Mặt trận Việt Minh với Cách mạng tháng Tám

Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam) 01/09/2019 07:30

Ngày 1/9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, phát triển nhanh với mức độ và quy mô ngày càng ác liệt. Tình hình đó đòi hỏi Đảng Cộng sản Đông Dương phải có chủ trương, quyết sách kịp thời, nhạy bén và sát sao hơn. Đầu năm 1941, sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về để cùng Trung ương lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Mặt trận Việt Minh với Cách mạng tháng Tám

Lực lượng tự vệ Hà Nội những ngày tháng 8/1945.

1. Sau một thời gian chuẩn bị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế cộng sản triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám (khóa I) họp từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941 tại Pắc Bó (Cao Bằng).

Phân tích những diễn biến của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, Hội nghị nhận định, cách mạng Việt Nam lúc này phải là cách mạng giải phóng dân tộc. Để làm tròn nhiệm vụ đó, công việc cốt yếu của Đảng lúc này là phải liên minh tất cả các lực lượng của các giai cấp, đảng phái, các nhóm cách mạng cứu nước, các tôn giáo, các dân tộc kháng Nhật. Để hoàn thành nhiệm vụ giải pháp dân tộc, theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Khẩu hiệu chính của Việt Minh là: Phản Pháp, kháng Nhật, liên Hoa, độc lập.

Ngày 25/11/1941, Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình, Điều lệ. Chương trình của Việt Minh nêu rõ: Muốn cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi, Việt Minh phải liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị, giai cấp; tất cả đoàn kết lại để đánh đuổi Pháp - Nhật giành độc lập cho xứ sở, đồng thời phải hết sức giúp đỡ Ai Lao và Cao Miên để cùng thành lập Đông dương độc lập đồng minh.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Mặt trận trình bày rõ ràng đường lối, chính sách, phương pháp tiến hành và tổ chức lực lượng đấu tranh để thực hiện mục đích cứu nước của mình.

Nhờ có chính sách đúng, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của các tầng lớp nhân dân mà tổ chức và phong trào Việt Minh, phát triển nhanh chóng và lan rộng ra khắp nước.

Ngày 7/5/1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị về sửa soạn khởi nghĩa. Tháng 10/1944, lãnh tụ Nguyễn Ái QUốc có thư Kính cáo đồng bào kêu gọi các bậc phú hào yêu nước, công, nông, binh, phụ nữ, công chức, tiểu thương cần nhận rõ trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy; phải đoàn kết lại để đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi, lửa nóng. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm.

Ngày 22/12/1944, thay mặt Tổng bộ Việt Minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra Chỉ thị thành lập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Ngày 9/3/1945, Nhật hất cẳng Pháp độc chiếm Đông Dương. Nhân sự kiện này, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã kịp thời ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tổng bộ Việt Minh triệu tập Đại hội quốc dân ở Tân Trào trong 2 ngày 16 và 17/8/1945. Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa do Đảng Cộng sản Đông Dương đề nghị, thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh. Đại hội đã cử ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, một hình thức của Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam, do lãnh tụ Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) làm Chủ tịch.
Chỉ trong vòng hai tuần lễ, cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công trên phạm vi cả nước.

2. Mặt trận Việt Minh được thành lập theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập hợp các tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước và các tổ chức cứu quốc đoàn kết, động viên toàn dân vùng lên giành chính quyền, đưa Cách mạng tháng Tám đến thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử diễn ra cuộc mít tinh chào mừng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đại diện Tổng bộ Việt Minh, ông Nguyễn Lương Bằng, đọc diễn văn khái quát lại vai trò, sứ mệnh lịch sử vinh quang của Mặt trận Việt Minh trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và đọc Lời hiệu triệu đồng bào cả nước, trong đó nêu rõ: Quyền độc lập của chúng ta còn mong manh. Giành được chính quyền là việc khó, giữ vững chính quyền lại càng khó khăn hơn. Việt Minh suốt mấy năm nay kiên quyết phấn đấu, chịu bao hy sinh, đau đớn mới có độc lập. Ngày nay, chính quyền đã được thành lập. Việt Minh không cho thế là đủ. Việt Minh biết rằng: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Bởi vậy, Tổng bộ Việt Minh quyết lãnh đạo đồng bào san phẳng mọi trở lực đặng giữ vững quyền độc lập đã giành được, không trông chờ vào người khác, một lòng ủng hộ Chính phủ, sẵn sàng đập tan kế hoạch xâm lược của thực dân Pháp.

