Giếng làng tôi

Di Linh 30/08/2019 16:23

Giếng làng ta vừa trong vừa mát/Đường làng ta gạch lát dễ đi/Em về bên ấy làm chi/Nước giếng thì đục, đường đi thì lầy...

Giếng làng tôi

Bà tôi bảo, đấy là nỗi lòng u uất của chàng trai khi mối tình duyên không thành, cô gái phải đi lấy chồng làng khác, làm người xứ khác… Nhưng tôi còn thấy, đằng sau nỗi buồn lê thê ấy còn là cả một tấm lòng yêu quê hương, một niềm gắn bó diết da với xứ sở của tất cả những ai đã viết, đã đọc bài ca này. Không biết tôi đã thuộc nó tự bao giờ, chỉ biết rằng mỗi lần đi qua gốc gạo già ở cuối xóm Chùa, nhìn cái giếng nằm thỏn lỏn giữa khung cảnh yên ắng đến tĩnh mịch, mà bầu trời phía trên lại cao rộng quá thể, bài ca ấy lại thức dậy, ngân nga, ngân nga mãi…

Thuở bé thơ, những buổi chiều lũn cũn theo mẹ đi gánh nước, những đêm hè nằm ngửa bụng trên chiếc phản kê giữa sân, tôi mơ màng nghe bà kể chuyện cổ tích. Và tôi tìm thấy trong những câu chuyện ấy hình ảnh của cái giếng làng tôi: giếng Trọng Thuỷ, giếng cá bống của cô Tấm… Tôi không biết đấy là những cái giếng người xưa dựng lên để răn đời, răn người, mà chỉ hình dung ra chắc cũng giống cái giếng làng tôi - nhắm mắt lại tôi cũng có thể vẽ vào trong trí mình một cái khuôn tròn to bằng cái nong, nằm giữa một cái sân lát gạch bổ cau, thứ gạch có khía để chống rêu trơn trượt ngã, ngự dưới gốc một cây gạo già xù xì như một người già ít nói, lúc nào cũng trầm tư như hoài niệm về quá khứ xa xôi…

Cái giếng bao nhiêu tuổi thì tôi không rõ, nhưng chắc chắn phải già hơn cây gạo rồi. Mà cây gạo thì đã già lắm! Gốc nó uỳnh ra những bướu, những ụ… Nó đứng bên cạnh giếng, trở thành người bạn thuỷ chung của cái giếng làng tôi.

Giếng được xây bằng những khối đá vuông vức, thời gian đã phủ lên thành giếng một chiếc áo rêu xanh lét và làm những khối đá ngả màu. Những vết dây gàu cọ vào thành giếng tạo thành những vệt dài sâu lút ngón tay.

Giếng sôi động vào những buổi chiều hè khi bà con trong xóm kĩu kịt quẩy đôi thùng ra kín nước. Lũ trẻ con lít nhít tụi tôi được mẹ cho ngồi tồng ngồng trong những chiếc thau đồng, té nước nhau, ngậm nước vào miệng phun phì phì làm mưa. Tiếng cười, tiếng nói xôn xao cả góc quê yên lặng. Những buổi ấy, cái giếng làng như trẻ lại. Mặt giếng sóng sánh. Tiếng những chiếc gầu múc thi nhau nhảy ùm ùm xuống mặt nước, bị thành giếng làm cho vọng hơn. Bóng người lố nhố dưới đáy giếng, sóng sánh theo những con sóng, lúc dài, lúc ngắn, thoắt ẩn, thoắt hiện như chơi trò trốn tìm.

