Có hiện tượng bảo kê, tiếp tay cho vi phạm
Ngày 3/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 13, cho ý kiến về Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019. Liên quan đến tình hình vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn khi vi phạm pháp luật và tội phạm về tham nhũng vẫn rất phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt”.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an.
Vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn phức tạp
Trình bày báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019, Thượng tướng Lê Quý Vương -Thứ trưởng Bộ Công an cho biết từ 1/10/2018 tới 31/7/2019, các lực lượng chức năng phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế. Trong đó, khởi tố 2.196 vụ án với 3.408 bị can; xử lý hành chính 11.072 vụ với số tiền trên 244 tỷ đồng, ít hơn 11,02% so với cùng kỳ năm 2018. Các lực lượng chức năng cũng phát hiện 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ, trong đó, khởi tố 274 vụ với 683 bị can, ít hơn 0,35% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo ông Lê Quý Vương, các cơ quan chức năng đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ, khắc phục được nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp hồ sơ, tài liệu, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản. Công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng ở địa phương có nhiều tiến bộ, từng bước khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Bên cạnh đó, Thượng tướng Lê Quý Vương cũng cho rằng, hoạt động lợi dụng triển khai cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp, triển khai thực hiện các dự án, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để chiếm đoạt tài sản nhà nước vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết thủ tục hành chính công diễn ra tương đối phổ biến, nhất là ở cơ sở, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, vẫn còn một số vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, cá biệt có trường hợp cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật bảo kê, làm ngơ, tiếp tay cho vi phạm, tội phạm gây dư luận xấu. Vi phạm hành chính diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng việc xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe, đã ảnh hưởng đến kỷ cương, phép nước trong một số lĩnh vực.
Phát hiện chưa tương xứng
Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, công tác điều tra vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm mới đạt 84,8%; việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm; chất lượng hoạt động điều tra còn một số hạn chế trong thu thập, đánh giá chứng cứ.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới Chính phủ tiếp tục có những biện pháp nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực lĩnh vực trật tự xây dựng, thương mại, giao thông, công nghệ thông tin để hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với những vi phạm pháp luật, tội phạm trên các lĩnh vực này.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha cho rằng, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng nhưng kết qua phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế. Vi phạm pháp luật và tội phạm về tham nhũng vẫn rất phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong các cơ quan và nhân viên Nhà nước khi thực thi công vụ có liên quan trực tiếp đến người dân. Tham nhũng trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân và công luận, tuy nhiên việc phát hiện vẫn chưa được nhiều và giảm 0,35% so với cùng kỳ.
“Việc phát hiện các hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng còn nhiều hạn chế, có vụ làm xăng giả với quy mô lớn, tiêu thụ trên nhiều địa phương, kéo dài nhiều năm nhưng đến nay mới bị phát hiện xử lý. Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng đã diễn ra công khai tại nhiều địa phương, trong thời gian dài đến nay mới bị cơ quan chức năng xử lý và mức độ xử lý còn chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa”- ông Pha nói.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo có xu hướng gia tăng
Về lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông diễn biến ngày càng phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia và xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại lớn. Đáng chú ý, tình trạng người nước ngoài lợi dụng địa bàn Việt Nam để phạm tội sử dụng công nghệ cao lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng có chiều hướng gia tăng.