Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế cho phát triển
Chiều 3/9, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, UBTƯ MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan đã tổ chức trọng thể Lễ phát động Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế”.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Lễ phát động.
Đến dự lễ phát động có ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương - Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động cùng lãnh đạo nhiều bộ, ban ngành…
Dự lễ phát động, về phía MTTQ Việt Nam còn có bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Cuộc vận động.
Doanh nghiệp, doanh nhân cần có tiếng nói tham gia hoạch định cơ chế, chính sách
Dự và phát biểu tại Lễ phát động, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, MTTQ Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều cuộc phát động thi đua đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng trong thời kỳ hội nhập quốc tế; MTTQ Việt Nam cũng đã tổ chức trao giải thưởng Sách vàng sáng tạo Việt Nam hàng năm nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; trao giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí” và với chức năng, nhiệm vụ được giao, MTTQ Việt Nam cũng đã tiến hành nhiều cuộc giám sát ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo đánh giá của người đứng đầu MTTQ Việt Nam, lễ phát động Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế” là một việc làm cụ thể thiết thực để thực hiện ngày càng hiệu quả hơn Nghị quyết trung ương 5 khóa XII của Đảng.
“MTTQ Việt Nam đánh giá cao và nhiệt liệt hoan nghênh việc phát động Cuộc vận động. Doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ là đối tượng được điều chỉnh bởi cơ chế, chính sách mà chính họ phải có tiếng nói và tham gia vào quá trình hoàn thiện và xây dựng các cơ chế, chính sách. Chỉ có như vậy thì các cơ chế, chính sách mới phản ánh kịp thời, sát nhất với thực tiễn trong cuộc sống, tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, minh bạch và thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả và đạt kết quả cao hơn nữa”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Lễ phát động.
Cùng với đó, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh: Trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12 đã giao cho MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường giám sát thực hiện Nghị quyết.
“Mặt trận đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan; giám sát cải cách hành chính, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; giám sát việc thực hiện quy định khuyến khích ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ theo Luật khoa học và Công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Trên cơ sở giám sát, Mặt trận kiến nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung khắc phục những hạn chế của văn bản có liên quan và việc thực hiện thực tế các văn bản này; đề xuất các cơ quan giải quyết thỏa đáng quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp; đồng thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng những nhân tố mới, điển hình mới, tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, phát triển doanh nghiệp tư nhân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân”- người đứng đầu MTTQ Việt Nam chia sẻ thêm về những công việc mà MTTQ Việt Nam làm bấy lâu nay và bày tỏ: Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên mọi miền của Tổ quốc, thuộc mọi thành phần kinh tế sẽ tích cực hưởng ứng Cuộc vận động để Cuộc vận động được lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, MTTQ Việt Nam dự Lễ phát động.
Đảng, Nhà nước luôn coi trọng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động nhấn mạnh: Tư tưởng đề cao vai trò của doanh nghiệp, trong phát triển kinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu giành được độc lập. Gần 74 năm đã trôi qua nhưng tư tưởng của Người về doanh nghiệp, doanh nhân vẫn còn nguyên giá trị.
Ông Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh tư tưởng của Đảng luôn xác định và thực hiện quan điểm nhất quán phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, đồng thời đã ban hành nhiều đường lối, chủ trương quan trọng về đổi mới và phát triển kinh tế đem lại thành tựu phát triển kinh tế to lớn và ba Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12 của Đảng là các chủ trương lớn, quan trọng, đúng đắn và được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, MTTQ Việt Nam thực hiện nghi lễ bấm nút khai trương website của Cuộc vận động.
Tuy nhiên, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động cũng nhấn mạnh, trên thực tế doanh nghiệp, doanh nhân vẫn gặp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và nền kinh tế nước ta chưa phát triển nhanh và bền vững, trong đó có nguyên nhân quan trọng là thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ đang là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.
Và, “Cuộc vận động nhằm khẳng định sự coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước nhằm phát huy trí tuệ, dân chủ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước”, ông Nguyễn Văn Bình nói.
Cuộc vận động chính thức tiếp nhận góp ý, đề xuất kể từ ngày 3/9/2019 đến 31/12/2019. Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân gửi tối đa 1 tác phẩm tham dự với một hoặc một số nội dung góp ý, đề xuất phù hợp với mục tiêu và Thể lệ của Cuộc vận động qua bưu điện hoặc thư điện tử 2019 (theo dấu Bưu điện/ngày gửi thư điện tử).
Lễ Tôn vinh và trao giải dự kiến: Tổ chức vào tháng 4/2020.
Địa chỉ nhận bài dự thi: Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Nhà A4, đường Nguyễn Cảnh Chân, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. Email: cuocvandong@kinhtetrunguong.vn.
Ban Tổ chức sẽ trao 1 giải Đặc biệt: 300.000.000đ kèm theo Biểu trưng của Cuộc vận động và Chứng nhận của Ban Tổ chức; 3 giải Nhất, mỗi giải:100.000.000đ kèm theo Biểu trưng của Cuộc vận động và Chứng nhận của Ban Tổ chức;ngoài ra còn có 5 giải Nhì; 10 giải Ba và 20 giải khuyến khích.