Lo chống bão
Chiều 29/8, mặc dù cách đất liền nước ta hơn 300 km nhưng hoàn lưu bão số 4 đã gây mưa to đến rất to cho nhiều địa phương. Mưa lớn khiến nước trên hệ thống sông tại Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ lên nhanh. Tại nhiều cánh đồng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị... người dân dồn sức gặt lúa để chạy bão.
Nông dân Hà Tĩnh tất bật gặt lúa chạy bão số 4.
“Xanh nhà hơn già đồng”
Trước khi bão số 4 (Podul) đổ bộ, hàng nghìn nông dân ở vùng “chảo lửa”, “túi mưa” Hà Tĩnh đổ xô ra đồng thu hoạch lúa Hè Thu với phương châm ” “xanh nhà hơn già đồng”.
Tại cánh đồng thôn Kiều Mộc (xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc), nhờ gặt vội chạy bão nên 37ha lúa của người dân trong thôn đã thu hoạch được khoảng 27ha, hiện chỉ còn khoảng 10ha chưa gặt kịp. “Số diện tích còn lại cũng đã chín trên 80%, chúng tôi đang khuyến cáo người dân đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến 30/8 hoàn tất thu hoạch trước khi bão vào” – Trưởng thôn Kiều Mộc Nguyễn Đình Lam cho biết.
Tại các cánh đồng lớn huyện Cẩm Xuyên, những ngày gần đây, hàng trăm chiếc máy gặt đập liên hợp cỡ lớn hoạt động hết công suất. Với diện tích lúa hè thu thứ hai của tỉnh (gần 9.000 ha), những chiếc máy này phải tăng ca làm liên tục cả ngày, đêm để giúp dân chạy bão, đưa lúa từ đồng về nhà. Đến nay, huyện Cẩm Xuyên đã thu hoạch trên 65% diện tích.
Thời điểm này khắp các cánh đồng của Hà Tĩnh, không khí thu hoạch khẩn trương hơn bao giờ hết. Không còn có thời gian để chờ lúa chín hết, tất cả máy móc, nhân lực đều được huy động xuống đồng thu hoạch lúa chạy bão.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, chỉ trong 2 ngày (27 và 28/8), diện tích thu hoạch lúa Hè Thu của Hà Tĩnh đã tăng lên gần 10.000 ha.
“Hiện toàn tỉnh đã thu hoạch được 23.690 ha lúa, đạt 55% tổng diện tích. Trước dự báo bão số 4 có thể ảnh hưởng trực tiếp vào Hà Tĩnh, chúng tôi đã hướng dẫn các địa phương tuyên truyền bà con đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, hoàn thành gọn các diện tích lúa đã chín. Đồng thời, có phương án huy động máy móc, phương tiện giúp đỡ nông dân trong khâu thu hoạch cũng như bảo quản sau thu hoạch, đảm bảo một vụ Hè thu “ăn chắc” như đã đề ra từ đầu vụ” - ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh nói.
Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh Bùi Tuấn Sơn thông tin, mặc dù chưa có lệnh cấm biển nhưng để chủ động đối phó với bão số 4, đơn vị đã thông tin đến tất cả các tàu, thuyền kịp thời cập bến, neo đậu vào nơi an toàn, giằng néo cẩn thận phương tiện.
Theo báo cáo của Tiểu ban An toàn nghề cá, cho đến thời điểm này, các đồn biên phòng, Chi cục Thủy sản đã liên lạc được 3.960 tàu thuyền, với 15.753 lao động đang đánh bắt tại các vùng khơi, vùng lộng và vùng bãi ngang. Những tàu trên đã nhận được liên lạc đang trên đường vào bờ. Số tàu thuyền đang neo đậu tại các âu tránh trú bão đang được các địa phương, đồn biên phòng hướng dẫn giằng néo tàu thuyền chắc chắn, tránh va đập khi xảy ra mưa bão.
Tại Nghệ An, chiều 29/8, toàn tỉnh Nghệ An có 3.947 tàu thuyền, 18.700 lao động nghề cá, trong đó 3.819 tàu thuyền đang neo bến, 36 phương tiện đang đánh bắt ven bờ đã nhận được thông tin. Ngoài ra, để đối phó với bão số 4, người dân ở Nghệ An cũng đang khẩn trương thu hoạch lúa hè thu để chạy bão. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã thu hoạch được 70%, số diện tích còn lại đang được bà con gấp rút thu hoạch trước khi cơn bão đổ bộ.
Để chủ động ứng phó với bão số 4, toàn tỉnh đã chấp hành nghiêm túc Công điện số 12 của Trung ương, 2 Công điện của tỉnh Nghệ An về phòng, chống bão số 4. Hiện người dân vùng ven biển như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò khẩn trương chằng chống nhà cửa, ki ốt quán dịch vụ để hạn chế thiệt hại. 1.170 khách ở Cửa Lò và Bãi Lữ (Nghi Lộc) đã nắm bắt thông tin bão số 4 để phòng tránh.
