Chống 'diễn biến hòa bình': Bản chất âm mưu 'phi chính trị hóa' quân đội
Một thủ đoạn nguy hiểm hiện nay do các thế lực thù địch đang thực hiện là “phi chính trị hóa” quân đội nhằm làm quân đội xa rời sự lãnh đạo của Đảng, phân rã về tư tưởng, lỏng lẻo về tổ chức, còn cán bộ chiến sĩ xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu. Từ đó khiến quân đội mất phương hướng chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tiến hành các bước tiếp theo để chống phá.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, Trung tướng Khuất Duy Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 nhìn nhận, đây là thủ đoạn tuy không mới nhưng hết sức nguy hiểm, do đó cần cảnh giác và chủ động có giải pháp phòng, chống hiệu quả.
Trung tướng Khuất Duy Tiến.
PV: Từ sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cho thấy một trong những nguyên nhân có ý nghĩa quyết định đến sự kiện đó là các thế lực thù địch đã thành công trong việc xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội, tức “phi chính trị hóa” quân đội. Còn tại Việt Nam trong những năm qua, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách để thực hiện vấn đề này bằng việc kích động, lôi kéo và đưa ra những thông tin không chính xác. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Trung tướng Khuất Duy Tiến: “Phi chính trị hóa” quân đội là âm mưu nham hiểm muốn tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Trước tiên chúng ta phải hiểu cặn kẽ nguồn gốc, mục tiêu, lý tưởng của quân đội là phục vụ ai và ai là người lãnh đạo quân đội? Từ thời xa xưa, cha ông ta đã đúc kết chân lý quân đội của nhân dân do người đứng đầu Nhà nước lãnh đạo. Từ khi có Đảng, Đảng lãnh đạo quân đội chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, phát triển quân đội vững mạnh phát triển như ngày nay. Sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Thề hy sinh tất cả để giữ đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) chúng ta đã đánh thắng được 2 kẻ thù hung bạo trong thế kỷ XX là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam lại phải đấu tranh trong chiến tranh biên giới Tây Nam chống lại chế độ diệt chủng Polpot, sau đó là chiến tranh biên giới phía Bắc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.Sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam nằm ở việc Đảng lãnh đạo quân đội, bồi đắp lòng yêu nước, tất cả giữ vững đất nước như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói ngày 19/12/1946: Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Lời thề đó đã thấm nhuần vào Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ khi có Quân đội nhân dân cho đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đánh thắng mọi kẻ thù, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Ông có thể nói rõ hơn về âm mưu của các thế lực thù địch khi muốn “phi chính trị hóa” quân đội?
- Trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch đã dùng mọi cách xuyên tạc, muốn “phi chính trị hóa” quân đội, nhằm tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng với mưu đồ sâu xa là làm cho quân đội xa rời sự lãnh đạo của Đảng. Mục đích đê hèn của các thế lực thù địch muốn tách quân đội ra khỏi Đảng để quân đội trung lập, chờ thời cơ dùng lực lượng biểu tình để bùng lên lật đổ chính quyền. Đó là thủ đoạn mà hiện nay các thế lực thù địch đang áp dụng với Venezuela và Syria. Venezuela nắm rất chắc quân đội nên các thế lực này không làm gì được. Còn nước Syria thì bị chia cắt khi Đảng cầm quyền không nắm chắc quân đội.
Khi chúng ta thảo luận về Hiến pháp 2013, nhiều thế lực đã kích động hòng muốn quân đội trung lập, không đứng về phía Đảng. Đâylà ý đồ cực kỳ nham hiểm của các thế lực thù địch. Cho nên lý thuyết “Đảng không nắm quân đội” để quân đội trung lập là phản động không thể chấp nhận được, đi ngược với lịch sử giữ nước và bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam.
Vậy trong bối cảnh đó theo ông chúng ta cần có biện pháp để đấu tranh với các thủ đoạn này như thế nào khi chúng đang cố đánh tráo khái niệm rằng: Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân vì thế, quân đội chỉ cần trung thành, bảo vệ lợi ích của nhân dân, không cần đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng?
- Chúng ta cần tuyên truyền giáo dục cho nhân dân hiểu về vai trò của quân đội, đấu tranh kịch liệt bằng công luận để mọi người hiểu rõ về mưu đồ nguy hiểm và thâm độc đòi “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch. Khi mới thành lập năm 1944, lực lượng quân đội chỉ 34 người nhưng từng bước đi lên thành Quân đội nhân dân Việt Nam mạnh mẽ như ngày hôm nay. Đất nước dù còn nhiều khó khăn, nhưng hiện nay chúng ta phải trang bị cho quân đội đủ sức mạnh để giữ đất nước, giữ chắc biển đảo, trong đó có đấu tranh về chính trị, lực lượng vũ trang cũng phải sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.
Hiện nay từ một vài vụ tham nhũng trong ngành quân đội, các thế lực phản động đã kích động, vin vào đó nói xấu quân đội gây chia rẽ nội bộ, hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông bình luận sao về cái cớ mà các thế lực phản động đưa ra?
Việc xây dựng quân đội trong sạch là điều vô cùng quan trọng. Vừa qua chúng ta kỷ luật Tư lệnh Quân chủng Hải quân là nỗi đau của quân đội. Tuy nhiên không thể vì một vài tiêu cực xảy ra để nói quân đội tham nhũng, có nhiều tiêu cực hòng đòi “phi chính trị hóa” quân đội; lợi dụng những khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ chiến sĩ để kích động, gây mâu thuẫn giữa lãnh đạo, chỉ huy với cán bộ chiến sĩ, phá hoại khối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ quân đội. Chúng ta cần hết sức đề cao cảnh giác với những thủ đoạn này.
Trân trọng cảm ơn ông!