Đất nước của ca dao thần thoại
Tổ quốc là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tác văn học nghệ thuật. Mỗi khi đất nước bị họa ngoại xâm, tinh thần yêu nước lại nồng nàn trong các sáng tác. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hai bài thơ có chủ đề đất nước rất hay, đều được đưa vào sách giáo khoa: Bài “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi và chương Đất nước trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm.
Bình yên sau lũy tre làng.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức được thành lập. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, quân Pháp quay trở lại chiếm nước ta. Cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra. Cơ quan đầu não kháng chiến rút về căn cứ địa Việt Bắc. Cùng với nhiều văn nghệ sĩ, Nguyễn Đình Thi dời thủ đô Hà Nội đi kháng chiến. Một trí thức Tây học mang trong mình bao nét hào hoa tham gia kháng chiến mà lòng khôn nguôi nhớ Hà Nội hoa lệ. Cảm hứng của nhà thơ từ năm 1948 mà mãi đến khi cuộc kháng chiến kết thúc, những đoàn quân về tiếp quản Hà Nội, hòa bình lập lại rồi bài thơ mới hoàn thiện.
Lần đầu tiên bài thơ Đất nước được đưa vào tập Chiến sĩ (1956). Khoảng thời gian 1990-2006, bài thơ được sử dụng trong chương trình SGK Ngữ Văn 12. Tiếc rằng đến năm 2007, bài thơ chỉ còn nằm trong phần đọc thêm.
Bài thơ mang rõ phong cách Nguyễn Đình Thi. Chủ đề bao trùm của Đất nước là lòng yêu nước nồng nàn, thiết tha, ý thức độc lập tự chủ, là lòng tự hào về đất nước và nhân dân anh hùng. Phần cuối bài thơ là hình tượng Tổ quốc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” mạnh mẽ, tràn đầy sức sống.
Ta hãy cùng nhau đọc lại những vần thơ rất lãng mạn, kiểu “tráng sĩ” xưa:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Nhưng bất chợt ở đoạn thơ dưới thì lại tả rất “siêu thực”, chỉ bằng hai câu:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Nhưng liền đó lại là câu thơ tả tâm trạng người lính chiến chinh mà lòng bồn chồn nhớ người yêu, pha lẫn sự hờn căm quân thù:
Ôi những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
Từ những năm đau thương chiến đấu
Ðã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Ðã bật lên những tiếng căm hờn
Và hình ảnh người lính hòa vào hình ảnh Tổ quốc thật gan góc, phi thường:
Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh…
Nếu như trong thơ Nguyễn Đình Thi, hình ảnh đất nước hào hoa, kiêu hãnh, lãng mạn và tràn đầy sức sống thì trong thơ Nguyễn Khoa Điềm hình ảnh đất nước lại giàu có về văn hóa, là sức mạnh của chân lý.
“Đất nước” là chương V trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Chương này được đưa vào chương trình SGK Văn học 12 giai đoạn 1990-2006, SGK Ngữ văn 12 từ 2007.
Đọc chương “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm, ít ai có thể nghĩ rằng trường ca này được sáng tác năm 1971 ở chiến khu Bình Trị Thiên khi nhà thơ mới 28 tuổi. Năm 1974, trường ca mới được xuất bản.
Cảm hứng sáng tác trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm diễn ra khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn cao trào. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa ra sức xuyên tạc về cộng sản, về cách mạng, hòng lôi kéo, mua chuộc thanh niên vào chốn ăn chơi mà quên đi trách nhiệm đối với dân tộc. Bản trường ca ra đời trong hoàn cảnh ấy đã đánh thức tinh thần trách nhiệm và giúp thế hệ trẻ miền Nam ý thức rõ hơn vai trò và trách nhiệm của họ đối với đất nước.
Khác với cuộc kháng chiến chống Pháp, cuộc kháng chiến chống Mỹ căng thẳng, gay go và đậm chất chiến tranh hiện đại. Mức độ tàn phá và hủy diệt con người cả về thể xác lẫn tinh thần rất kinh khủng. Hãy đọc những câu thơ trong trường ca:
Những bạo chúa tự hào lối đánh bánh xe quay?
Giờ đã có trực thăng treo người vào không khí
Xưa giết người bằng voi, bằng dao, bằng rìu, cũ kỹ!
Nay giết người bằng hóa chất, điện tử, phô-tông
Xưa quan lại đánh ta bằng đầu gậy bịt đồng
Nay chúng ta quật bằng cao su độn sắt
Quật chết người mà vẫn không hề tái mặt
Vì giết người máu chẳng dính tay chân
Và:
Xưa một người chỉ đâm chết một người
Nay một cái bấm nút, một cái đạp càn của bom Mỹ giết ta hàng chục hàng trăm ngọn xớt
Xưa đinh đóng bằng tay, nay đinh đóng bằng bom rốc két
Mặt thằng giặc lái giết người vẫn có dáng ngắm trăng sao
Xưa khủng bố dân, chúng đem ta ra giữa chợ chặt đầu
Nay hiện đại, vô tuyến truyền hình sẽ đưa vào bữa cơm chiều nhân loại
Để loài người vừa ăn vừa xem máu vãi
Dần rà quen cái chết tựa cơm ăn
Quen lối giết người, quen mặt xâm lăng
Quen kinh sợ, quen vục đầu trong vật chất!
Vậy tại sao kết cục cuộc chiến ta vẫn là người chiến thắng? Qua chương “Đất nước”, ta thấy được sức mạnh về văn hóa của một dân tộc văn hiến, chứa đựng trong lòng kho tàng phong phú về ca dao, thần thoại đã làm nên chiến thắng.
Thơ Nguyễn Khoa Điềm rất hiện đại, không mang âm hưởng lối thơ cổ, nhưng lại kế thừa đậm cách vận dụng “điển tích”, “điển cố” để làm câu thơ mang thêm nhiều tầng ý nghĩa. Hầu như câu thơ nào cũng hàm chứa “điển tích”, “điển cố” mà đọc không thấy khó hiểu hay nhàm.
Đất nước vừa rộng lớn bao la của ca dao, thần thoại, lại vừa gần gũi như người con trai và con gái. Ta hãy thưởng thức một số câu thơ:
Đất là nơi anh đến trường,
Nước là nơi em tắm,
Đất nước là nơi ta hò hẹn,
Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc
Nước là nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi
Và:
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
…
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng mình hài hoà nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn
Còn đây là trường đoạn thơ chứa đầy điển tích, điển cố:
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên.
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta...
Hình tượng đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm có một điểm chung là cụ thể hóa hình tượng đất nước vào trong hình ảnh con người cụ thể. Nếu như trong trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi hình ảnh được cụ thể hóa vào hình ảnh người lính thì đất nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm được cụ thể hóa vào tầng lớp nam nữ thanh niên. Còn nói về sức mạnh văn hóa, sức mạnh của truyền thống thì thơ Nguyễn Khoa Điềm đậm đặc, trong khi thơ của Nguyễn Đình Thi lại khái quát:
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.
Với những cống hiến lớn lao cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, cả Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm đều được nhận những giải thưởng văn học cao quý. Với Nguyễn Đình Thi là Giải thưởng Hồ Chí Minh, với Nguyễn Khoa Điềm, ngoài Giải thưởng Nhà nước, nếu như năm 2012 ông không xin rút khỏi danh sách đề cử của Hội đồng thì sẽ nhận thêm Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.