Nỗi lo bão chồng bão

Nhóm PV 03/09/2019 08:00

Trong khi hoàn lưu của bão số 4 vẫn đang gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương, thì bão số 5 lại nhăm nhe hình thành, dự báo sẽ đổ bộ vào miền Trung nước ta. Theo diễn biến mới nhất, các áp thấp trên Biển Đông có thể kết hợp với nhau tạo ra hình thái thời tiết rất nguy hiểm.

Nỗi lo bão chồng bão

Mưa lớn gây nhiều thiệt hại tại Sơn La Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN.

Thiệt hại nặng nề sau bão số 4

Sau khi đi vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, thế nhưng hoàn lưu của nó gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh Bắc và Trung Bộ. Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, từ đêm 29/8 đến ngày 1/9, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có mưa lớn liên tục trên diện rộng, làm ngập úng, sạt lở đất, gây thiệt hại về tài sản, nhà ở, công trình giao thông của Nhà nước và nhân dân tại một số huyện.

Tính đến sáng 2/9, toàn tỉnh Sơn La có trên 100 ngôi nhà bị thiệt hại. Mưa lớn đã làm sụt trượt ta luy dương, sa bồi trên 9 tuyến đường quốc lộ, với khoảng 450 điểm; đồng thời làm sụt trượt ta luy dương, sa bồi trên 16 tuyến đường tỉnh, với khoảng 205 điểm; 1 cột điện hạ thế bị đổ.

Mặc dù bão số 4 không đổ bộ vào Thanh Hóa, tuy nhiên mưa mưa lũ do hoàn lưu bão gây nhiều thiệt hại cho người dân trên địa bàn. Mưa lũ đã làm 4 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 103 nhà bị tốc mái, 351 công trình phụ bị hư hại. Mưa lớn trong khoảng thời gian ngắn cũng đã làm 282 ngôi nhà ngập cục bộ, 15 phòng học bị ngập, 4 điểm trường bị ảnh hưởng; 4.520 ha lúa bị đổ hoặc ngập sâu trong nước, hơn 1.000 ha diện tích cây trồng khác như ngô, mía, dứa, ớt... bị đổ gãy, gần 120 ha rau màu bị ngập, hư hỏng. Nhiều diện tích cây lâu năm cũng bị thiệt hại nặng nề. Người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng chịu nhiều thiệt hại, trong đó có 2.100 con gia cầm bị chết và cuốn trôi, 9 trang trại, gia trại bị ngập nước. Ngoài các công trình đê điều - thủy lợi bị sạt lở, nhiều tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh cũng hư hỏng, chia cắt tạm thời.

Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra cho người dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã hướng dẫn các địa phương khắc phục thiệt hại và đang huy động tối đa lực lượng lao động và phương tiện để thu hoạch được 1.582 ha lúa diện tích lúa mùa đã chín trên 80%.

Tại Nghệ An, tính đến ngày 2/9, trên địa bàn tỉnh có nhiều địa phương bị thiệt hại. Riêng huyện Anh Sơn có 66 nhà dân bị sập và tốc mái, 15 cột điện bị gãy, 2 trường học bị tốc mái, 116 ha lúa bị ảnh hưởng, nhiều chuồng trại chăn nuôi hư hỏng... Ngoài ra, các huyện như Quỳ Châu có 2 hộ và huyện Tương Dương có 1 hộ bị sạt taluy gần nhà, phải di dời khẩn cấp. Gần 250 ha lúa tại các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương bị ngập… 250m tường rào của các trường học huyện Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu bị sập. Huyện Quỳ Châu có 3 cầu tạm bị cuốn trôi và 19 cầu tràn bị ngập. Các huyện Kỳ Sơn, Quỳ Châu có 3 điểm sạt lở đường... Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Chủ động ứng phó với áp thấp khả năng mạnh lên thành bão

Ứng phó áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão, sáng 2/9, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp với các thành viên Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 14/CĐ-TWPCTT ngày 1/9 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Trong đó lưu ý Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia tăng cường theo dõi chặt chẽ (áp thấp nhiệt đới gần bờ, áp thấp nhiệt đới trên khu vực giữa Biển Đông và tình hình mưa dông, gió mạnh, sóng lớn trên các vùng biển phía Nam), cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời, sát thực tế đặc biệt chú ý việc xác định vùng nguy hiểm trên tuyến biển để có sự chỉ đạo, ứng phó kịp thời.

Nỗi lo bão chồng bão - 1

Thanh Hóa là tỉnh chịu nhiều thiệt hại trong bão số 4 vừa qua. Ảnh: Nguyễn Chung

Lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với Kiểm ngư và chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện việc thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Tổ chức kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn neo đậu tại bến nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Tổng cục Thủy lợi cần tiến hành kiểm tra tình hình ngập úng tại các địa phương, báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để có biện pháp chỉ đạo ứng phó. Cùng với đó, các đơn vị chức năng cần tập trung xử lý các công trình đã bị sự cố; kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, vận hành các hồ thủy điện nhỏ và chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn. Huy động lực lượng, nhất là lực lượng xung kích tại cơ sở kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn. Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Miền Trung bắt đầu có mưa

Chiều 2/9, tại các tỉnh miền Trung, trời có mưa nhỏ. Đối phó áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão số 5, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền Trung đã ban hành công điện yêu cầu các ngành, địa phương chủ động phòng chống, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. Đại diện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, từ chiều 2/9, tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu các chủ tàu thuyền không ra khơi để đảm bảo an toàn.

Trong khi đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cùng chính quyền địa phương đã thông tin cho trên 2.300 tàu cá với hơn 7.000 ngư dân hoạt động trên biển biết về thông tin áp thấp nhiệt đới để chủ động đưa tàu về nơi trú ẩn an toàn hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tại cửa biển Cửa Việt đã có hàng trăm tàu cá của ngư dân Quảng Trị vào nơi neo đậu, tránh trú áp thấp nhiệt đới. Tương tự, tại khu vực cửa biển Cửa Tùng, cũng đã có nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Trị vào tránh trú áp thấp nhiệt đới trong khu neo đậu Cửa Tùng và ven bờ sông Bến Hải.

Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới gần bờ, Quảng Trị là một trong những tỉnh, thành được dự báo là bị ảnh hưởng trực tiếp, nhất là có mưa to đến rất to gây lũ lớn. Các địa phương trong tỉnh đã thông báo cho nông dân khẩn trương thu hoạch lúa Hè Thu 2019 đã chín được 85% với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; đồng thời huy động phương tiện, lực lượng công an và bộ đội giúp người dân thu hoạch lúa Hè Thu 2019 nhằm giảm thiệt hại cho bà con.

Các địa phương trong tỉnh Quảng Trị cũng đã tăng cường lực lượng túc trực, yêu cầu lực lượng chức năng hướng dẫn cho các tàu thuyền vào nơi neo đậu, kiểm đếm chặt chẽ, giữ liên lạc với tàu trên biển tìm nơi tránh bão; cảnh báo kịp thời, đề phòng lũ quét, sạt lở đất, bố trí lực lượng kiểm soát không cho người dân qua lại các ngầm tràn, bến đò…

Theo ghi nhận của PV ngày 2/9, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ, ở các huyện của tỉnh Nghệ An tiếp tục có mưa to đến rất to. Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết, cả tỉnh hiện có gần 4.0000 tàu thuyền lớn nhỏ với gần 19.000 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển. Trước đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, hầu hết tàu thuyền của ngư dân đã trở về neo đậu ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Vì thế, những tàu thuyền này đang nằm bờ, chưa ra khơi đánh bắt thủy, hải sản. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã có công điện nghiêm cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 21h ngày 1/9.

* Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, hồi 7h ngày 2/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 70km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7 giờ ngày 3/9, vị trí tâm bão ở khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh từ Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 100km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.

Nhóm PV