50 năm làm theo lời Bác

Nam Việt 31/08/2019 07:30

Theo ông Nguyễn Văn Công- Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bác Hồ bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc vào lúc 9 giờ sáng thứ hai, ngày 10/5/1965, đến 10 giờ, Bác viết xong phần mở đầu. Các ngày tiếp theo (ngày 11, 12, 13/5/1965), cũng vào giờ đó (từ 9 giờ đến 10 giờ), Bác viết tiếp các phần còn lại.

Riêng ngày 14/5/1965, Bác chuyển viết Di chúc sang buổi chiều với thời gian gấp đôi, từ 14 giờ đến 16 giờ. Đúng 16 giờ, Bác đánh máy xong bản Di chúc và cho vào phong bì. Đến 21 giờ hôm đó, Bác giao chiếc phong bì cho ông Vũ Kỳ -Thư ký của Người và dặn: “Chú cất giữ cẩn thận, vào dịp này sang năm nhớ đưa lại cho Bác”...

50 năm làm theo lời Bác

Bác Hồ với thiếu nhi làng Sen (Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh: Tư liệu.

1. Cứ đến dịp sinh nhật hằng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại sửa chữa, bổ sung hoàn thiện Di chúc. So với bản Người viết năm 1965 (lần đầu tiên), thì lần thứ hai (năm 1966), Bác bổ sung thêm phần nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Năm 1967, Người xem lại bản Di chúc, nhưng không sửa gì. Năm 1968, Người viết thêm 6 trang, gồm một số đoạn về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Năm 1969, Người xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm 1 trang viết tay. Ngày 19/5/1969, Người sửa lần cuối.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những lời căn dặn tâm huyết, là tâm nguyện của Người dành cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, cho các thế hệ người Việt Nam. Đó là những nghĩ suy đau đáu, tấm lòng mênh mông của Người với tương lai đất nước.

Suốt đời phục vụ nhân dân, đất nước, trong Di chúc Người không đề cập đến “cá nhân” hay “bản thân”, mà Người viết: “Về việc riêng”: Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Người đã cân nhắc từng chữ vì “việc riêng” của vị lãnh tụ vĩ đại đã hòa trong cái chung của dân tộc.

50 năm thực hiện Di chúc của Người, khi thời gian càng lùi xa càng thấy giá trị thiêng liêng của bản Di chúc. Ở đó, Người đã đưa ra những tiên đoán cho cách mạng Việt Nam, cho đất nước Việt Nam. Người dặn dò công việc rất chi tiết, với tất cả sự ân cần của một bậc vĩ nhân. “Trước hết nói về Đảng” và “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”- Người viết, “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thiên tài khi Người đưa ra những dự báo cho cách mạng Việt Nam. Trong bản Di chúc được Người bắt đầu viết vào ngày 10/5/1965, Hồ Chủ tịch đã khẳng định niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dù vào thời điểm ấy cuộc chiến đấu của nhân dân cả nước đang trong giai đoạn vô cùng cam go, quyết liệt: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Tiên đoán và cũng là ý chí của Người, của cả dân tộc đã thành hiện thực chỉ 6 năm sau, tháng 4/1975, toàn thắng đã về ta.

Tiên đoán về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất giang sơn của Người trong bản Di chúc năm 1965, cũng chính là sự tiếp nối những tiên lượng vô cùng chính xác của Người trước đó, ngay khi cách mạng Việt Nam còn trong bối cảnh vô cùng khó khăn. Trong một bài viết vào năm 1940, Người đã khẳng định: “Phát xít Đức rồi sẽ tấn công Liên Xô. Nếu chúng đánh Liên Xô thì Liên Xô sớm muộn thế nào cũng sẽ tiêu diệt chúng, nhờ đó, cách mạng nhiều nước có thể sẽ thành công”. Cuối năm 1941, sau khi từ Trung Quốc về Pắc Bó (Cao Bằng), Người đã viết diễn ca “Lịch sử nước ta”, ở câu kết Người khẳng định: “Việt Nam độc lập - 1945”. Và thực tế là 4 năm sau đó, cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã giành chính quyền vào tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam mới chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Và ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Với trí tuệ vô song, tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi liền với vận mệnh dân tộc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kể về bức điện ông nhận được vào chiều ngày 5/5/1954 của Bác Hồ khi chiến dịch Điện Biên Phủ sắp kết thúc. Người dặn: “Thắng lợi tuy lớn nhưng chỉ bước đầu đấy!... Còn phải đánh Mỹ…”. Sự thật, chỉ ít lâu sau khi chiến thắng thực dân Pháp, chúng ta lại phải tiếp tục cuộc chiến đấu chống Mỹ kéo dài tới hơn 20 năm, đúng như nhận định của Người.

Và thật đáng kinh ngạc khi vào năm 1960, trong diễn văn bế mạc kỷ niệm 15 năm ngày Quốc khánh 2/9, Người đã tiên đoán về sự kiện giải phóng miền Nam: “Chậm lắm là 15 năm nữa Tổ quốc ta nhất định thống nhất, Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”. Đúng 15 năm sau, lời Người đã thành sự thật.

3. Trong Di chúc, 50 năm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu đã thiết tha căn dặn: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

50 năm thực hiện Di chúc của Người, đất nước đã đạt được những thành tựu vô cùng quan trọng. Cùng với sự lớn mạnh, vị thế của đất nước, đời sống của các tầng lớp nhân dân đã được nâng lên. Từ một nước nghèo khổ bậc nhất thế giới, nay chúng ta đã ở vào nước có thu nhập trung bình, và đà phát triển phía trước là rất rõ ràng, rất chắc chắn.

Hôm nay, thực hiện tâm nguyện của Người, “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu”, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi trở ngại thách thức trên tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Vui mừng báo cáo với Người về những thắng lợi và thành tựu đạt được, song chúng ta cũng xin nhận với Người rằng chúng ta còn nhiều thiếu sót, yếu kém chưa làm được, vì thế càng cần tiếp tục phải làm mạnh mẽ hơn nữa. Nhất là trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong cuộc chiến đấu chống “nội xâm” này, cần phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó cũng chính là “phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với “công bộc” của dân.

50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là biện pháp hữu hiệu nhất để chúng ta khắc phục khuyết điểm, khôi phục và phát huy những phẩm chất cao đẹp vốn có và cần phải có, xứng đáng là người kế tục sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: Vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nam Việt