang này vẫn có lượng người xem rất đông và mỗi bộ phim được phát vẫn tràn ngập quảng cáo.

Qua các cuộc lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) gần đây cho thấy Luật Điện ảnh hiện hành đang bộc lộ nhiều điểm lạc hậu với thực tế đời sống. Đặc biệt là trong việc khai thác, phổ biến phim trên môi trường mạng internet, xem phim trên các thiết bị di động cá nhân, phổ biến phim phát qua vệ tinh. Chưa hề có chế tài về việc quản lý các phim được phát hành, phổ biến trên internet, cho các thuê bao Việt Nam từ nhà phát hành đặt máy chủ ở nước ngoài.

Việc phổ biến phim trên internet, khai thác từ vệ tinh không phải chỉ ở vấn đề bề nổi là hoàn toàn thất thu thuế trong khi nhà phát hành đạt lợi nhuận khủng từ quảng cáo mà việc phim được thoải mái thuyết minh, làm phụ đề và phát trực tuyến mà không hề được kiểm soát nội dung, là vấn đề cực kỳ nhức nhối khi ảnh hưởng đến giáo dục, thị hiếu, thẩm mỹ của khán giả. Nhiều phim phát hành trên internet hoặc khai thác từ vệ tinh vi phạm Luật Điện ảnh và các luật khác có liên quan như Luật Giáo dục, Luật Trẻ em, các luật về thuế nhưng không quy được trách nhiệm quản lý, không có cơ chế xử phạt nên không chấn chỉnh được hoạt động phát hành phim trên internet. Rất dễ thấy các loại phim đang phổ biến trên mạng internet có số lượng lượt xem lên đến hàng chục triệu, gấp nhiều lần phim chiếu rạp. Nhưng Luật Điện ảnh hiện hành không thể điều chỉnh và không thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nào.

Mới đây, Bộ VHTTDL đã có đề xuất quy định chi tiết thẩm quyền quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó phân cấp quản lý cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm quản lý nội dung các phim phát trên internet, phim khai thác từ vệ tinh do các doanh nghiệp có máy chủ đặt tại Việt Nam phát hành, đăng kí kinh doanh tại địa phương. Bộ cũng có kiến nghị Bộ TTTT quy định các biện pháp kỹ thuật, bổ sung chế tài trong việc kiểm soát nội dung với phim phát hành từ máy chủ nước ngoài...

Trong thực tế số lượng khán giả xem phim trên mạng internet ngày càng đông. Và ngay cả trong trường hợp Luật Điện ảnh sắp tới được sửa đổi thì cũng đang là bài toán rất khó trong quản lý. Phim chiếu mạng không chiếu rạp nên không cần giấy phép của Cục Điện ảnh, cũng không phải phim truyền hình, câu chuyện ai quản lý để kiểm soát vẫn đang còn khá loay hoay.

Còn nhớ năm 2014 chúng ta đã từng một lần tá hoả về bộ phim Căn hộ số 69 chềnh ềnh trên Youtube. Gắn mác 18+, Căn hộ số 69 đề cập chuyện tình yêu, tình dục, tình bạn của người trẻ tuổi sống ở thành thị. Liên quan đến chủ đề nhạy cảm, nhà sản xuất bộ phim thừa biết không có cơ hội phát hành qua đường chính thống nên chọn phát trên kênh YouTube. Sau khoảng 2 tuần tung lên YouTube, đến ngày 21/6/2014, tập 1 của Căn hộ số 69 đã đạt hơn 2 triệu lượt xem, chưa kể được phát lại trên nhiều trang mạng khác với lượt xem tăng chóng mặt. Mãi tới khi lượt xem Căn hộ số 69 chạm mốc 2 triệu lượt xem, Cục Điện ảnh mới có công văn gửi các cơ quan chức năng đề nghị xử lý nhà sản xuất bộ phim này. Nhưng rõ ràng lúc ấy việc xử lý những bộ phim gắn mác người lớn trên kênh YouTube có vẻ như đã là bài toán khó đối với Bộ VHTTDL. Phim chỉ phát hành trên mạng chưa có bất cứ chế tài nào để ngăn chặn, đặc biệt với những trường hợp “rác” văn hóa. Việc quản lý phim phát hành trên mạng hiện nay gần như không thể. Bởi vì từ trước đến nay chưa có quy định nào cho Bộ VHTTDL có chức năng giám sát, quản lý các nội dung đăng tải trên internet. Các trang mạng xã hội tự do phát tán phim, họ không kiểm duyệt nội dung một bộ phim trước khi đăng tải và thực tế những năm qua cho thấy chỉ những bộ phim nào bị dư luận quá chỉ trích thì họ mới gỡ bỏ nó nếu có nội dung xấu hay vi phạm bản quyền.

Luật Điện ảnh sửa đổi tới đây có với được tới lĩnh vực này hay không? Có lẽ là không dễ dàng khi nhiều trang web phim có máy chủ ở nước ngoài. Và từ giờ đến lúc có thể có biện pháp để quản lý được các trang web phim trực tuyến trên internet thì chúng ta vẫn phải ngồi lo lắng bởi những bộ phim không kiểm soát được nội dung.

Luật Điện ảnh hiện hành đang bộc lộ nhiều điểm lạc hậu với thực tế đời sống. Đặc biệt là trong việc khai thác, phổ biến phim trên môi trường mạng internet, xem phim trên các thiết bị di động cá nhân, phổ biến phim phát qua vệ tinh. Chưa hề có chế tài về việc quản lý các phim được phát hành, phổ biến trên internet, cho các thuê bao Việt Nam từ nhà phát hành đặt máy chủ ở nước ngoài.

Mai Thiên