Lấp lánh những tấm huy chương
Những thành tích rực rỡ của học sinh (HS) Việt Nam tại các kỳ thi Olympic và thi HS giỏi của khu vực và thế giới không chỉ là niềm tự hào của riêng các em, gia đình và nhà trường mà còn là niềm hãnh diện cho đất nước. Đây cũng là yếu tố tác động tích cực đến dạy - học, thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong các nhà trường phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Đội tuyển Việt Nam tham dự IMO 2019.
Thành tích vượt trội
Năm 2019, 4 thành viên của đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Hóa học quốc tế 2019 với thành tích 2 huy chương vàng (HCV) và 2 huy chương bạc (HCB) chính là kết quả cao nhất của đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Hóa học quốc tế từ trước đến nay. Trong đó, HCV dành cho Trần Bá Tân, HS lớp 12, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam lọt vào tốp 4 thí sinh có điểm cao nhất kỳ thi (đạt 95,47/100 điểm) và được trao giải thí sinh xuất sắc nhất phần thi thực hành với điểm tuyệt đối 40/40. Đây cũng là lần đầu tiên thí sinh Việt Nam đạt điểm tuyệt đối phần thi thực hành trong kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế.
HS đoạt HCV nữa là Nguyễn Văn Chí Nguyên, HS lớp 12, Trường THPT chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa. 2 HS đoạt HCB là Nguyễn Đình Hoàng, HS lớp 12, Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, tỉnh Yên Bái; Phạm Thanh Lâm, HS lớp 12, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định.
Với thành tích này, đội tuyển Việt Nam đứng thứ 5, sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Mỹ. Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 51 được tổ chức tại Cộng hòa Pháp với sự tham dự của hơn 300 thí sinh đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cũng giành giải 100% là đội tuyển dự thi Olympic Toán quốc tế 2019 với 2 HCV và 4 HCB. Em Nguyễn Nguyễn, HS Trường Phổ thông năng khiếu, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đạt HCV (34 điểm). Em Nguyễn Thuận Hưng, HS Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng HCV (32 điểm). Em Phan Minh Đức, HS Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội: HCB (28 điểm). Em Vũ Đức Vinh, HS Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An: HCB (28 điểm). Em Vương Tùng Dương, HS Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc: Huy chương Bạc (28 điểm). Em Nguyễn Khả Nhật Long, HS Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội: HCB (27 điểm).
Olympic Toán quốc tế năm 2019 được tổ chức tại Vương quốc Anh với sự tham gia của các thí sinh đến từ 110 nước và vùng lãnh thổ. Đội tuyển quốc gia Việt Nam đã tiến 13 bậc so với IMO năm 2018, nằm trong Top 10 nước đứng đầu về thành tích tại kỳ thi này (theo thứ tự gồm: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên, Thái Lan, Nga, Việt Nam, Singapore, Serbia và Ba Lan).
Đoàn HS Việt Nam gồm 4 em dự thi Olympic tin học quốc tế năm 2019 đều đoạt giải, trong đó có hai em giành HCV là Trịnh Hữu Gia Phúc - HS lớp 12 Trường THPT chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa, và Bùi Hồng Đức - HS lớp 11 Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Hai HS còn lại, Vũ Hoàng Kiên và Nguyễn Minh Tùng - HS lớp 11 và 12 Trường THPT Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội - đoạt HCB và HCĐ. Kỳ thi Olympic Tin học quốc tế năm 2019 có 87 nước và vùng lãnh thổ tham gia với 327 thí sinh dự thi. Đội tuyển quốc gia Việt Nam đứng thứ 4 cùng với Hàn Quốc, xếp sau các nước: Nga, Trung Quốc, Mỹ.
Kết quả chính thức của đội tuyển quốc gia Việt Nam tại Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 50 rất đáng tự hào: cả 5 HS dự thi đều đoạt giải, gồm: 3 HCV và 2 HCB. Cụ thể, HCV gồm: Em Trần Xuân Tùng, HS lớp 12, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; em Nguyễn Xuân Ưng, HS lớp 12, THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội và em Nguyễn Khánh Linh, HS lớp 12, THPT chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa. HCB gồm: Em Lê Việt Hoàng, HS lớp 12, THPT chuyên Biên Hòa, tỉnh Hà Nam và em Trịnh Duy Hiếu, HS lớp 12, THPT chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.Với sự tiến bộ về chất lượng giải so với năm 2018, Việt Nam đứng thứ 4, sau đoàn Trung Quốc, Hàn Quốc (5 Huy chương Vàng) và đoàn Nga (4 Huy chương Vàng); riêng em Nguyễn Khánh Linh vừa đoạt Huy chương Vàng vừa đoạt giải đặc biệt nữ sinh có thành tích cao nhất Olympic. Olympic Vật lý quốc tế năm 2019 được tổ chức tại Israel từ ngày 7 đến ngày 15/7/2019 với sự tham gia của 360 HS đến từ 78 nước và vùng lãnh thổ.
Trước đó, tại kỳ thi Olympic Vật lý châu Á 2019, cả 8/8 thí sinh VN tham dự đều đoạt giải với 2 HCB và 7 HCĐ, 1 giải khuyến khích.
Cả 4 thí sinh Việt Nam dự thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2019 đều đoạt huy chương, trong đó 1 HCB và 3 HCĐ. Cụ thể, HS đoạt HCB là Hoàng Minh Trung (HS lớp 12, Trường THPT chuyên Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Ba thí sinh đoạt HCĐ là Dương Tùng Lâm (HS lớp 12, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An), Hà Vũ Huyền Linh (HS lớp 11, Trường THPT chuyên khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) và Hoàng Thị Huyền Trang (HS lớp 12, Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ).
Đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Vật lý châu Á.
Yếu tố tạo nên thành công
Thành tích của đội tuyển quốc gia Việt Nam tại các kỳ thi Olympic quốc tế ở tất cả các bộ môn năm nay tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông; đồng thời khẳng định hướng đi đúng trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng HS giỏi với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ GDĐT cùng sự cố gắng, nỗ lực của các HS, các thầy cô giáo tham gia công tác HS giỏi trong thời gian qua.
Không thể không kể đến những đổi mới căn bản đồng bộ trong công tác tổ chức thi chọn HS giỏi quốc gia và tập huấn các đội tuyển của Bộ GDĐT thời gian qua đã phát huy tác dụng. Đó là tổ chức sớm kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia để tăng thời gian tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực; có kế hoạch, chương trình tập huấn cụ thể ở các môn. Tiếp cận dần với hình thức thi của khu vực và quốc tế ở tất cả các môn như đối với môn Tin học triển khai áp dụng thi, chấm trực tiếp như hình thức tổ chức thi của quốc tế. Tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác coi thi, chấm thi các vòng chọn HS giỏi đảm bảo khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ HS tạo điều kiện để chọn được những HS giỏi nhất tham dự các đoàn HS giỏi khu vực và quốc tế...
Một yếu tố quan trọng làm nên thành công của những tấm huy chương chính là sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, đặc biệt là niềm đam mê khoa học và sự sáng tạo trong học tập, rèn luyện của các em HS trong các đội tuyển quốc gia; công lao của các nhà trường THPT nơi các em được học tập và rèn luyện, sự động viên, khích lệ, tạo điều kiện tốt nhất của gia đình cho các thí sinh. Các em đã không chỉ mang HCV, HCB, HCĐ về cho bản thân, gia đình và nhà trường mà còn làm rạng danh hai chữ Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Chuyện ít biết
Một chi tiết cảm động trong thời gian diễn ra kỳ thi Olympic Toán học 2019 đó là từ nước Anh, nghe tin GS Hoàng Tụy - nhà toán học tiêu biểu của Việt Nam, người nổi tiếng với phát minh “phương pháp lát cắt Tụy” qua đời, PGS Lê Anh Vinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Trưởng đoàn dẫn đội tuyển quốc gia của Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 60, đã quyết định đưa tên của GS Hoàng Tụy vào bản dịch tiếng Việt của đề thi IMO 2019 để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn. Và bài toán này, tất cả các thành viên trong đội tuyển Việt Nam đều làm đúng.
Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn ấy sẽ giúp những em HS luôn khắc sâu truyền thống uống nước nhớ nguồn, biết ơn những người đi trước đã góp phần tạo dựng nên cơ hội tốt đẹp trong học tập, cuộc sống hôm nay. Đó cũng sẽ là hành trang theo các em trong dặm dài hành trình chinh phục những thử thách mới, không chỉ ở trong nước mà có thể ở cả nước ngoài.
Cánh cửa du học rộng mở với những tài năng đã được khẳng định, ghi nhận bởi những tấm huy chương hôm nay. Có thể là cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài với nhiều ưu đãi, điều kiện tốt hơn trong nước. Vẫn còn những ý kiến trái chiều về việc ra đi và trở về nhưng nhìn từ những tấm gương như GS Trần Thanh Vân, GS Ngô Bảo Châu, GS Đàm Thanh Sơn, GS Vũ Hà Văn... thì thấy rằng, với trái tim và dòng máu Việt Nam đang chảy, dù ở bất cứ nơi nào trên Trái đất này cũng có thể đóng góp cho Tổ quốc.
Bởi học thuật là không biên giới.