Chủ động hội nhập, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế

Mai Loan 01/09/2019 09:00

Mở đầu năm 2019, chúng ta còn nhớ một sự kiện rất quan trọng đó là việc Thủ đô Hà Nội được chọn là địa điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai. Và tối muộn ngày 7/6 (giờ Hà Nội), Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ với số phiếu cao kỷ lục 192/193 và là ứng viên duy nhất được nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương đồng thuận giới thiệu.

Chủ động hội nhập, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Mỹ Donal Trump nhân Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tổ chức tại Hà Nội, tháng 2/2019.

Tham gia vào các cơ chế quan trọng của Liên hợp quốc

Là người chứng kiến cả 2 lần Việt Nam được bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an, ngay tại New York, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, điểm giống nhau giữa 2 lần là Việt Nam tham gia vào công việc của một cơ quan quan trọng nhất của LHQ, có trách nhiệm hàng đầu trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Điều thú vị là, câu chuyện của 10 năm trước giờ đã lặp lại nhưng ngoạn mục hơn rất nhiều với số phiếu cao gần như tuyệt đối. Có được kỳ tích ấy là bởi, trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009 chúng ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được cộng đồng quốc tế giao phó; đặc biệt đã đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009. Không chỉ dừng lại ở đó, suốt 10 năm qua, Việt Nam đã tham gia hầu khắp các hội đồng và là thành viên của nhiều hội đồng như: Thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ; thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO; thành viên ECOSOC; thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam đã trúng cử làm thành viên Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của LHQ (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025. Chúng ta cũng đã cử sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Trong suốt 10 năm, với mục tiêu hội nhập đầy đủ với các hoạt động của LHQ, chúng ta đã có nhiều nỗ lực, từ học hỏi đến chủ động tham gia, nêu ý kiến của mình tại các diễn đàn lớn của thế giới và LHQ; chúng ta cũng đã có nhiều sáng kiến đóng góp vào nền hòa bình, thịnh vượng chung. Hay, nói cách khác, Việt Nam đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao khi tham gia các cơ chế , diễn đàn của LHQ. Có lẽ, chính vì điều này mà uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng lên rõ rệt.

“Quyết định tham gia Hội đồng Bảo an của Việt Nam là quyết định quan trọng, thể hiện vai trò, vị thế đồng thời cả trách nhiệm của Việt Nam là thành viên LHQ cũng như là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Quyết tâm của Việt Nam trong lần thứ 2 tham gia vào Hội đồng Bảo an là để có những đóng góp vào vấn đề quan trọng nhất hiện nay của thế giới: Duy trì được hòa bình, an ninh và ổn định”- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí về quyết định tham gia Hội đồng Bảo an năm 2019.

Ưu tiên của Việt Nam, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao là tăng cường hơn nữa vai trò của chủ nghĩa đa phương. Việt Nam mong muốn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế. “Do đó, tôn trọng luật pháp quốc tế khi giải quyết những vấn đề toàn cầu, những vấn đề hòa bình, an ninh là mục đích cao nhất mà Việt Nam mong muốn đóng góp vào Hội đồng Bảo an LHQ”- ông nói.

Bên cạnh đó, với vai trò, kinh nghiệm của mình, Việt Nam mong muốn đóng góp vào giải quyết những vấn đề như: Giải quyết hậu xung đột, phụ nữ trẻ em trong xung đột, xử lý bom mìn sau xung đột… Những ưu tiên trên là những vấn đề mà Việt Nam có kinh nghiệm, đồng thời nhận thấy là những vấn đề hết sức quan trọng qua quá trình tham gia Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ trước. “Khi tham gia Hội đồng Bảo an, mục đích của Việt Nam là xây dựng môi trường hòa bình, ổn định trên thế giới và khu vực để đảm bảo môi trường hòa bình cho phát triển” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Những hiệp định mang lại cơ hội và thách thức