Chuyển sang thời kỳ phát triển mới của cách mạng, chính quyền nhân dân được thành lập từ Trung ương đến địa phương trong cả nước. Mặt trận Việt Minh không còn làm chức năng chính quyền như trước. Hoạt động của Mặt trận lúc này là nhằm củng cố và phát triển tổ chức của Mặt trận, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, làm chỗ dựa vững chắc cho chính quyền và động viên nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền.

Sau Cách mạng tháng Tám, chính quyền non trẻ của nhân dân ta đứng trước những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Nạn đói đe dọa sinh mệnh hàng triệu đồng bào. Quân Anh được phái vào tước vũ khí của quân Nhật ở miền Nam, đã giúp cho thực dân Pháp nổ súng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam từ ngày 23/9/1945. Ở phía Bắc, 18 vạn quân Quốc dân Đảng Trung Hoa kéo vào đem theo bọn phản cách mạng Việt Nam có vũ trang nhằm thực hiện âm mưu đen tối là tiêu diệt Đảng ta và “phá tan Việt Minh”.

Để bảo vệ chính quyền cách mạng, làm thất bại âm mưu thâm độc của kẻ thù, nhiệm vụ cấp bách là phải củng cố và mở rộng Việt Minh, tổ chức thêm nhiều đoàn thể cứu quốc tham gia Mặt trận Việt Minh; Đảng chuyển vào hoạt động bí mật dưới danh nghĩa tuyên bố tự giải tán để tránh mũi nhọn tiến công của kẻ thù.

Qua những việc làm trên, đặc biệt là với việc Đảng tuyên bố tự giải tán, vai trò của Việt Minh trong đời sống chính trị của đất nước ngày càng được đề cao. Việt Minh - hình ảnh của khối đại đoàn kết dân tộc - có thêm nhiều thành viên tổ chức và cá nhân mới. Đó là các đảng phái chính trị, các nhân sĩ yêu nước, những trí thức tiêu biểu thuộc các tầng lớp trên của xã hội.

Để phân hóa hàng ngũ của các đảng phái chính trị phản động bám gót quân Tưởng, Việt Minh ký Tuyên ngôn đoàn kết với Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội; ký Thỏa hiệp với Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam cách mệnh Đồng minh Hội về việc thành lập Chính phủ liên hiệp… Nhiều đại biểu Quốc hội, bộ trưởng trong Chính phủ là cán bộ Việt Minh được Quốc dân Đại hội Tân Trào bầu ra đã tự nguyện nhường lại 70 ghế trong Quốc hội cho các đảng phái, tổ chức không chỉ thể hiện đạo đức trong sáng mà còn chứng tỏ chính sách đại đoàn kết trước sau như một của Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, đã có tác dụng lôi kéo những người do dự, kể cả những người vốn có tư tưởng chống đối về với nhân dân, với cách mạng.

Đánh giá vai trò của Mặt trận Việt Minh, Tuyên ngôn của Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt họp tháng 3/1951 nêu rõ: “Việt Minh có công lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân chống quân cướp nước. Công đức ấy tất cả mọi người Việt Nam phải ghi nhớ. Lịch sử Việt Minh 10 năm đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc cũng là những trang sử vẻ vang vào bậc nhất của dân tộc Việt Nam ta”.

Thành công và uy tín của Việt Minh cũng đồng nghĩa với thành công và uy tín của Đảng - một Đảng đã thực sự hóa thân vào Mặt trận, sống trong lòng dân để lãnh đạo dân làm cách mạng, vừa tôn trọng tính độc lập, tự chủ, sáng tạo, vừa khuyến khích vừa tạo điều kiện để Mặt trận hoạt động có hiệu quả.

Việt Minh là sản phẩm của sự đúc kết, kế thừa mô hình tổ chức Mặt trận trước đó, song có sự phát triển về chất trong việc vận dụng chiến lược và sách lược liên minh nhằm tập hợp tối đa các lực lượng cả tổ chức lẫn cá nhân có thể tập hợp được. Sức hấp dẫn kỳ lạ của Việt Minh chính là ở chỗ đáp ứng được nguyện vọng và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, làm cho mọi người Việt Nam ai cũng thấy rõ vị trí, quyền lợi, trách nhiệm của mình trong tổ chức. Vì vậy, nhân dân tin tưởng, làm theo và sẵn sàng hy sinh, bảo vệ Việt Minh…

Kế tục và phát huy vai trò lịch sử của các hình thức và tổ chức Mặt trận qua các thời kỳ, đặc biệt là của Mặt trận Việt Minh, Dự thảo báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2019-2024 (đang được lấy ý kiến nhân dân) nêu rõ mục tiêu phấn đấu: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, tăng cường củng cố liên minh chính trị, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội; thúc đẩytinh thần thi đua sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam)