Trang bị cảnh báo nguy hiểm trên các tuyến đường sắt
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Phó Tổng giám đốc phụ trách Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, từ tháng 3/2019, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lắp đặt thử nghiệm hệ thống radar phát hiện chướng ngại vật trên đường ngang dân sinh qua đường sắt tại km 167 + 980 tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua đường ngang dân sinh ở xã Hoằng Lý, TP Thanh Hóa.
Qua theo dõi đánh giá của các chuyên gia dự án cho thấy, dự án đã đảm bảo các yêu cầu đề ra đó là đã cảnh báo được nguy cơ mất an toàn tại các đường ngang do lỗi chủ quan của nhân viên gác chắn như quên, chậm đóng chắn, thao tác không đúng quy trình, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu tàu va phải phương tiện đường bộ tải trọng lớn.
Đặc biệt, tại các vị trí đường ngang, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông là rất lớn mà nguyên nhân chủ yếu là do người tham gia giao thông đường bộ ý thức chấp hành pháp luật còn kém, thiếu chú ý quan sát... khi thử nghiệm radar phát hiện chướng vật những yếu tố trên đã được loại trừ.
Cơ chế hoạt động của hệ thống radar là phát hiện khi tàu đến qua bộ cảm biến tiếp cận, đèn và chuông trên cột tín hiệu đường bộ tự động cảnh báo. Trong vòng 20 giây, khi chuông trong đài thao tác kêu, đèn hướng lẻ sáng để nhắc nhở tàu lẻ đến gần đường ngang, nếu nhân viên không ấn nút “ghi nhận”, thì hệ thống sẽ hoạt động ở chế độ tự động.
Tiếp đó, hệ thống kiểm tra chướng ngại vật sẽ tự động bắt đầu giám sát xem trong khu vực đường ngang có chướng ngại vật hay không. Nếu kiểm tra được có chướng ngại vật trong khu vực đường ngang, hệ thống sẽ cảnh báo còi và đèn trên đài thao tác để nhắc nhở nhân viên gác chắn kịp thời xác nhận và chuẩn bị khẩn cấp. Đồng thời, cần chắn nâng lên, rồi hạ xuống cho chướng ngại vật ra khỏi phạm vi đường ngang…
Ông Đặng Sỹ Mạnh cho biết thêm, tại đường ngang có nhân viên gác chắn sẽ lắp 4 chắn, mỗi bên về 2 phía đường bộ có 2 cần sẽ hạ xuống, khép kín khi sắp có tàu qua. Tại các góc đường ngang sẽ lắp các radar gồm: radar phát hiện chướng ngại tĩnh và radar phát hiện chướng ngại động. Qua radar phát hiện có chướng ngại tại đường ngang khi cần chắn đã đóng hoàn toàn, hệ thống sẽ cảnh báo còi và đèn trên đài thao tác để nhắc nhở nhân viên gác chắn kịp thời xác nhận xử lý và chuẩn bị khẩn cấp, đồng thời 2 cần chắn hai phía đường ngang nâng lên rồi hạ xuống cho chướng ngại vật ra khỏi phạm vi đường ngang.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hệ thống đường sắt cả nước hiện có 1.517 đường ngang; trong đó, có 388 đường ngang có biển báo, 649 đường ngang có người gác và 480 đường ngang cảnh báo tự động. Việc không đồng bộ thiết bị cảnh báo giữa các đường ngang trước vận tốc tàu chạy tối đa 80 km/giờ sẽ khiến hệ thống cảnh báo đường sắt không thể phát hiện được sớm chướng ngại vật để báo động kịp thời, dẫn đến sự lơ là của nhân viên gác chắn… Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn đường sắt.
Đánh giá về tình hình bảo đảm an toàn giao thông đường sắt thời gian qua, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, trong tháng 7 vừa qua, tỷ lệ tai nạn giao thông đường sắt có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, nếu tính cả 7 tháng thì tỷ lệ tai nạn giao thông đường sắt lại giảm.