Kể từ ngày nước nhà độc lập, thống nhất, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã ngay lập tức bắt tay vào kiến thiết lại đất nước và tập trung cho công cuộc phát triển kinh tế. Đặc biệt, kể từ sau đổi mới đến nay chúng ta đã đạt nhiều thành tựu lớn. GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở về đây. Mức tăng trưởng năm 2018 vượt mục tiêu 6,7% đặt ra là kết quả sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều năm 2018 ước tính là 6,8%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2017. Tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước năm 2018 là 2,00%, trong đó khu vực thành thị là 2,95%; khu vực nông thôn là 1,55%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 1,46%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,69%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 1,85%.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế khu vực và toàn cầu, đánh dấu thời điểm nước ta hoàn thành lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và cắt giảm thuế quan theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, bắt đầu thực thi các cam kết FTA với mức độ cắt giảm sâu rộng. Việt Nam đã ký kết và chuẩn bị triển khai các FTA thế hệ mới; mà một trong số đó là vào chiều 30/6, tại Hà Nội, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA) đã được ký kết. Trước đó là việc chúng ta tham gia vào CPTPP cũng được kỳ vọng đem lại nhiều lợi thế cho nền kinh tế.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sự kiện ký kết EVFTA và IPA là mốc son quan trọng sau quá trình bắt đầu đàm phán và hoàn tất các thủ tục trong nhiều năm. Thủ tướng cho rằng, EU coi Việt Nam là quốc gia giàu tiềm năng, đối tác hàng đầu tại Đông Nam Á. Việt Nam luôn vui mừng vì được hợp tác với EU - một nền văn minh tiên tiến, khối kinh tế phát triển, mở rộng hợp tác với 28 thành viên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta có thể tiếp cận cùng lúc với gần 30 nền kinh tế thành viên EU; có một thị trường hơn nửa tỉ dân. Như thế, cùng với CPTPP chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa tiếp cận với kinh tế thế giới. Để đạt được những thành quả ấy, Việt Nam đã không chỉ tích cực mà còn chủ động cho thế giới thấy, Việt Nam đang nỗ lực tham gia xây dựng các luật lệ của cuộc chơi toàn cầu. Nó chứng tỏ vị thế, vai trò của Việt Nam đã ngày càng lớn mạnh, được cộng đồng quốc tế công nhận. Đương nhiên, để hoàn thành những giấc mơ vươn ra thế giới, chúng ta sẽ còn phải vượt qua những thách thức không nhỏ. Nhưng,bằng bản lĩnh, bằng kinh nghiệm, việc ấy có lẽ sẽ không quá khó.

Chuẩn bị tốt cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam: Có thể khẳng định, việc Việt Nam tham gia ASEAN vào năm 1995 bản thân nó đã là một sự đóng góp to lớn đối với ASEAN, chuyển cục diện khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ từ đối đầu sang đối thoại đến những đóng góp về tiềm lực, thị trường, dân số, cũng như nâng cao vị thế của ASEAN.

Về mặt chủ quan, Việt Nam đã có những đóng góp rất cụ thể cho thành tựu chung của ASEAN. Từ giai đoạn ban đầu, ta phải cần nỗ lực rất nhiều để thực hiện các nghĩa vụ thành viên (thậm chí ASEAN có cả sự linh hoạt dành cho ta do chênh lệch trình độ phát triển), cho tới nay Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ động, tích cực, tham gia hợp tác ASEAN trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực ta ở nhóm đi đầu, nhất là thúc đẩy đoàn kết, thống nhất, tăng cường hợp tác chính trị - an ninh, kinh tế.

Tham gia ASEAN, chúng ta có sức mạnh của tập thể, của cộng đồng, chúng ta neo lợi ích của mình trong đó. Có thể nói ASEAN là bước đi đầu tiên của Việt Nam về hội nhập quốc tế, đã và tiếp tục là “vùng đệm” quan trọng chiến lược cho an ninh và phát triển của Việt Nam, là cầu nối quan trọng để Việt Nam vươn ra thế giới.

Mai Loan