Ai là người đánh giá hiệu quả dự án PPP?
Ngày 29/8, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho ý kiến thẩm tra về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo đánh giá của các đại biểu, luật vẫn có 14 điều đang giao Chính phủ hướng dẫn, do đó tính chất “luật khung” vẫn còn cao.
Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, về cơ bản dự án PPP là dự án công được đầu tư nhằm thu hút được nguồn lực tài chính lớn hơn từ phía khu vực tư nhân. Nhà nước cũng cần có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án thông qua các công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh. Việc thiếu hụt chính sách đối với các cơ chế này là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số dự án giao thông không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia hoặc có sự tham gia nhưng phải tạm dừng. Theo ông Trung, một số trường hợp không có quy định tại luật, không xử lý được các tình huống cần thiết phát sinh trong thực tiễn. Do đó, luật PPP cần đưa ra các cơ chế mang tính nguyên tắc. Cơ chế này không áp dụng tràn lan cho tất cả dự án mà xem xét theo từng trường hợp cụ thể trên cơ sở khả năng cân đối nguồn lực trong từng thời kỳ.
Trên tinh thần đó ông Trung cho biết, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 cơ chế. Một là cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ. Theo đó, Chính phủ quyết định bằng nghị quyết việc cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ cho từng dự án. Còn dự án trọng điểm thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng. Thứ hai là cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Một trong những biện pháp cơ bản nhằm chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa các bên trong hợp đồng PPP là điều chỉnh thời hạn hợp đồng hoặc mức giá, phí. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các dự án PPP giai đoạn trước cho thấy việc đầu tư PPP tại nước ta vẫn còn nhiều rủi ro xuất phát từ các quyết định hành chính của nhà nước làm ảnh hưởng doanh thu dự án. Do đó, dự thảo luật thiết kế “cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu”. Theo đó, biện pháp chia sẻ rủi ro này sẽ bao gồm điều chỉnh mức giá, phí hoặc gia hạn hợp đồng.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, có 6 nhóm vấn đề chính sách lớn cần phải trao đổi. Theo đó, hiệu quả của dự án PPP được đánh giá như thế nào? Tiêu chí kinh tế-xã hội hay hiệu quả của nhà đầu tư? Mối quan hệ giữa lợi ích của Nhà nước và người dân khi sử dụng dự án? Ai là người đánh giá hiệu quả dự án? Hội đồng thẩm định hoạt động theo cơ chế nào, thành phần nào?
“Bên cạnh đó để đảm bảo tính công khai, minh bạch của 1 dự án PPP điều kiện nào thì đấu thầu, chỉ định thầu? Khi nào lựa chọn các hình thức: BOT, BT, BOO, BTO? Đồng thời cần làm rõ góp vốn của Nhà nước. Ví dụ 8 gói PPP của cao tốc Bắc-Nam có gói Nhà nước đóng góp đến hơn 50% tổng vốn đầu tư vậy chúng ta thực hiện kiểm soát nguồn vốn như thế nào?”-ông Kiên đặt vấn đề.
Cho rằng đây là một đạo luật rất quan trọng khi nhu cầu hạ tầng ngày càng lớn trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước ngày càng ít đi, cũng như tránh nguy cơ bẫy nợ khi cứ phải đi vay, tuy nhiên theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI, luật có 102 điều nhưng có 14 điều đang giao Chính phủ hướng dẫn, do đó tính chất “luật khung” vẫn còn cao. Ông Tuấn cũng cho rằng, Điều 30 của dự thảo luật đưa ra các hình thức chỉ định thầu, tuy nhiên vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 69 năm 2019 về sử dụng tài sản công thanh toán cho các dự án BT trong đó quy định phải đấu thầu rộng rãi. Như vậy là mâu thuẫn nhau.