Ông Đinh Viết Hồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, từ 6 giờ sáng 29/8 tỉnh Nghệ An đã ban hành lệnh cấm biển không cho tàu thuyền ra khơi để đảm bảo an toàn, đồng thời kêu gọi các tàu thuyền đang khai thác ven biển phải về khu vực neo đậu trước 15 giờ chiều cùng ngày.
Chính quyền và người dân Thanh Hóa đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 4.
Nguy cơ sạt lở
Tỉnh Quảng Trị có gần 5.000ha vụ Hè Thu chưa thu hoạch. Trước tình hình bão kéo theo mưa lớn, có thể xảy ra lũ lụt, tỉnh này đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa. Để hạn chế thiệt hại, người dân đang triển khai thu hoạch lúa, kể cả vào ban đêm. Các hồ nuôi thuỷ sản cũng được gia cố hoặc thu hoạch sớm để tránh thiệt hại nếu bão đổ bộ gây mưa lớn.
Theo ông Lê Quang Lam - Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Quảng Trị, sau chuỗi thời gian nắng hạn, đất đai nứt nẻ, nay bão số 4 gây mưa lớn rất dễ dẫn đến nguy cơ sạt lở đất ở vùng đồi núi. Vì vậy, các địa phương phải hết sức cảnh giác. Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị, chiều 29/8 và ngày 30/8, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị sẽ tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống bão số 4 ở các tuyến biển, vùng miền núi có nguy cơ bị sạt lở.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng người dân
Chiều ngày 29/8, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu xuất hiện mưa ở nhiều nơi. Tại huyện miền núi Mường Lát - địa phương vừa bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của bão số 3, công tác ứng phó đã được gấp rút triển khai. Ngay từ chiều ngày 29/8, các tổ công tác cấp huyện và các xã bắt đầu ra quân túc trực 24/24 ở những thôn, bản, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống lũ quét. Đối với cấp huyện, huyện đã thành lập 8 tổ công tác gồm các lực lượng biên phòng, quân sự, công an xuống các xã để túc trực, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 4. Các xã đã thành lập hơn 10 tổ công tác để ứng trực 24/24 giờ ở hơn 10 thôn, bản có nguy cơ sạt lở cao. Ngoài ra, UBND huyện Mường Lát đã chỉ đạo các phương tiện, máy móc tập trung ở các đầu đường quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua địa bàn huyện, chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu sẵn sàng khắc phục các sự cố sạt lở đường.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết chiều ngày 29/8, ông Cao Văn Cường- Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: Huyện đã họp ban chỉ đạo cấp huyện và thống nhất huy động 100% quân số các đơn vị như biên phòng, công an, quân sự, cán bộ huyện và xã để túc trực ứng phó với bão số 4. Không nghỉ lễ dịp 2/9 để tập trung phòng chống bão.
Ông Cường nhận định: “Có thể ngày 2/9 bão đã tan, nhưng sau bão thường có mưa lớn kéo dài, gây sạt lở. Do đó, chúng tôi quyết định nếu khu vực nào có lượng mưa từ 100 mm trở lên, sẽ bố trí sơ tán dân tới khu vực an toàn”.
Huyện miền núi Quan Sơn cũng khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa bão số 4. Qua điện thoại, ông Vũ Văn Đạt- Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Hiện nay, huyện đã ban hành công điện khẩn đến các đơn vị, địa phương để chuẩn bị đối phó với bão số 4, đồng thời cảnh báo các địa phương phải đặc biệt quan tâm đến 6 tuyến giao thông đi qua sông Luồng và sông Lò để bảo đảm tính mạng cho người dân. Đối với các xã có tuyến giao thông có nguy cơ chia cắt, chủ động bố trí lực lượng để cảnh báo khi nước dâng bị chia cắt tuyến và hướng dẫn giao thông qua các tuyến đường có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện qua lại... Nghiêm cấm người qua lại khi thiếu an toàn.
Trong khi đó, tại các huyện ven biển như: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và TP Sầm Sơn, từ sáng sớm ngày 29/8, chính quyền địa phương đã thực hiện lệnh cấm biển.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa: Tính đến chiều ngày 29/8, toàn tỉnh đã có 3.449 phương tiện với 9.123 ngư dân đã vào nơi tránh trú an toàn. Hiện còn 3.839 tàu thuyền, bè mảng với 16.431 ngư dân đang hoạt động trên biển. Trong đó, có 3 tàu cá của ngư dân xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc vẫn chưa liên lạc được.