Giá trị thiêng liêng của Cách mạng tháng Tám
Thành công của Cách mạng tháng Tám đã để lại bài học lịch sử về tinh thần đoàn kết và sự sáng tạo đi đến chiến thắng. Làm thế nào để phát huy những giá trị của Cách mạng tháng Tám trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0? Ông Nguyễn Viết Chức- Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Xã hội (UBTƯ MTTQ Việt Nam) và nhà sử học Dương Trung Quốc đã dành cho Đại Đoàn Kết một cuộc trao đổi về vấn đề này.
Ông Nguyễn Viết Chức.
PV:Đầu tiên xin cảm ơn các vị khách mời. Các vị có thể phân tích rõ về ý nghĩa cũng như bài học kinh nghiệm của cuộc Cách mạng Tháng Tám mà Đảng đã lãnh đạo nhân dân đi đến thành công?
Ông Nguyễn Viết Chức: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của đoàn kết toàn dân tộc, khi có thế lực xâm lăng, nhờ làn sóng đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân mà có thể nhấn chìm kẻ thù. Nếu so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch lúc đó có thể thấy, dân ta còn đang đói, quân đội non trẻ, mới ra đời vào năm 1944 chưa thể tinh nhuệ, chính quy hiện đại. Nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn, tinh thần giành độc lập, tự do cho được nên đã giành thắng lợi. Như vậy, ý nghĩa bài học lớn nhất là phát huy cao độ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Thời điểm ấy làm gì có hệ thống thông tin như bây giờ nhưng gần như đồng loạt trong cả nước chúng ta tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đấy chính là lòng dân, làm nên Cách mạng tháng Tám. Nhìn lại Cách mạng tháng Tám có rất nhiều bài học được rút ra nhưng có hai yếu tố chính là tinh thần đoàn kết và sự sáng tạo làm nên chiến thắng.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cách mạng tháng Tám thành công, sau đó gần 1 năm, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đề nghị tổng kết ngay lịch sử, vì cuộc cách mạng này để lại rất nhiều bài học có giá trị. Thứ nhất là chớp thời cơ. Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945, theo con số chính thức được công bố, Đảng lúc đó chỉ có 5.000 đảng viên, nhưng cá nhân chỉ là đốm lửa trên một cánh đồng khô, cánh đồng khô là môi trường cho cuộc cách mạng đã chín muồi cần phải tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Một vấn đề quan trọng trong Cách mạng tháng Tám là Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” gần như là cẩm nang cho mọi người biết là cơ hội đã đến. Khi Quốc dân Đại hội đang diễn ra, nghe tin Hà Nội giành chính quyền, lúc đó Bác Hồ đã nói “về ngay chứ ngồi đây làm gì nữa”. Lúc đó tất cả các thành viên trừ một số người được Bác yêu cầu ở lại để củng cố chiến khu, ai có phương tiện nào thì về bằng phương tiện ấy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại nghe rất cảm động đó là khi về xuôi nhìn thấy làng mạc bị nước phủ kín vì năm đó lụt rất lớn, nhưng ở chỗ nào cao nhất từ nóc nhà cho đến ngọn tre đều có cờ đỏ sao vàng thì có thể hiểu rằng cách mạng đã thành công. Đó là mệnh lệnh không chỉ từ trái tim mà còn từ khối óc khi chúng ta nhận thức được rằng cơ hội đã đến.
Thứ hai là tinh thần đem sức ta mà giải phóng cho ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu nói được nhắc lại nhiều lần là: “Đứng trước tình thế, cơ hội ấy dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn chúng ta cũng quyết giành độc lập hôm nay” vì Người nhận ra đó là cơ hội duy nhất. Đúng ngày chúng ta tổ chức Lễ Độc lập 2/9 thì ở Vịnh Tokyo, Nhật Bản đã ký kết đầu hàng quân đồng minh. Cho nên yếu tố tự ta giải phóng ta là cực kỳ quan trọng, bởi chúng ta đã biết tranh thủ mọi cơ hội, sự ủng hộ của thế giới.
Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám đã để lại nhiều bài học lịch sử to lớn. Những thành quả đó theo đánh giá của các ông đã được vận dụng như thế nào trong quá trình xây dựng đất nước hiện nay?
Ông Nguyễn Viết Chức: Bài học về tinh thần đại đoàn kết đến hôm nay còn nguyên giá trị. Bởi thời nào cũng có khó khăn, có sức ép từ bên ngoài. Ngay trong nội bộ như tham nhũng, lãng phí đó là chuyện của chúng ta nhưng nếu không có “tai mắt” của nhân dân thì làm rất khó khăn. Cho nên bài học dựa vào dân luôn đúng trong mọi điều kiện. Cách mạng tháng Tám rất quyết liệt, giờ chống tham nhũng không quyết liệt, nửa vời là không được. Trước đây chúng ta đã từng nửa vời đó là “tắm từ vai trở xuống”, có những “vùng cấm” chỗ này, cấm chỗ kia nhưng hiện giờ chúng ta đã rất kiên quyết. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố “không có vùng cấm”, ai không chống tham nhũng thì đứng sang một bên. Thái độ kiên quyết của người đứng đầu, tinh thần quyết liệt chỉ có tiến không có lùi đó chính là tinh thần của Cách mạng tháng Tám.
Một bài học kinh nghiệm cần đúc kết trong giai đoạn hiện nay là dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng kiên quyết giữ cho được độc lập tự do của dân tộc. Tinh thần tự lực, không có gì quý hơn độc lập tự do là tinh thần xuyên suốt của lịch sử. Do đó độc lập, tự chủ là trên hết, ủng hộ lẽ phải, ủng hộ chân lý, ủng hộ sự đúng đắn trong quan hệ giữa các dân tộc và con người. Vừa rồi tôi rất hoan nghênh Việt Nam kiên quyết, phản đối không cho những kẻ buôn gian bán lận. Do vậy các tổ chức thương mại quốc tế đánh giá cao tính trung thực của chúng ta.
Theo tôi, tình hình chính trị trong khu vực không phải lúc nào cũng ổn định. Nhưng chúng ta luôn luôn vận dụng một cách sáng tạo, tinh thần của dân tộc, khôn khéo, mềm mại nhưng mà kiên quyết, mềm mại trong kỹ thuật, chiến thuật nhưng bất di bất dịch, kiên quyết trong chiến lược. Bài học sáng tạo trong Cách mạng Tháng Tám cũng cần áp dụng trong thời đại ngày nay. Trong Cách mạng Tháng Tám, nếu không sáng tạo không thể thắng lợi được. Cụ thể chúng ta yếu như thế, nhân dân mù chữ, đói khát như thế lấy sức đâu để mà đánh thắng những đế quốc sừng sỏ, nhưng thực tế chúng ta lại giành được chính quyền chính là do sáng tạo. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 thì dứt khoát phải sáng tạo. Không gian mở như thế này, ai sáng tạo, người ấy sẽ chiến thắng. Vì thế tôi cho rằng đoàn kết và sáng tạo là tài sản vô giá mà Cách mạng tháng Tám để lại. Nhưng đoàn kết mà đứng im sẽ không giải quyết được vấn đề, mà đoàn kết cần đi đôi với sáng tạo, lúc sẽ được cộng hưởng.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Yếu tố tự ta giải phóng ta là cực kỳ quan trọng. Như hiện nay vụ việc đang xảy ra ở bãi Tư Chính, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của thế giới đối với mục tiêu ổn định của khu vực Đông Nam Á, ổn định ở Biển Đông cùng với việc ủng hộ tự do hàng hải và hàng không. Nhưng nếu không ý thức được sức của mình mà chỉ dựa vào quốc tế thì sẽ thất bại. Do đó muốn làm được như vậy chúng ta phải huy động sức mạnh toàn dân. Nhà nước có tiếng nói chính thức, đấu tranh ngoại giao, dùng sức mạnh quân sự để bảo vệ chủ quyền nhưng đằng sau lưng phải có nhân dân. Bài học của Cách mạng tháng Tám là như vậy khi lực lượng của cách mạng của ta đang còn yếu nhưng có nhân dân phía sau nên ta giành chiến thắng. Nhà nước mà không có dân đứng đằng sau thì không bao giờ thành công. Vì thế tôi cho rằng, đây là bài học rất sâu sắc mà Cách mạng tháng Tám đã để lại cho chúng ta. Vì những thử thách bây giờ là những thử thách lớn liên quan đến vận mệnh quốc gia trong thời đại này.
Bài học cực kỳ quan trọng là phát huy sức dân, khối đại đoàn kết toàn dân. Tuy nhiên, khối đại đoàn kết đang có sự thử thách do tác động rất xấu của nạn tham nhũng, cùng sự chống phá của các thế lực thù địch. Vậy, chúng ta cần có những hành động gì để bảo vệ thành quả cách mạng?
Ông Nguyễn Viết Chức: Đại hội MTTQ các cấp vừa diễn ra có bàn rất nhiều về khối đại đoàn kết toàn dân. Đoàn kết, sáng tạo không chỉ là bài học mà còn là tài sản vô giá của Cách mạng tháng Tám. Nhìn một cách tổng thể, dân tộc ta là dân tộc đoàn kết, đoàn kết giữa dân với Đảng, với chính quyền, giữa các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên nếu nhìn thẳng vào sự thật phải thấy có sự phân tâm trong xã hội. Vì có những cán bộ đảng viên cao cấp không gương mẫu, tham ô, tham nhũng, cửa quyền, thậm chí chà đạp lên lợi ích nhân dân. Cho nên Đảng mới có nghị quyết sàng lọc đảng viên, có nghị quyết về nêu gương. Tinh thần của Đảng là làm trong sạch đội ngũ vì trước tiên muốn cho khối đoàn kết vững chắc phải xây dựng Đảng thật trong sạch, vững mạnh, đây là vấn đề rất quan trọng.
Thế nên Đại hội XII của Đảng mới lấy tiêu đề là: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”. Đảng không trong sạch, vững mạnh thì dân biết theo ai? Do vậy, từng chi bộ phải là trung tâm để cho người dân thấy những tấm gương, từ các đảng bộ, chi bộ, cấp ủy đảng, xã huyện tỉnh cho đến Trung ương để người dân noi theo. Có như thế người dân mới hướng vào Đảng, theo Đảng, toàn dân mới đoàn kết được. Kết quả trực tiếp của Cách mạng tháng Tám là giành được chính quyền. Còn đoàn kết trong thời kỳ đổi mới, kết quả phải là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đoàn kết phải hiểu là cùng nhau có cùng lợi ích, gắn với nhau cùng lợi ích vì độc lập dân tộc, dân giàu, nước mạnh. Phải đoàn kết lại làm năng suất lao động cao lên, làm cho nước hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu, không được tụt hậu.
Nhà sử học Dương Trung Quốc.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Đầu tiên chúng ta phải xem làm sao lòng tin của dân bị suy giảm, nó có nhiều nguyên nhân. Trước hết, Nhà nước phải tự soi mình xem lỗi của mình ở chỗ nào? Tôi có viết cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bức thư nhân chuyện Đồng Tâm là đã đến lúc bên cạnh Chính phủ kiến tạo thì đừng quên chúng ta có truyền thống của Chính phủ giáo hóa. Mỗi lỗi sai của dân cũng đều có lỗi của Nhà nước vì đã giao đất phải có bản đồ, không có bản đồ làm sao dân tin? Nó cũng giống như chuyện của Thủ Thiêm vậy. Quan trọng nhất vẫn là lòng dân. Bài học của Cách mạng tháng Tám vẫn đúng với bài học của ngày hôm nay chứ không chỉ là quá khứ.