Giếng là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho dân làng. Mà nước giếng làng tôi thì quả mát thật, trong văn vắt. Từ trên nhìn xuống, nước xanh màu xanh canh hến; chao cái gàu xuống, kéo lên giữa chừng vẫn là một màu đùng đục, vậy mà khi đổ những gàu nước đó ra thau, nước trong kỳ lạ. Ông tôi bảo, để có được thứ nước trong văn vắt ấy, giếng phải được đào rõ sâu: "Giếng sâu chín trượng, nước thời trong xanh”… Vả lại, cái mạch nước ngầm vẫn ngày đêm rạo rực trong lòng đất quê tôi phải thiêng liêng lắm! Đi xa về, dừng chân bên giếng, thả gầu nước chao lên, khum tay vốc một vốc nước vã vào mặt, cái mệt mỏi như truội đi. Nếu có khát, thì uống tạm một ngụm, nước vào đến đâu tưởng như từng khúc ruột nở ra đến đó. Tắm nước giếng làng, con gái tóc dài mượt mà, mắt lóng lánh hạt huyền, cổ tay nõn nà và làn da mịn màng trắng ngần. Không biết cứ tắm nước giếng làng thì các cô gái mới đẹp, mới xinh như thế, hay là đôi mắt si tình của các chàng trai vì quá say mê mà lý tưởng hoá nó lên, để khi cô gái đi lấy chồng làng khác, làm người xứ khác lại nuối tiếc mà cất lên lời ca níu kéo: “Em về bên ấy làm chi”…

Những đêm hè trăng thanh gió mát, giếng trở thành nơi hò hẹn của các chàng trai, cô gái. Họ gặp nhau từ những buổi chiều gánh nước, khi mắt chàng bắt gặp mắt nàng lung liêng lúng liếng dưới đáy giếng, khi tay chàng chợt gặp bàn tay mềm mại của nàng trong gàu nước múc chung, để đêm về, trong giấc mơ họ lại nhớ về cái giếng, nhớ những giọt nước giếng trong vắt.

Mùa đông, giếng ít nhộn nhịp hơn và cũng ít nước hơn, khác hẳn với mùa mưa nước dềnh lên tận thành, chỉ cần nhúng gàu là múc được ngay mà không cần dây buộc. Mặt nước như có một làn hơi mờ ảo bốc lên từ trong lòng giếng, nhúng bàn tay đang lạnh cóng thấy ấm hẳn lên. Nước giếng có thể thay đổi theo mùa: mùa đông nước ấm, mùa hè mát lạnh, nhưng cái màu trong vắt thì chẳng bao giờ thay đổi. Có phải thế chăng mà người dân quê tôi dù đi đâu xa, nỗi nhớ đầu tiên cũng là nỗi nhớ về cái giếng đã nuôi dưỡng bao thế hệ, cho họ một tấm lòng thuỷ chung chất phác đến hồn hậu…

Đêm đêm, giếng nằm lặng lẽ ngắm bầu trời sao chi chít. Tiếng côn trùng râm ran. Mặt giếng phẳng lặng như tờ và có lẽ sẽ phẳng lặng mãi thế nếu chị gió không vô tình bứt một bông gạo đỏ ối thả xuống giếng. Nhà tôi ở cạnh giếng. Nhiều đêm chợt thức giấc, tôi nhón chân nhẹ nhàng ra ngoài. Không gian vắng lặng và trong lành kỳ lạ. Giếng vẫn nằm thao thức, mở tròn xoe ngước nhìn bầu trời không chớp. Một ông sao vô tình trượt chân ngã xuống, chìm nghỉm dưới đáy không tài nào lên được, phải đợi đến buổi sớm mai, khi chú gà trống đầu tiên trong xóm tỉnh dậy đánh thức mặt trời mới được giải thoát. Tôi để chân trần bước ra nền sân giếng mát lạnh. Một vài bông gạo rơi xuống lộp bộp. Vài giọt sương đầu cành nghe nặng mình gieo xuống mặt giếng thánh thót như tiếng châu rơi và vẽ những vòng tròn đồng tâm lan mãi, lan mãi…

