Từ mùa thu tháng Tám
Ngày 19/8/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng từ Chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc.
Quảng trường Ba Đình trong ngày Quốc khánh 70 năm nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, 2/9/2015.
1. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là biểu tượng của ý chí, sức mạnh, tinh thần đoàn kết Việt Nam. Chính thành công của cuộc cách mạng này không chỉ làm thay đổi thân phận của người dân Việt Nam, từ thân phận của những người bị áp bức, bóc lột đã trở thành người dân tự do của một nước Việt Nam mới - một nước Việt Nam độc lập, tự chủ từ một nước thuộc địa nửa phong kiến. Không chỉ có thế, thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám đã góp phần làm thay đổi cục diện thế giới. Việt Nam đã trở thành biểu tượng mới cho quá trình đấu tranh giành độc lập của các nước thuộc địa khác trên thế giới. Thực tế cho thấy, sự thành công của Cách mạng Tháng Tám đã góp phần cổ vũ cho các nước bạn bè trong cuộc đấu tranh kể trên và bản đồ các nước thuộc địa trên thế giới đã thu hẹp đáng kể. Kể từ Tháng Tám năm 1945 cho đến giữa những năm 70 của thế kỷ XX đã có khoảng hơn 20 quốc gia ở Á- Phi- Mỹ La tinh giành được độc lập.
Sự kiện 19/8 cũng là nguồn cảm hứng bất tận đối với nhiều nhạc sĩ trong số đó có cố nhạc sỹ Xuân Oanh - người nhạc sỹ nổi tiếng với bài hát viết trên vỏ bao thuốc lá, trong khi ông hòa vào dòng thác cách mạng của Tháng Tám, mùa Thu năm 1945. “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày, thề đem xương máu quyết tâm chiến đấu cho tương lai. Mười chín Tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét. Tiến lên cùng hô mau diệt tan lũ quân thù kia “, lời bài hát cũng chính là lời hiệu triệu gửi tới người dân đất Việt.
Và, từ thành công của Cách mạng Tháng Tám chúng ta đã có một ngày 2/9 thật sự ý nghĩa với việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 2/9 tại Hà Nội 74 năm trước, từ sáng sớm hàng chục vạn người với hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu đổ dồn về Quảng trường Ba Đình. Lễ đài bằng gỗ được dựng lên giữa Quảng trường; các đội tự vệ vũ trang cùng những đơn vị bộ đội hàng ngũ thẳng tắp đứng trước lễ đài. Cùng Thủ đô Hà Nội, cả nước hân hoan chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Hồ Chủ tịch và các vị trong Chính phủ lâm thời tiến ra Lễ đài. Bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang từ từ kéo lên. Hàng chục vạn bàn tay nắm chặt giơ lên ngang tai, biểu thị lòng quyết tâm và ý chí sắt đá, kính chào lá cờ vinh quang của Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Lời của Người trang trọng đầm ấm vang trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Người khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Người trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
2. Cách mạng tháng Tám 1945 và Quốc khánh 2/9 đã để lại những bài học vô cùng quý giá cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Đó là bài học trong mọi hoàn cảnh, phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Việc gắn kết giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một trong những giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Được vận dụng trong dọc dài lịch sử thăng trầm của đất nước ta từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay và đã góp phần đưa dân tộc ta đến những thành công mới, đi qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, giành độc lập, tự do cho dân tộc cũng như trong các cuộc chiến tranh biên giới về sau này. Đây cũng chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
Một trong những bài học khác của Cách mạng Tháng Tám là Đảng ta đã kịp thời nắm bắt và tận dụng được thời cơ lịch sử, với phương pháp cách mạng và tài tổ chức đầy mưu lược, vượt qua thách thức, lãnh đạo toàn dân nổi dậy giành lấy chính quyền. Bài học về nắm thời cơ đã luôn được Đảng ta vận dụng thành công trong mọi hoàn cảnh, điều kiện.
Trải qua thời kỳ dài phải chiến đấu giành độc lập, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những nỗ lực không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả cao nhưng nhờ kiên trì đi theo con đường đúng đắn và biết vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong kinh tế đất nước, vượt qua thời kỳ bao cấp để đi tới thời kỳ của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện đường lối phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta chủ trương tích cực và chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới mà việc gia nhập WTO, CPTPP hay việc ký EVFTA với Liên minh châu Âu thể hiện khát vọng vươn ra thế giới để học hỏi, để phát triển kinh tế đất nước. Trong hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, chúng ta không thể phủ nhận sẽ có những cơ hội và thách thức luôn đan xen. Thậm chí, cơ hội càng nhiều thì thách thức càng lớn. Đó là chưa kể dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế chúng ta vẫn cần thận trọng để tránh bẫy thu nhập trung bình, tránh rơi vào nguy cơ tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới và trong khu vực.
Điều đó đặt ra cho Đảng và Nhà nước ta bài học về sự sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng và bản lĩnh chính trị, quyết tâm cao độ, cùng sự nỗ lực của toàn dân, để khắc chế và biến thách thức thành cơ hội. Bên cạnh đó, cũng cần nhất quán, kiên định con đường đưa đất nước phát triển theo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nhất là không xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng cần vận dụng thật sáng tạo, học hỏi thật đầy đủ những tiến bộ mới của thế giới, lựa chọn những tiến bộ phù hợp với tình hình, hoàn cảnh để áp dụng vào nước ta; chứ tuyệt đối không thể giữ mãi tư tưởng bảo thủ, trì trệ. Đó là trong phát triển kinh tế còn trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, trước những nguy cơ bất ổn tại khu vực và thế giới, luôn luôn nhớ và áp dụng bài học “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Hồ Chủ tịch đã căn dặn. Cùng với đó phải phát huy cho được hệ tư tưởng nhân văn của Bác- là vốn quý của dân tộc Việt Nam.
74 năm đã qua đi, tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 bất diệt. Nhân dân Việt Nam từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng tới miền núi, nơi hải đảo xa xôi và hơn 4,5 triệu kiều bào ta ở nước ngoài luôn cháy bỏng trong tim tình yêu đất nước. Với tinh thần ấy, khí thế ấy, nhất định chúng ta sẽ xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, người người được sống trong tự do, hạnh phúc.
Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với vận mệnh của dân tộc; tiếp nối truyền thống anh hùng bất khuất của cha ông thuở trước. Đó là chí khí hào hùng của người Việt Nam trong thơ Lý Thường Kiệt “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”; trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi… Sức mạnh bất diệt của một dân tộc khao khát độc lập, tự do, của một dân tộc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. |