Quảng Nam: Cầu dân sinh xuống cấp, dân vừa đi vừa sợ
Qua nhiều năm sử dụng, hiện nay cây cầu dân sinh ở thôn Tú Phương và Tú Nghĩa (thuộc xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân.
Người dân hằng ngày vẫn đi qua lại trên cây cầu xuống cấp.
Dẫn chúng tôi đi xem cây cầu, ông Phan Văn Thắng (67 tuổi, trú thôn Tú Nghĩa) cho biết: Những năm qua, do lưu lượng người và phương tiện qua lại cây cầu dân sinh nối thôn Tú Phương và Tú Nghĩa đông và sau mỗi đợt mưa lũ là nguyên nhân dẫn đến cầu ngày càng xuống cấp.
“Hằng ngày có khoảng nghìn lượt phương tiện, người dân tham gia giao thông, nhưng mỗi lần qua lại cây cầu rất hoang mang lo lắng vì mặt cầu đã xuống cấp quá nghiêm trọng. Đặc biệt, trên mặt cầu có nhiều tấm bê tông bị nứt, hư hỏng làm lộ ra các thanh sắt gây hiểm cho người tham gia giao thông”- ông Thắng nói.
Ông Dương Tập (trú xã Bình Trung, huyện Thăng Bình) thường xuyên đi qua lại trên cây cầu này chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng đi qua đây để chở hàng lên chợ Kế Xuyên bán, khi đến cây cầu tôi phải dừng xe tắt máy dắt bộ qua cầu. Vì mặt cầu xuất hiện nhiều lỗ thủng rất nguy hiểm cho phương tiện giao thông qua lại”.
Đồng thời, theo ông Tập, cây cầu này không có lan can nên chỉ cần điều khiển xe mất tay lái là rơi xuống suối.
Nhiều địa điểm trên mặt cầu nứt, hư hỏng nghiêm trọng.
Qua quan sát của chúng tôi, cây cầu dân sinh bắv qua suối Bến Lội, nối giữa thôn Tú Phương và Tú Nghĩa, dài khoảng 42 m, rộng 1,2 m. Hiện nay, các mảng bê tông trên mặt cầu bị nứt, hư hỏng dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng gây khó khăn cho việc đi lại hàng ngày của người dân, nhất là vào mưa lũ. Ngoài ra, cầu không có hệ thống lan can rất tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người và phương tiện qua lại.
Trước tình trạng này, ông Nguyễn Đình Yến, Chủ tịch UBND xã Bình Tú cho biết, hằng năm, chính quyền xã Bình Tú đều bố trí kinh phí để duy tu sửa chữa các tuyến đường bê tông liên thông trong xã để phục vụ việc đi lại của người dân.
Về cây cầu, lãnh đạo xã đã kiến nghị lên UBND huyện Thăng Bình. Mới đầy, UBND huyện đã bố trí kinh khoảng 5-7 tỷ đồng, dự kiến trong năm 2020 xây mới triển khai xây dựng lại cây cầu này.