Xin mãi được làm người đưa đò...
Tuy tuổi đã cao, nhưng NSND Thanh Tuấn vẫn thường xuyên lưu diễn tại nhiều tỉnh miền Tây, trung bình mỗi tháng từ 15-20 show, “lúc thời tiết mưa gió thất thường như lúc này cũng được khoảng 10 show”. Là giọng ca cải lương được yêu mến suốt nhiều chục năm qua, tâm nguyện của ông là có được một lớp diễn viên mới tiếp bước, để sống lại sân khấu cải lương một thời rực rỡ.
Nghệ sĩ Thanh Tuấn vào vai trong vở “Tình người lữ khách”.
Nghệ sĩ Thanh Tuấn tên thật Nguyễn Thanh Liêm, sinh năm 1948 tại Quảng Ngãi. Từ nhỏ, Thanh Liêm đã thích cổ nhạc, hay nghe các bài bản vọng cổ từ các đài phát thanh nên em thường học theo và ca nghêu ngao, được bạn bè và người trong xóm tán thưởng. Năm 14 tuổi, do cuộc sống khó khăn ở quê, Thanh Liêm tìm vào Sài Gòn, làm nhiều nghề kiếm sống. Năm 1964, Thanh Liêm làm công cho một tiệm thuốc Bắc ở đường Thuận Kiều, gần rạp hát Thủ Đô, tình cờ gặp được nhạc sĩ Út Trong, là trưởng ban cổ nhạc của đoàn hát, bèn xin học ca và được ông đồng ý.
Sau đó anh còn theo học cổ nhạc với nhạc sĩ Út Trong tức thầy Bảy Trạch ở bên kia cầu chữ Y (quận 8), được thầy luyện giọng, dạy kỹ thuật luyến láy khi ca cổ nhạc. Cũng chính thầy Bảy Trạch đã giới thiệu anh về hát cho đoàn Bạch Liên Hoa của ông bầu Hề Ty.
Tại đoàn hát Bạch Liên Hoa, do cái tên “cúng cơm” Thanh Liêm của anh trùng với nam diễn viên chính đang biểu diễn tại đây nên anh buộc phải “né” và lấy nghệ danh Hoài Trúc Linh.
Được một thời gian ngắn, thầy Bảy Trạch đặt lại nghệ danh của Hoài Trúc Linh là Thanh Tuấn (hàm ý Thanh là giọng ca, Tuấn là thanh niên tuấn tú, đẹp trai). Khoảng một tháng sau, diễn viên Thanh Liêm bị bệnh nên Thanh Tuấn được ông bầu Hề Ty giao thủ diễn tạm thời vai kép chính Nguyễn Hoàng Minh trong vở “Tướng cướp Bạch Hải Đường” (soạn giả Nguyễn Huỳnh) của đoàn.
Không ngờ cũng từ vai Nguyễn Hoàng Minh này, Thanh Tuấn được đông đảo khán giả và báo chí kịch trường thời điểm ấy ngợi khen nhiệt liệt (năm 1965). Tuy nhiên do “một rừng không thể có hai cọp”, thêm một thời gian ngắn nữa, Thanh Tuấn rời khỏi Bạch Liên Hoa về đầu quân cho đoàn Thủ đô Hoa Hương Lan và sau đó là đoàn Dạ Kim Đô (cuối năm 1966).
Thanh Tuấn - Phượng Nga trong vở Nỗi lòng Chu Văn An.
Bước đường thành danh
Kể từ đó, giọng ca Thanh Tuấn ngày càng nổi danh khắp các điểm diễn từ Sài Gòn ngược ra miền Trung như Phan Thiết, Nha Trang, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Quãng Ngãi, Huế. Năm 1967, Thanh Tuấn cộng tác cùng đoàn Minh Cảnh, có dịp thưởng thức lối ca dài hơi trong từng câu vọng cổ của nghệ sĩ Minh Cảnh để rồi anh tự luyện cho mình một lối luyến láy độc đáo khi ca vọng cổ. Chừng một năm sau, Thanh Tuấn rời đoàn Minh Cảnh, gia nhập đoàn Hương Mùa Thu, đóng thay vai diễn của kép ca mùi Thanh Hải vừa mới rời đoàn vì lý do riêng. Tại đây, Thanh Tuấn khá thành công khi thủ diễn vai kép nam chính, hát chung với cô đào Ngọc Hương qua các vở “Tiếng nhạc rừng xanh”, “Con cò trắng”, “Gánh cỏ sông Hàn”… Từ thời điểm này, Hãng đĩa Hoành Sơn tập trung khai thác giọng ca Thanh Tuấn cùng cô đào đẹp Ngọc Hương qua khá nhiều bài tân cổ giao duyên của soạn giả Thu An.
Sau ngày đất nước thống nhất 30 tháng 4 năm 1975, Thanh Tuấn tiếp tục nổi danh trên sân khấu đoàn Kim Chung qua các vở tuồng “Đường gươm Nguyên Bá”, “Người tình trên chiến trận”, “Ánh lửa rừng khuya”, “Thúy Kiều”, “Tây Thi”, “Mỵ Châu Trọng Thủy”… Năm 1976, anh lại nổi danh với các vai kép chánh trong các vở “Tìm lại cuộc đời”, “Rạng ngọc Côn Sơn”, “Khách sạn Hào Hoa”, “Pha lê và Cát bụi”, “Kim Trọng - Thúy Kiều”, “Tần Nương Thất”...
Năm 1995, nghệ sĩ Thanh Tuấn là bầu của đoàn hát Cao Văn Lầu (tỉnh Minh Hải). Tại đây nghệ sỹ Thanh Tuấn có được hai vai diễn rất hay trong các vở “Yêu con đâu chỉ một ngày” và “Khi phiên tòa kết thúc”. Cho tới nay, khán giả mộ điệu phong cách diễn xuất của Thanh Tuấn vẫn khó quên được những nhân vật của ông như: Chu Văn An (vở “Nỗi lòng Chu Văn An” do HTV dàn dựng, vai diễn này cũng đã giúp anh đoạt Giải diễn viên xuất sắc Liên hoan phim truyền hình năm 2000), họa sĩ Lam Sinh (vở “Lỡ bước sang ngang”), Châu Tuấn (vở “Khúc ly hương”), thiếu uý Huy Bình (vở “Tìm lại cuộc đời”) và hàng loạt các bài ca tân cổ gắn liền với tên tuổi của Thanh Tuấn như “Chuyến xe Tây Ninh”, “Cô gái tưới đậu”, “Dòng sông quê em”, “Cung đàn mới”…
Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ trong vở “Đường gươm Nguyên Bá”.
Nguyện làm “người đưa đò…”
Tính ra, với hơn 50 năm theo nghề, nghệ sĩ Thanh Tuấn đã ca hơn 1.000 bài vọng cổ và thủ diễn gần 300 nhân vật khác nhau. Song ông luôn khẳng định mình không hề có bí quyết nào, chỉ có thể khuyên đám đàn em trước khi đến với nghề hãy rèn luyện cho thật giỏi “nhịp đờn”, sau đó mới tính đến sự luyến láy để bài vọng cổ càng thắm đượm nét trữ tình. Năm nay dù ở độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng Thanh Tuấn vẫn thường xuyên đi hát, lưu diễn khắp nơi và ông cho rằng đó là niềm an ủi vô biên của tuổi già.
Ông kể: Hiện thời tôi thường xuyên lưu diễn tại các tỉnh miền Tây theo lời mời hát sự kiện, đám cưới của các đơn vị. Mỗi tháng bình quân khoảng 15-20 show, lúc thời tiết mưa gió thất thường như lúc này cũng được khoảng 10 show…
Vừa qua, được tin Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND, tôi vô củng cảm kích và hạnh phúc. Tôi rất mong muốn mang đem niềm hạnh phúc có được trong sự nghiệp này của mình để san sẻ cho học trò, với những em đã tìm đến tôi thọ giáo. Tôi hiểu trường phái ca vọng cổ theo kiểu Thanh Tuấn thời gian qua đã góp phần hình thành nên một lớp diễn viên trẻ cùng mang nghệ danh ghép cùng tên Tuấn như Ngân Tuấn, Chiêu Tuấn, Giang Tuấn, Châu Tuấn, Mạnh Tuấn, Sỹ Tuấn, Thanh Thanh Tuấn... Đó quả là niềm vinh dự vô bờ bến của riêng tôi. Đã có nhiều em trong số này nhận tôi là cha nuôi và tôi cũng xin nguyện được mãi làm “người đưa đò” cho các em, cho thế hệ trẻ...
* Một số vở diễn tiêu biểu và thành tích của NSND Thanh Tuấn
-Đường gươm Nguyên Bá (vai Ngũ Thạnh), Tây Thi (vai Phạm Lãi), Người tình trên chiến trận (vai A Khắc Chu Sa), Tìm lại cuộc đời (vai đại úy Huy Bình), Khách sạn hào hoa (vai Trung), Ánh lửa rừng khuya, Rạng ngọc Côn Sơn (vai Nguyễn Trãi), Thúy Kiều (vai Kim Trọng), Pha lê và cát bụi, Khúc ly hương (vai anh kép hát Châu Tuấn, đoạt Huy chương Bạc diễn viên xuất sắc tại Liên hoan sân khấu Mùa thu TP HCM), Tần Nương Thất, Nỗi lòng Chu Văn An (vai Chu Văn An, Giải diễn viên xuất sắc Liên hoan cải lương truyền hình năm 2000)
-Năm 2007, được trao tặng danh hiệu NSƯT.
-Năm 2019, được trao tặng danh hiệu NSND.