Phản biện để xây dựng chính quyền vững mạnh
Nhờ làm tốt hoạt động giám sát và phản biện xã hội trong những năm qua, Mặt trận tỉnh Vĩnh Phúc đã góp phần tích cực vào việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
MTTQ xã Định Trung (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) giám sát quá trình thi công nhà văn hóa, đảm bảo chất lượng công trình.
Theo ông Nguyễn Xuân Viễn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là nhiệm vụ quan trọng của MTTQ, được khẳng định trong Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền và các tổ chức thành viên, trong nhiệm kỳ 2014-2019, MTTQ các cấp tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục được củng cố, kiện toàn, phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng và tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh ở địa phương.
Công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã trở thành hoạt động thường xuyên, trọng tâm, ngày càng đi vào nề nếp, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Theo đó, Ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức giám sát thông qua nghiên cứu, xem xét hơn 2.700 văn bản; thành lập hơn 1.000 đoàn giám sát; phối hợp với HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh và các ngành liên quan tổ chức hơn 3.250 cuộc giám sát. Qua hoạt động phản biện xã hội, MTTQ các cấp đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và những chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân. “Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức góp ý, phản biện hơn 1.100 văn bản, trong đó Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động đề xuất, tổ chức gần 10 hội nghị phản biện xã hội về dự thảo các văn bản về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; qua đó đã tổng hợp được nhiều ý kiến phản biện có giá trị khoa học và thực tiễn, là kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền đưa ra các quyết định đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, được dư luận đồng tình, đánh giá cao- ông Viễn chia sẻ.
Cũng theo ông Viễn, các hoạt động tiếp xúc cử tri; tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân ngày càng có nhiều tiến bộ và đổi mới. MTTQ đã phối hợp tổ chức hơn 5.700 hội nghị, tổng hợp hơn 18.000 lượt ý kiến, kiến nghị những vấn đề bức xúc của cử tri và nhân dân để kịp thời phản ánh tới Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, MTTQ các cấp đã phát huy tốt vai trò tham mưu, phối hợp tổ chức để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối thoại trực tiếp với nhân dân ở cấp tỉnh. Trong đó, 9/9 đơn vị cấp huyện và nhiều xã, phường, thị trấn đã tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại theo chuyên đề, đối thoại khi có vụ việc phức tạp ở cơ sở. Qua đó đã kịp thời giải quyết những vướng mắc, những vấn đề bức xúc nảy sinh trong nhân dân, khẳng định vai trò cầu nối của Mặt trận.
“Thời gian tới, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức thành viên để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; nâng cao chất lượng các cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước; tập hợp, phản ánh ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp; thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp; phối hợp tham mưu tổ chức tốt các cuộc đối thoại trực tiếp với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân, thực sự là cầu nối giữa Đảng và chính quyền với nhân dân”- ông Viễn chia sẻ.
Công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã trở thành hoạt động thường xuyên, ngày càng đi vào nề nếp, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức góp ý, phản biện hơn 1.100 văn bản, trong đó Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động đề xuất, tổ chức gần 10 hội nghị phản biện xã hội về dự thảo các văn bản về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; qua đó đã tổng hợp được nhiều ý kiến phản biện có giá trị khoa học và thực tiễn, là kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền đưa ra các quyết định đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn.