Cơ chế bảo vệ người lao động ở doanh nghiệp phá sản: Còn nhiều khoảng trống
Doanh nghiệp bỗng nhiên “mất tích” không còn là câu chuyện mới mà là thực tế diễn ra khá phổ biến hiện nay ở nhiều địa phương trong cả nước. Hệ lụy của nó không chỉ là làm ảnh hưởng quyền lợi của hàng chục nghìn người lao động (NLĐ) mà còn tạo ra những hệ lụy xấu về trật tự an ninh xã hội.
Cần có những cơ chế bảo vệ người lao động khi doanh nghiệp bỏ trốn.
Tuy nhiên hiện nay, quy định về “Chủ doanh nghiệp bỏ trốn” trong pháp luật hiện hành nói chung và Luật Doanh nghiệp nói riêng gần như đang bị “bỏ ngỏ”; chưa có các chế định cụ thể đối với hiện tượng này.
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, mặc dù đã có 62 tỉnh, thành phố ký quy chế phối hợp quản lý doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập, nhưng chủ yếu mang tính hình thức, chưa thực chất, công tác phối hợp chưa tốt nên hiệu quả chưa cao; ý thức tuân thủ của doanh nghiệp tại Việt Nam còn kém. Tỷ lệ doanh nghiệp (DN) bỏ trốn, mất tích chiếm 50% trong DN ngừng hoạt động tại Việt Nam. Đáng chú ý vướng mắc hiện nay chính là các quy định pháp luật chưa rõ ràng trong chế tài xử lý đối với DN giải thể, có chủ bỏ trốn... Đơn cử, dù Bộ luật Lao động 2012 quy định trường hợp DN bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT… của NLĐ được ưu tiên thanh toán. Song trên thực tế, nhiều trường hợp, phần tài sản cố định của DN khi giải thể hầu như không còn gì đáng giá, còn diện tích đất lại là tài sản đi thuê của Nhà nước hoặc của tổ chức, cá nhân khác.
Ở góc độ khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, quy định pháp luật về phá sản DN quá phức tạp, kéo dài, trong khi Luật Phá sản chưa có quy định về thủ tục giải quyết án phá sản trong trường hợp vắng mặt người đại diện hợp pháp của DN.
Đối với DN có chủ bỏ trốn thì Luật DN chưa có quy định về DN có chủ bỏ trốn; chưa có quy định về quy trình giải quyết các vấn đề liên quan đến tình trạng DN có chủ bỏ trốn. Chế tài xử lý đối với các chủ DN không chịu chấp hành các quy định về giải thể, phá sản chưa đủ tính răn đe. Tiếp đến, về xử lý tài sản của DN phá sản, có chủ bỏ trốn, Luật Đầu tư không quy định xử lý tài sản của DN ngừng hoạt động do vắng chủ. Trong khi đó, Luật Phá sản 2014 quy định, đối với các khoản nợ có bảo đảm được xác lập trước khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó, còn tiền lương, tiền BHXH mà DN còn nợ của NLĐ phải chi trả sau, bằng các tài sản còn lại của DN.
Để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, nhiều chuyên gia cho rằng, việc quan trọng hiện nay là cần nhanh chóng bổ sung các quy định pháp lý, các chế tài để ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm phạp luật để giải quyết tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động, nhất là khi tiến hành tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Bên cạnh đó, BHXH và các cơ quan hữu quan tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra về BHXH, tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ BHXH; Giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH của cơ quan BHXH, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm
Còn theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, các giải pháp bảo vệ chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài chúng ta cần có giải pháp lựa chọn thu hút các nhà đầu tư; nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên địa bàn để sớm phát hiện các trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn.