Mỹ tiếp tục kêu gọi Iran ngồi vào bàn đàm phán
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 29/8 đã kêu gọi chính quyền Iran tham gia các vòng thảo luận với Mỹ nhằm giảm thang căng thẳng trong khu vực Vùng Vịnh. Tuy nhiên, phía Tehran đã đáp trả bằng cách đưa ra điều kiện để trở lại bàn đàm phán với Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper kêu gọi Iran tham gia đàm phán để tháo gỡ tình trạng căng thẳng. Nguồn: AP.
Triển vọng đàm phán
“Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc xung đột với Iran. Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề với họ bằng biện pháp ngoại giao” - Bộ trưởng Esper nói trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi tháng trước - “Tổng thống một lần nữa nói rằng ông sẵn sàng gặp gỡ giới lãnh đạo Iran”.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Biarritz, Pháp hôm đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump - hiện đang gây sức ép cực đại đối với Tehran - đã thể hiện rõ sự cởi mở của mình trước đề xuất mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra, trong đó tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani.
“Nếu tình hình hiện nay cho phép, tôi chắc chắn sẽ nhất trí với đề xuất đó” - ông Trump nói trong cuộc họp báo chung với ông Macron.
Nếu như hội nghị này có thể diễn ra, nó sẽ đóng vai trò “phá băng” trong quan hệ giữa Tehran và Washington và làm dấy lên hy vọng chấm dứt khoảng thời gian 2 năm xảy ra liên tiếp các hành động thù địch giữa hai nước.
Khác với người tiền nhiệm Barack Obama, Tổng thống Trump thực thi một chính sách gọi là “sức ép cực đại” đối với Tehran liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này và trong năm ngoái đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn giúp hạn chế các hoạt động phát triển hạt nhân của Iran.
Căng thẳng kể từ đó tăng dần, khi Iran bắt giữ nhiều tàu chở dầu trên khu vực Vùng Vịnh trong các tháng gần đây và Anh bắt giữ một tàu chở dầu của Iran ngoài khơi Gibraltar. Trong bối cảnh đó, Mỹ đã khởi động “Chiến dịch Canh gác”, một chiến dịch hàng hải nhằm bảo vệ tuyến hàng hải thương mại ở Vùng Vịnh.
“Tôi rất vui khi thông báo rằng Chiến dịch Canh gác đã khởi động và đang vận hành, với sự tham gia của Anh, Australia và Bahrain” - Bộ trưởng Esper nói trong cuộc họp báo, thêm rằng nhiều quốc gia khác sẽ sớm tham gia, và chiến dịch này đã giúp bình ổn tình hình trong khu vực.
“Nhờ vào sự hiện diện của chúng tôi cùng sự hiện diện của các đồng minh và đối tác trong khu vực, tôi nghĩ rằng cho đến nay các hành động khiêu khích đã được ngăn chặn” - ông Esper nói thêm - “Chúng tôi muốn đàm phán với Iran và thảo luận về con đường ngoại giao phía trước”.
Gỡ bỏ lệnh trừng phạt
Cũng trong hôm 29/8, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định rằng Mỹ cần phải tôn trọng thỏa thuận hạt nhân đã ký kết vào năm 2015 và ngừng ngay kiểu hành động “khủng bố kinh tế” nhằm vào người dân Iran nếu như muốn gặp gỡ để đàm phán.
Iran - hiện đang rút rần các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân nhằm trả đũa các đòn trừng phạt của Mỹ - còn đe dọa sẽ tiếp tục ngừng thực thi các điều khoản trong thỏa thuận này trong đầu tháng 9 trừ khi họ được gỡ bỏ bớt các lệnh trừng phạt.
“Mỹ đã khuấy động một cuộc chiến kinh tế nhằm vào người dân Iran và sẽ không có cách nào để chúng tôi đàm phán với Mỹ, trừ khi họ ngừng áp đặt một cuộc chiến và hành xử kiểu “khủng bố kinh tế” nhằm vào người dân Iran” - Ngoại trưởng Zarif phát biểu trước báo giới tại Kuala Lumpur, Malaysia sau khi tham dự một diễn đàn an ninh của cộng đồng các nước Hồi giáo.
“Bởi vậy, nếu họ muốn trở lại bàn đàm phán, có một tấm vé mà họ cần phải mua và tấm vé đó chính là tôn trọng thỏa thuận hạt nhân” - ông Zarif nhấn mạnh.
Hồi đầu tuần này, Tổng thống Trump nói rằng ông sẵn sàng gặp gỡ trực tiếp người đồng cấp Irna Hassan Rouhani nếu tình hình cho phép nhằm chấm dứt tình trạng xung đột liên quan tới thỏa thuận hạt nhân và bàn về cách thức cải thiện nền kinh tế của Iran. Phản ứng trước đề xuất trên, Tổng thống Rouhani nói rằng Iran sẽ không đàm phán với Mỹ cho đến khi tất cả lệnh trừng phạt nhằm vào họ được gỡ bỏ.