Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân
Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân là nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo động lực to lớn cho công cuộc đổi mới đồng thời là giải pháp quan trọng, cấp bách trong xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị giai đoạn hiện nay.
Trao đổi với báo Đại Đoàn Kết, GS. Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Muốn trọng dân trước hết phải phát huy dân chủ, chăm lo đời sống cho nhân dân.
GS. Mạch Quang Thắng.
PV: Thưa ông, trọng dân trước hết nằm ở việc xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân và phát huy dân chủ của nhân dân, ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện này của Đảng trong suốt 50 năm qua?
GS. Mạch Quang Thắng: Trọng dân chính là việc xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân. Muốn thật sự tôn trọng nhân dân thì phải hiểu dân cùng với thái độ đánh giá cao vai trò của nhân dân. Ý thức tôn trọng nhân dân còn phải đặc biệt chú ý không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Bác đã nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm sao cho dân dám nói, dám làm, dân làm chủ và dân là chủ.
Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, đường lối để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi phương tiện từ: chính trị, kinh tế, văn hóa. Tôi cho rằng các chính sách đã đủ nhưng tại một số nơi việc thực hiện vẫn còn hạn chế, nhất là trong giải quyết vấn đề dân chủ ở cơ sở, dẫn đến khiếu nại kéo dài làm ảnh hưởng đến không khí đoàn kết trong dân ở từng khu vực, địa phương.
Muốn phát huy dân chủ thì tinh thần đại đoàn kết được xem là yếu tố cốt lõi. Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân đã được Bác đặt ra, vậy theo ông làm sao để phát huy được tinh thần, tư tưởng đó trong điều kiện hiện nay?
- Vấn đề này cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Trước hết là Đảng, Đảng đã có nhiều thành công trong vận động nhân dân nhưng cũng còn không ít hạn chế. Bây giờ phải chăm lo để sửa chữa những khuyết điểm, phát huy những ưu điểm để xây dựng khối đại đoàn kết ngày càng vững mạnh. Tại một số địa phương, còn để xảy ra khiếu kiện, mất đoàn kết. Về mối quan hệ: Nhà nước-doanh nghiệp-quyền lợi của nhân dân một số địa phương giải quyết chưa tốt lắm, khiến nhân dân còn bức xúc, khiếu kiện.
Hiện Bộ Nội vụ đang tham mưu xây dựng dự án Luật Dân chủ ở cơ sở thay thế cho Pháp lệnh Dân chủ ở cơ sở. Luật Dân chủ ở cơ sở sẽ đề ra nhiều vấn đề để giải quyết dân chủ ở cơ sở và sẽ tăng cường được vấn đề đại đoàn kết. Qua theo dõi tôi thấy dự thảo luật hướng đến các điều luật cụ thể từ: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cũng như vai trò của người dân đóng góp vào các mối quan hệ xã hội.
Phát huy dân chủ đó là đề cao vai trò giám sát của người dân trong tham gia vào quá trình xây dựng Đảng, Nhà nước. Vậy theo ông cần làm gì để phát huy hơn nữa được vấn đề này?
- Vai trò giám sát hiện nay vẫn chưa mạnh. Đảng phải thật trong sạch, đội ngũ cán bộ đảng viên thực sự vì dân thì mới phát huy được tinh thần trọng dân. Vừa qua, Trung ương xử lý nhiều đảng viên vi phạm đã lấy lại niềm tin trong dân và cần tiếp tục đẩy mạnh vấn đề này hơn nữa. Vì cán bộ là “then chốt” của then chốt, cán bộ hư hỏng làm sao vận động được sức mạnh đại đoàn kết? Cán bộ đảng viên nếu chỉ nghĩ đến quyền lợi vật chất, tham nhũng sẽ mất niềm tin của dân.
Giải pháp của mọi giải pháp là bản thân Đảng cầm quyền phải trong sạch, vững mạnh. Người đứng đầu, nhất là cán bộ chủ chốt phải là những tấm gương sáng. Lãnh đạo trong sạch, vững mạnh mới phát huy được quyền làm chủ của nhân dân.
Trong Di chúc, vấn đề đầu tiên Bác đề cập là trước hết nói về Đảng. Làm cho Đảng mạnh lên tự khắc dân chủ của dân sẽ lên.
Nói như vậy thời gian tới chúng ta cần phải lắng nghe sự góp ý của dân một cách cầu thị thì mới có thể phát huy dân chủ trong dân, nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh, thưa ông?
- Năm nay cũng là năm kỷ niệm 70 năm tác phẩm “Dân vận” của Bác. Trong tác phẩm này, Bác viết tuy nội dung ngắn nhưng ý tưởng vô cùng lớn, đề cập đến vấn đề làm chủ của nhân dân và Bác đề cập rất cơ bản và sâu sắc đến vấn đề này, điều quan trọng chính là chúng ta tổ chức thực hiện cho tốt. Có 4 tệ là: nói mà không làm; nói thì nhiều, làm thì ít; nói thì hay, làm thì dở; nói một đằng làm một nẻo. Cho nên xa nhất không phải từ Lũng Cú đến mũi Cà Mau mà xa nhất chính là từ “miệng cho đến tay”, nghĩa là “từ lời nói đến hành động”. Đảng đang làm mọi việc để chống tham nhũng, cũng chính là để củng cố niềm tin trong nhân dân, để dân ngày càng tin vào Đảng.
Trân trọng cảm ơn ông!