Tuổi thơ bỏ tôi đi theo những buổi trưa hè chang chang đầu trần đi bắt chuồn chuồn, những đêm hè cùng bọn trẻ con trong xóm tụ tập nơi sân giếng chơi trò trốn tìm… Rời xóm Chùa, tôi lên tỉnh học. Những ngày tháng xa nhà cũng là xa cái giếng thân yêu. Tôi không còn được vùng vẫy trong dòng nước mát lạnh của giếng nữa, không còn được thi thả gàu xuống giếng cùng bọn bạn, xem đứa nào thả và múc nhanh hơn. Ở trên tỉnh, người ta dùng nước máy và khái niệm "cái giếng" dường như quá xa lạ với lũ trẻ con thành thị. Đối với tôi, giếng đâu phải chỉ là những vòng tròn khum khum giới hạn một khoảng đất khoét sâu để cho nguồn nước dồn về, mà còn là biểu tượng của làng tôi, là niềm tự hào của người dân quê tôi, là người bạn gắn bó thuỷ chung với bao thế hệ.

Bẵng đi mấy năm, tôi trở về. Làng quê thay đổi đến không ngờ. Bước chân vào xóm Chùa, tôi không còn bắt gặp cây gạo già vẫn tư lự như một người ít nói, chỉ thấy gốc gạo đã mục nát và nham nhở. Một cơn bão to đã quật đổ nó. Giếng mất đi người bạn thuỷ chung để tâm sự, trở nên lạnh lẽo và cô đơn. Sân giếng hoang vắng, rêu mọc đầy. Mặt giếng vẩn lên những rác rưởi, lá khô, những chiếc túi ni-lông… Vài chú nhái bén đã tìm đến định cư tự bao giờ, hai mắt mở thao láo nhìn tôi như nhìn một vị khách lạ. Cuộc sống đã sung túc hơn, nhà nào cũng xây giếng gạch, nhà khá giả còn dùng nước giếng khoan. Đôi thùng lâu ngày không dùng đến nằm mãi trên gác, nhường chỗ cho chiếc máy bơm xèn xẹt hút nước lên. Chao ôi, cái giếng làng đâu còn ai nhớ nữa!

Tôi leo lên gác, lôi xuống chiếc gàu cũ kỹ. Sợi dây buộc gàu đã khô đét lại vì lâu ngày không đụng tới nước. Mẹ nhìn tôi ngạc nhiên: "Con lấy gàu xuống làm gì?". Tôi không trả lời mẹ mà lặng lẽ bước ra phía sân giếng. Tôi thả gàu xuống. Tiếng gàu gieo xuống nước như tiếng trẻ con nhảy ùm ùm. Đã lâu rồi cái gàu không được tắm mát, còn cái giếng cũng chẳng được gàu hỏi thăm. Đôi bạn xưa sau bao ngày gặp lại vui biết mấy! Cái giếng làng cười choé lên làm nước bắn tung toé lên tận thành. Mấy con nhái hoảng hốt lặn tít xuống đáy giếng. Tôi vớt hết mọi rác rưởi. Mặt giếng quang đãng trở lại. Dòng nước vẫn trong vắt như ngày nào. Nhưng chiếc gàu của tôi dường như nhỏ bé quá. Những âm thanh cô đơn lạc lõng rồi chìm khuất trong lòng giếng rộng mênh mang.

Tôi xót xa khi nghĩ tới ngày mai, khi cái giếng đã trở thành thiên cổ, chỉ còn là những nét phác thảo mờ nhạt, mơ hồ trong tâm trí của những người già khi nằm bên con trẻ mà rì rầm nhắc lại bài ca thuở trước:

"Giếng làng ta vừa trong vừa mát,
Đường làng ta gạch lát dễ đi”…

Nhưng đối với tôi, cái giếng làng bao giờ cũng mãi nguyên sơ như thuở ban đầu, tròn vành vạnh, trong văn vắt và chẳng bao giờ đổi dòng, bên cạnh cây gạo già sù sì ít nói, đêm đêm lặng lẽ thả vài bông gạo đỏ ối trò chuyện với nhau...

Di Linh