Muốn phát huy được tinh thần đại đoàn kết toàn dân thì phải dân chủ. Vì dân chủ nên huy động được toàn dân làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám. Cụ Hồ rất có ý thức chuyện đó nên sau khi có Sắc lệnh thành lập bộ máy nhà nước ở địa phương, các cơ quan hành chính thì ngày hôm sau, Bác đã ra 2 Sắc lệnh là thành lập Tòa án đặc biệt và Ban Thanh tra đặc biệt. Mục đích là để giám sát bộ máy, dù bộ máy trưởng thành trong cách mạng nhưng nếu không cẩn thận sẽ thành “quan cách mạng”. Thành lập Tòa án đặc biệt để xử những “quan cách mạng” mà tự thân Bác làm Chánh án và giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ là một nhà luật học- đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm thẩm phán. Lúc đó lấy thu phục lòng dân là quan trọng hàng đầu. Nhiều Bộ trưởng đã được phân công vào Chính phủ lâm thời nhưng xin rút lui để cho các nhân sĩ vào cuộc. Vì thu hút họ vào được Chính phủ là tăng thêm sức mạnh cho cách mạng, tránh để họ đi theo các thế lực thù địch. Cho nên quan trọng nhất vẫn là lòng dân, không để lòng tin của dân bị suy giảm mới phát huy được sức dân, khối đại đoàn kết toàn dân.
Một vấn đề khác nữa đó là thành quả của cách mạng phải được hướng đến xây dựng đất nước XHCN giàu mạnh, đem đến no ấm, công bằng và hạnh phúc của nhân dân. Song hiện nay một bộ phận nhân dân vẫn đang khó khăn, phân hóa giàu nghèo còn khoảng cách lớn. Không để người dân nào ở lại phía sau như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, theo các ông thì đảng viên, đội ngũ cán bộ công chức cần hành động thế nào để phục vụ người dân cũng như phát huy sức dân trong công cuộc xây dựng đất nước?
Ông Nguyễn Viết Chức: Nếu đoàn kết nửa vời, cứ mạnh ai nấy làm thì sẽ có một bộ phận người dân bị bỏ lại phía sau, chỉ cần một năm thôi đã thấy tụt hậu rồi. Lá lành đùm lá rách không phải là thương hại, gửi cho nhau mấy thùng mì tôm mà tạo cho nhau điều kiện để làm ăn, để không “ai bị bỏ lại phía sau” thế mới là đoàn kết. Vì mục tiêu đoàn kết không chỉ giành độc lập, tự do cho dân tộc mà phải là dân giàu nước mạnh. Dân giàu thì mỗi gia đình phải giàu, giàu khi nước mạnh, chứ ông làm giàu mà để đất nước yếu đi như một số người tham nhũng là không tốt. Vậy vai trò của Đảng thế nào? Đảng viên đứng ở đâu? Chẳng hạn, tại chi bộ, đặc biệt là bí thư chi bộ cơ sở phải tự đặt câu hỏi: Quần chúng đã tin vào mình chưa? Tại sao chưa tin? Tốt thôi chưa đủ mà anh phải thực sự đi đầu. Cho nên phải sáng tạo. Tóm lại người đứng đầu phải đi đầu trong đoàn kết, sáng tạo. Đảng ở đây không phải lãnh đạo chung chung nữa, không chỉ nói lập trường, tư tưởng, mà thể hiện trong hành động, gương mẫu đi đầu, đi đầu trên phạm vi toàn quốc.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Đặc quyền, đặc lợi và lợi ích nhóm đang tạo nên sự phân hóa. Đây là vấn đề cả thế giới cũng quan tâm. Khi có chế tài, và hành lang pháp lý để thúc đẩy làm giàu trong xã hội nhưng cùng với nó là trách nhiệm đối với xã hội. Khi bàn đến thuế tài sản chúng ta lại tránh, cho rằng khó khăn trong khi đây là việc các quốc gia khác đã làm từ lâu. Tài sản bất động sản nhiều mà không đánh thuế đó là chưa phù hợp. Do đó phải dân chủ. Trong Di chúc của Bác, Bác luôn nói đến dân chủ, và dân chủ đầu tiên là trong Đảng, bộ máy lãnh đạo đất nước. Hiện dù có nhiều thay đổi nhưng vẫn chậm so với mong muốn của người dân và theo kịp với thời đại cho nên phải so sánh với mặt bằng thế giới.
Mong muốn của tôi cũng như người dân là các giá trị chung, người dân phải được hưởng. Rõ ràng hiện đang có sự trì trệ, lôi kéo của nhóm lợi ích. Một câu chuyện rất đơn giản là thu phí BOT không dừng nhưng đến giờ chưa thực hiện được, cái đó không phải công nghệ 4.0 mà 2.0 cũng thực hiện được nhưng tại sao chậm đến thế. Người ta không nói ra nhưng ai cũng hiểu là phải xóa lợi ích nhóm.
Trân trọng cảm ơn các vị khách mời!
Đại tướng Nguyễn Quyết- Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước - Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội: Không xây dựng được cơ sở, căn cứ lòng dân không vững chắc, cách mạng không thể thành công Quần chúng nhân dân Hà Nội đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ, ngày 19/8/1945. Năm 1943, tôi được Đảng điều động lên Hà Nội hoạt động. Tôi cùng các đồng chí trong Thành ủy xác định, Hà Nội có vị trí chiến lược đặc biệt, là cơ quan đầu não của phát xít Nhật. Nếu không thanh toán được cơ quan đầu não này, phong trào cách mạng cả nước rất khó thành công. Với lòng tin vào nhân dân, tuyệt đối tin tưởng ở thắng lợi của cách mạng, Thành ủy Hà Nội tập trung xây dựng các cơ sở cách mạng ở cả nội và ngoại thành. Có những gia đình quan lại phong kiến, gia đình thợ thuyền được giác ngộ đã cưu mang, che chở, bảo vệ cán bộ. Nhiều thanh niên thuộc tầng lớp trên trong xã hội nửa thuộc địa nửa phong kiến say mê lý tưởng cách mạng đã dấn thân hoạt động sôi nổi. Nhờ có các cơ sở cách mạng, Thành ủy Hà Nội đã đứng vững, từ đó bắt mối phát triển phong trào ngày càng lan rộng trong các tầng lớp nhân dân. Không xây dựng được cơ sở, căn cứ lòng dân vững chắc thì cách mạng sẽ không thể tồn tại. Tối 17/8/1945, với trách nhiệm là Bí thư Thành ủy Hà Nội kiêm Ủy viên Quân sự của Ủy ban Khởi nghĩa, tôi đã triệu tập hội nghị Thành ủy mở rộng. Tại cuộc họp, có ý kiến cho rằng, lực lượng quân sự của ta còn yếu, nên chờ sự hỗ trợ của Trung ương. Tuy nhiên, qua phân tích, đánh giá tình hình, Thành ủy quyết định khởi nghĩa. Ngày 19/8/1945, cuộc mít tinh lớn diễn ra lúc 11h tại Quảng trường Nhà hát Lớn với sự tham gia của khoảng 20 vạn người nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình thị uy vang dội. Sau đó, theo kế hoạch, quần chúng chia làm hai khối. Đoàn đánh chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát Hàng Trống do đồng chí Nguyễn Khang phụ trách. Tôi phụ trách Đoàn chiếm Trại Bảo an binh. Trại Bảo an binh lúc bấy giờ có khoảng 1.000 quân của chính quyền thân Nhật đồn trú, đứng sau là hơn 1 vạn lính Nhật với đầy đủ trang bị, vũ khí hiện đại. Do khéo vận động, thuyết phục, ta đã không phải nổ súng mà vẫn chiếm được trại, chiếm được kho vũ khí của địch để trang bị cho lực lượng vũ trang cách mạng. Thực tiễn cuộc giành quyền kiểm soát Trại Bảo an binh đã thể hiện phương thức đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang và công tác ngoại giao, giúp Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội giành thắng lợi trọn vẹn, không đổ máu. |