Nông thôn mới ở 'Thủ đô gió ngàn'
Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên luôn tuyên truyền, vận động để nhân dân thấy được quyền lợi, trách nhiệm từ xây dựng nông thôn mới, từ đó không trông chờ, ỷ lại, mà khơi dậy tinh thần sáng tạo, chủ động trong thực hiện. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã làm nên diện mạo mới, đánh dấu bước ngoặt vươn lên của tỉnh Thái Nguyên - “Thủ đô gió ngàn” trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Nhân dân xóm Trại (xã Nga Mỹ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) xây sân nhà văn hóa.
10 năm qua, vốn huy động tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt 10.763 tỷ đồng, trong đó nhân dân tham gia đóng góp gần 2.700 tỷ đồng, hiến 471,8 ha đất và đóng góp hàng trăm nghìn ngày công để xây dựng đường giao thông và các công trình dân sinh. Hoạt động của Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đến nay TP Thái Nguyên và Sông Công hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, có 88 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Để có những con số ấn tượng nêu trên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên Phạm Thái Hanh chia sẻ: Với phương châm hướng về cơ sở, lấy địa bàn khu dân cư để hoạt động, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh luôn quan tâm xây dựng và phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư. Và đặc biệt, hoạt động của các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh luôn gắn bó với việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nổi bật là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, phong trào “Thái Nguyên chung sức xây dựng NTM”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”...
“Thông qua đó, MTTQ và các tổ chức thành viên đã từng bước phát huy, khơi dậy tinh thần sáng tạo và tự quản trong nhân dân. Triển khai hướng dẫn MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở lựa chọn, đăng ký xây dựng các mô hình điểm, lấy cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố làm địa bàn triển khai thực hiện”- ông Phạm Thái Hanh nhấn mạnh.
Nhiều mô hình xuất phát từ thực tiễn cơ sở, hình thành do nhân dân đề xuất, triển khai. Qua đó góp phần tích cực vào xây dựng NTM, đô thị văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở. Các mô hình xây dựng NTM, giúp nhau phát triển kinh tế, hoạt động hiệu quả như: mô hình“Chi hội phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Chi hội nòng cốt tham gia xây dựng NTM” của Hội Liên hiệp phụ nữ; các mô hình Chi hội nghề nghiệp và mô hình Tổ hội nghề nghiệp của Hội Nông dân; mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở địa bàn dân cư của Hội Người cao tuổi…
Có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu như: Mô hình dân vận khéo sản xuất chế biến chè theo tiêu chuẩn Vietgap xóm Tân Thái, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương; mô hình phát triển kinh tế từ cây Cam Vinh xóm Phố, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ; mô hình trồng Thanh Long ruột đỏ có quy mô 5 ha xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên; mô hình Chi hội nghề nghiệp trồng chè tại xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ; mô hình Tổ hội nghề nghiệp trồng Na tại xã La Hiên, huyện Võ Nhai; Tổ hội nghề nghiệp đan rọ sắt tại xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình; Tổ hội nghề nghiệp trồng chè tại xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ; mô hình dân vận khéo vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường ứng dụng KHKT vào sản xuất phát triển kinh tế và tích cực tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu xóm Cà Phê 1, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ…
Đồng thời, Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp triển khai, nhân rộng các mô hình, dự án phát triển sản xuất có hiệu quả, mô hình sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ ở khu dân cư như: Dự án “cánh rừng mẫu lớn”; mô hình “cánh đồng một giống”; dự án trồng Nấm, dược liệu; trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; nuôi trồng thủy sản thâm canh năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao... Một số địa phương đã bước đầu quan tâm chỉ đạo hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái ở nông thôn (xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên; xã Tân Thái, xã La Bằng, huyện Đại Từ...), thu hút được hàng nghìn lượt khách du lịch mỗi năm.
Đáng chú ý, tại huyện Định Hoá, sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, đã có 6/23 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đều đạt bình quân từ 10-16 tiêu chí. Trong xây dựng NTM, huyện Định Hóa xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung trọng tâm, cốt lõi. Năm 2016, UBND huyện Định Hóa đã ban hành Đề án “tái cơ cấu ngành nông nghiệp Định Hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020” và xây dựng Dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và sinh kế bền vững cho người dân cùng trung tâm ATK Định Hóa giai đoạn 2016-2020”. Bởi vậy, cơ cấu kinh tế nội ngành có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng trồng trọt giảm, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản tăng (năm 2017 đạt 1.466 tỷ đồng), giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị ha canh tác tăng (năm 2017 đạt 79,9 triệu đồng/ha, năm 2018 đạt 81 triệu đồng/ha); đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như sản xuất lúa J02 tại xã Bảo Cường, Kim Phượng, sản xuất chè VietGAP tại xã Sơn Phú, Phú Đình… một số sản phẩm hàng hóa được thị trường biết đến và ưa chuộng như mỳ gạo Bao Thai Định Hóa, nếp cái hoa vàng, chè...góp phần đáng kể vào chương trình giảm nghèo ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, toàn huyện có 33 HTX, 21 làng nghề và 16 trang trại. Bên cạnh đó, huyện cũng hỗ trợ thành lập được trên 20 hợp tác xã trồng và chế biến nông, lâm, thủy sản, cây dược liệu; 3 tổ hợp tác chăn nuôi dê, góp phần mở ra nhiều hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Phạm Thái Hanh cũng khẳng định, việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM luôn được công khai, minh bạch. Trong quá trình thực hiện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các tổ chức thành viên cùng cấp để thực hiện công tác giám sát và tổ chức thực hiện việc đánh giá sự hài lòng của người dân ở các địa phương. Đó là kênh thông tin quan trọng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phát huy dân chủ của người dân trong phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Kết quả tổ chức lấy ý kiến, từ năm 2017 - 2019 tổng số xã tổ chức lấy ý kiến gồm 60 xã và 4 phường. Số phiếu trả lời hài lòng đạt từ: 83,8% đến 99,7%.
Thời gian tới, Ủy ban MTTQ chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên tập trung vận động, kết nối các nguồn lực xã hội, vận động nhân dân hưởng ứng tham gia thực hiện, phát huy vai trò giám sát của MTTQ trong xây dựng NTM, đô thị văn minh, xây dựng các mô hình tự quản ở khu dân cư. Phấn đấu đến năm 2024, 100% Ủy ban MTTQ cấp xã có mô hình điểm và 50% trở lên các khu dân cư có mô hình hiệu quả.
Theo ông Phạm Thái Hanh, phong trào xây dựng NTM đã làm nên diện mạo mới, đánh dấu bước ngoặt vươn lên của tỉnh Thái Nguyên -Thủ đô gió ngàn trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Chương trình đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ và cư dân nông thôn về xây dựng NTM. Người dân từng bước xác định được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM và tham gia hưởng ứng mạnh mẽ với sự đồng thuận cao.
“Từ chỗ còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, đã chuyển sang chủ động, tích cực tham gia hiến đất, tài sản, đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng Chương trình. NTM đã trở thành hiện thực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện một cách rõ rệt với tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa được nâng cao. Cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét. Dân chủ cơ sở được nâng cao từ đó phát huy nhiều cách làm hay, sáng tạo góp phần huy động nhiều nguồn lực cho xây dựng NTM trong những năm tiếp theo”- ông Phạm Thái Hanh khẳng định.
Nông thôn mới đã tạo ra diện mạo mới cho tỉnh Thái Nguyên - “Thủ đô gió ngàn” trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ chỗ còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, đã chuyển sang chủ động, tích cực tham gia hiến đất, tài sản, đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới. Nông thôn mới đã trở thành hiện thực, dân chủ cơ sở được đẩy mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện một cách rõ rệt với tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa được nâng cao. Cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét.