Cơm sôi bớt lửa...
Những ngày qua, dư luận xã hội, cộng đồng mạng lại sôi sùng sục trước cảnh clip, báo chí nêu việc một người chồng ở quận Long Biên (Hà Nội) “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người vợ ôm đứa con mới 2 tháng tuổi. Thôi thì đủ mọi bình luận, nhiếc móc, những “gạch, đá” dồn cho anh chồng vũ phu.
Từ đây, không ít cá nhân, gia đình, cơ quan có trách nhiệm cũng phải tự kiểm điểm, nhìn lại chính mình. Làm sao để hạn chế, giảm bớt, triệt tiêu những tình huống trên để các tổ ấm có được hạnh phúc, góp phần cho xã hội yên bình?
Chuyện to tiếng, cãi vã cũng như chuyện nắng mưa, khó tránh khỏi trong các gia đình. Tuy nhiên ở không ít gia đình đã xảy ra các hành vi bạo lực, thậm chí gây ra hậu qủa đáng tiếc. Kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cho thấy, giai đoạn năm 2008-2011, toàn quốc xảy ra 152.873 vụ bạo lực gia đình. Giai đoạn 2012-2017 xảy ra 139.395 vụ, trong đó, bạo lực về thân thể 69.133 vụ, bạo lực về tinh thần 51.227 vụ, bạo lực về kinh tế 14.331 vụ, bạo lực tình dục 4.338 vụ... Đây cũng mới là con số theo báo cáo, thống kê của ngành văn hoá. Còn theo báo cáo của TAND Tối cao thì giai đoạn từ năm 2008-2017 có đến 1.050.687 vụ ly hôn xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình. Trên thực tế con số này lớn hơn nhiều, vì các gia đình, cá nhân là nạn nhân của bạo lực “ngậm bồ hòn làm ngọt” cho vỏ bọc gia đình hạnh phúc, yên ấm.
Cũng trên thực tế, không ít các nạn nhân của tình trạng bạo lực đã phải chịu hậu quả tủi nhục, đau đớn thể xác hơn nhiều những cảnh đấm dứ, đá doạ, lời lẽ cay nghiệt.
Bạo hành gia đình có nhiều dạng: bạo lực về thể xác, tinh thần, tình dục, kinh tế… mà nạn nhân là những người tình, vợ chồng, người già, trẻ em. Theo thống kê có khoảng 30% phụ nữ trên thế giới là nạn nhân. Ở ta, hơn 50% phụ nữ được khảo sát cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực (thể xác, tinh thần và tình dục). Nguyên nhân đa số do người chồng bản chất nóng tính, gia trưởng, coi thường phụ nữ, và tác nhân thêm là các chất kích thích như bia rượu, ma tuý… Cũng không chỉ những người nông dân, vùng sâu xa ít học, kém nhận thức, không ít bạo lực xảy ra trong các gia đình có tiếng là có học, khá giả, có chức, có quyền. Cũng không chỉ nạn nhân là người vợ hay con trẻ, mà nạn nhân nhiều khi chính là người đàn ông trong nhà.
Theo một nữ chuyên gia, bạo hành gia đình có khác các kiểu bạo hành khác. Đối tượng bạo hành gia đình lại là người thường xuyên “ôm ấp”, thân cận với chính nạn nhân. Sau bạo hành là những lời lẽ ngọt ngào, những lời hối lỗi, quà cáp… nên những nạn nhân hầu hết lại tặc lưỡi bỏ qua. Người ta chấp nhận sự hy sinh vì nghĩ đến con cái, nghĩ đến thể diện họ hàng, cha mẹ, thể diện của chính bản thân mà giấu đi cay nghiệt của mình. Đa số cũng vẫn hy vọng vào sự thay đổi của chồng, của vợ, hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Tuy nhiên không ít người đã rơi vào cái vòng luẩn quẩn, là nạn nhân của nạn bạo hành hết cả cuộc đời.
Để phòng, chống nạn bạo hành gia đình, hệ thống pháp luật của ta đã có nhiều quy định, chế tài. Cùng với các đạo luật khác như Bộ Luật Hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em… Luật Phòng, chống bạo lực trong gia đình đã được Quốc hội khoá XII thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực từ 1/7/2008 quy định rất rõ trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức xã hội và việc xử lý. Bên cạnh đó là các mô hình trung tâm bảo vệ, nhà tạm lánh… Tuy nhiên, để pháp luật đi vào cuộc sống cũng không đơn giản khi còn vướng các hủ tục, quan niệm mặc cảm, sự thiếu quan tâm của các đoàn thể, chính quyền các địa phương.
Ai cũng biết hậu quả của bạo lực gia đình. Không chỉ dư luận xã hội phán xét, pháp luật phân xử mà cụ thể đã ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc chung, tâm lý con trẻ trong gia đình, chưa nói đến việc tan vỡ hôn nhân và hệ luỵ. Để chống bạo lực gia đình, điều trước hết phải nâng cao nhận thức từ các cá nhân, không chỉ từ người gây bạo lực mà cả các nạn nhân. Các nạn nhân cần vượt qua chính mình, có sự thay đổi, và cần tìm đến trợ giúp của các cơ quan, đoàn thể, đại gia đình và những người thân, bạn bè. Nhiều người phải học kỹ năng chống bạo lực, như tìm cách tránh né, giải quyết khéo léo bằng tình cảm. Ông bà ta cũng từng có câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời. Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê…”. Cuộc sống gia đình cũng cần sự chia sẻ, thông cảm hỗ trợ lẫn nhau.
Ngày nay, cùng với pháp luật, với phương tiện hiện đại, búa rìu lên án của dư luận cũng đã góp phần bảo vệ tốt cho các nạn nhân bạo lực gia đình. Trở lại câu chuyện của đôi vợ chồng ở quận Long Biên, người vợ có đơn tố cáo, chính quyền, công an đã vào cuộc; tuy nhiên người vợ đã rút đơn tố cáo để hòa giải, người chồng thì đã cam kết không bạo hành với vợ. Dư luận xã hội cũng cần tạo cơ hội và hy vọng người chồng có sự thay đổi để họ cùng nhau xây dựng một tổ ấm thực sự hạnh phúc.