Gìn giữ vẻ đẹp của những ngôi làng
Theo thời gian, những mảnh vườn quê mướt xanh hoa trái ít dần, thay vào đó là nhà tầng thấp, tầng cao tôn hóa, bê tông hóa. Gìn giữ vẻ đẹp làng Việt, nếu không xuất phát từ ý thức chung, trước hết là từ mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, chắc sẽ rất khó để thế hệ mai hậu biết đến, tự hào…
Vẻ đẹp làng Việt đang dần biến đổi. Ảnh: Hoàng Thu Phố.
Lưu giữ vẻ đẹp lấp lánh
Tốc độ đô thị hóa hối hả đã khiến nhiều ngôi làng biến dạng, xộc xệch với kiến trúc cũ mới đan xen.
Giữa những biến động ấy, may mắn thay vẫn có nhiều nỗ lực gìn giữ vẻ đẹp làng Việt. Một trong số đó đến từ những cá nhân yêu những nếp làng, những hàng cau, mái đình, cây gạo, chợ phiên… Có người góp tiền của để tác động gìn giữ, khôi phục. Có người lặng lẽ nghiên cứu, quay phim, chụp ảnh, vẽ lại những di sản truyền thống, những vẻ đẹp đặc trưng của từng ngôi làng…
Ví như nhóm Đình làng Việt với hàng loạt chuyến điền dã về những ngôi làng vùng Bắc Bộ để kịp thời ghi lại, phản ánh về những thay đổi, biến dạng, hoặc cất lên tiếng nói kêu gọi xã hội chung tay bảo tồn đình làng. Mới đây nhóm Đình làng Việt đã kết hợp với nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng khởi động dự án làm sách về những ngôi đình nổi tiếng, qua đó góp phần gìn giữ những vẻ đẹp di sản cho thế hệ mai sau.
Hay như nhiếp ảnh gia Lê Bích dành hơn chục năm rong ruổi ở những ngôi làng xứ Bắc. Đi nhiều, chụp nhiều, tới nay kho ảnh, video tư liệu của Lê Bích về làng nghề, về những câu chuyện quanh giếng làng, đình làng có thể khiến nhiều nhà nghiên cứu ao ước. Lê Bích được ví như một “sứ giả” tôn vinh văn hóa Việt.
Cả nước có 1.864 làng nghề truyền thống với 115 nghề truyền thống đã được công nhân. Đó là một “mỏ vàng lấp lánh” mà Lê Bích muốn dồn nhiều tâm sức để “khai thác”. Ở đó chứa đựng một kho tàng tri thức, nghệ thuật mà cha ông ta đã để lại. Tuy nhiên, khi đi sâu vào các làng nghề, điều Lê Bích cảm thấy day dứt nhất đó là nhiều làng mất nghề, thế hệ trẻ bỏ nghề truyền thống, các nghệ nhân giỏi cứ dần dần mất đi…
Theo Lê Bích, chụp ảnh làng nghề hiện nay, khó nhất ở chỗ tư liệu gốc còn rất ít. Trong khi đó, các nghệ nhân cao tuổi hiểu biết nghề không còn nhiều. Các công đoạn thủ công giờ đã phần nào thay thế bằng máy móc.
Anh dẫn chứng: Tôi có tìm nhiều tư liệu về làng nghề ở thư viện, trên mạng… nhưng rất thiếu tư liệu chuyên sâu. Đơn cử ở làng tranh dân gian Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), tôi tham khảo hơn 20 đầu sách nhưng vẫn chưa thấy thỏa mãn, chưa hiểu hết về nghề, về các công đoạn làm nghề. Sau nhiều năm về làng tôi mới chụp và ghi lại toàn bộ nghề làm tranh từ công đoạn làm giấy, làm điệp, in và tô tranh… Bên cạnh đó là các công cụ làm nghề và cả tư liệu về cách thức phân phối tranh… Riêng công đoạn làm điệp, tôi đã phải chờ tới 3 năm mới chụp được vì người Đông Hồ phải 3 đến 5 năm mới làm điệp một lần, tùy thuộc vào việc bán tranh được nhiều hay ít.
Cứ thế, dần dần, anh phát hiện thấy những vẻ đẹp tiềm ẩn của văn hóa, di sản của làng như lễ hội, đình, chùa, giếng nước…, những vẻ đẹp lấp lánh của văn hóa di sản đang dần bị che mờ.
Làng quê - tâm hồn người Việt
Một trong những mất mát đáng tiếc của làng Việt đó là đánh mất những mảnh vườn quê, ở đó thường có ít cây lá làm thuốc nam, ít rau húng, rau mùi; và những cây chanh, cây bưởi, cây đào vài luống hoa theo kiểu “mùa nào thức ấy”.
KTS Nguyễn Cao Luyện từng cho rằng: Cây và vườn là bạn của con người. Với người Việt, cái vườn là không thể thiếu. Ở đâu thì chưa rõ, chứ ở ta, chúng góp phần rất quan trọng vào nơi ăn chốn ở của người mình.
Đồng tình với quan điểm này, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhấn mạnh, cái vườn của người Việt thể hiện chế độ gia đình phát triển với ý thức tư hữu dù nó vẫn nằm trong cộng đồng làng xã. Vườn nhà phát triển mạnh từ thế kỷ 16 trở đi cho đến gần cuối thế kỷ 20, như là một phần của đời sống tâm hồn người nông dân hơn là một sự cải thiện kinh tế.
“Tâm hồn người Việt từng được nuôi dưỡng bởi những dòng sông, cái làng có lũy tre xanh, nhà tranh, gốc mít, mái đình, cây đa... tất cả cộng lại gọi là làng quê - tâm hồn người Việt, chứ không riêng cái nào”- nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nói.
Vẫn theo ông Thượng, vườn Việt rất khác nhau ở từng vùng miền. “Ở những làng bản sắc tộc Tây Nguyên, tính cộng đồng cao, hầu như người ta không làm vườn, vì như thế là cá nhân quá, buôn làng là của cả cộng đồng, không có sở hữu vườn riêng. Làng người Nùng Phản Slình ở Lạng Sơn, vườn nhà chỉ trồng ít cây đay, cây chàm. Cây ăn quả trồng ở ven đường đi, ai muốn ăn cứ tự nhiên, không phải xin phép. Làng người Mường, Hòa Bình xưa ranh giới vườn gia đình rất tương đối, là nơi chơi của trẻ con, và rất ít khi trồng hoa mầu. Nhiều làng ở Phú Thọ, vườn đôi khi rất rộng đến nửa quả đồi, trồng mía, trồng sắn, còn bầu bí, rau trồng ven suối. Cái vườn theo cách ta quan niệm, có lẽ là cái vườn của nông dân làng xã đồng bằng Bắc Bộ. Miệt vườn Nam Bộ cũng rất khác, rộng lớn và có ranh giới tương đối hơn là một không gian kép kín. Tiếng Việt cũng phân biệt các khái niệm: vườn, trang trại, đồi vườn, nương, rẫy... Tùy từng cách làm nghề nông và kinh tế ngoài việc trồng lúa nước và định cư”- ông Thượng dẫn chứng.
Riêng về những mảnh vườn ở Huế, nơi nhiều người có ấn tượng từ câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Hàn Mặc Tử: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ Điền”, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng lý giải: Bên cạnh Kinh Thành Huế có rất nhiều nhà vườn, phủ đệ của thị dân Huế và quan viên thế kỷ 19 - 20. Ở hiên nhà Huế thường khắc chữ Phúc, trong cấu tạo chữ Phúc, có chữ Điền. Câu “Lá trúc che ngang mặt chữ Điền”, là nói về cành trúc trong vườn che vào cái chữ Phúc hiên nhà đó. Vườn Huế thường bắt đầu từ đường đi ngang mặt nhà, cổng ngõ, đến bình phong xây và đường thẳng dẫn vào nhà, hai bên là vườn tược, cũng tùy cách bố trí, có khi là đường đi bên hông, như làng Bắc Bộ.
Tuy nhiên, thực tế thì cùng với sự biến đổi của đời sống xã hội, cư dân của làng Việt tăng lên nhiều, kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng lên. Do vậy, đất làng giờ cũng phải “phân lô”, cũng phải “chia năm, xẻ bảy”. Vườn quê từ chỗ phổ biến đến giờ trở thành một khái niệm “xa xỉ” ở một số ngôi làng.
Muốn gìn giữ được vẻ đẹp làng Việt cần phải có sự chung tay của nhiều bộ, ngành, và tất nhiên không thể thiếu sự chung tay của cộng động cư dân đang sinh sống tại chính ngôi làng đó. Bởi chỉ khi họ nhận ra vẻ đẹp của làng quê mình, nhận ra sự quan trọng của những di sản cha ông trao truyền, thì họ mới ý thức để gìn giữ, bảo tồn. Việc thời gian gần đây, ở một số vùng quê, những chiếc cổng làng được dựng lại, đình làng được bảo tồn, những ao làng, giếng làng ít ỏi được giữ lại, kê kè cẩn thận cho thấy người dân đã biết nâng niu không gian sống của làng mình, quê mình. Đó là điều đáng quý, đáng khích lệ và cần nhân rộng.