Giá trị thật của văn bằng

Vi Cầm 04/09/2019 07:00

Mới đây, qua kiểm tra, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) đã yêu cầu gần 50 đơn vị dừng cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Trong đó, có 42 đơn vị phải dừng kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ngoại ngữ (chứng chỉ A, B, C) bao gồm 4 trường ĐH, 1 trường CĐ, còn lại là các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở GDĐT địa phương.

Ngoài ra, 7 đơn vị khác phải dừng kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin theo Thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục- Đào tạo và Bộ Thông tin - Truyền thông.

Sau khi Bộ GDĐT buộc các cơ sở nói trên dừng đào tạo, nhiều ý kiến cho rằng đây là chỉ đạo thỏa đáng, lẽ ra đã phải tiến hành từ lâu. Đáng nói là có 4 trường ĐH được chỉ tên gồm ĐH quốc tế Bắc Hà, ĐH Kinh Bắc, ĐH Nông lâm- ĐH Thái Nguyên, ĐH Văn hóa- Thể thao và du lịch (Thanh Hóa)… Nhiệm vụ chính là đào tạo bậc ĐH, song những đơn vị này đã góp phần làm tăng sự bát nháo trên thị trường mua- bán chứng chỉ vốn đã hỗn độn, lẫn lộn thật giả lâu nay. Ghi nhận từ thực tế cho thấy chứng chỉ ngoại ngữ, tin học được cấp dựa trên “3 không”: Không cần học, không cần ôn thi, không lo kết quả. Song quan trọng nhất là cần phải có tiền.

Không phải cho đến bây giờ, khi có vụ việc lùm xùm trong đào tạo văn bằng 2 vừa xảy ta tại Trường ĐH Đông Đô, hay khi Bộ GDĐT vừa tuýt còi gần 50 cơ sở đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học…mà từ lâu rồi, dư luận đã bức xúc với thực trạng “chạy” các loại chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ cán bộ, hồ sơ tuyển dụng. Đã có những trung tâm trong số gần 50 cơ sở nói trên từng bị báo chí phản ánh qua nhiều năm, nhưng chỉ bị cấm một thời gian rồi đâu lại vào đấy.

Phân tích từ các chuyên gia cho hay, mặc dù thực tế mua- bán chừng chỉ đã tồn tại từ lâu, nhưng trong một, hai năm trở lại đây, xuất phát từ nhu cầu của học viên, âu cũng do thời gian qua tại nhiều tỉnh thành phố tổ chức kỳ thi viên chức với các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo tiêu chuẩn mới (tại Thông tư số 01/2004/TT-BGDĐT ngày 24/1/2014 của Bộ GDĐT ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; Thông tư 03/2014/TT-BTT&TT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTT&TT ngày 21/6/2016 của Bộ GDĐT và Bộ TT&TT quy định hoạt động tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin). Trước những điều kiện bắt buộc này, nhu cầu người cần thi chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cũng ngày càng nhiều hơn. Nắm bắt tâm lý của thí sinh, nhiều trung tâm đứng ra mở các kỳ thi, cấp chứng chỉ chóng vánh hòng thu lợi từ người đang có nhu cầu.

Nhưng ai cũng biết trên thực tế, rõ ràng có những vị trí không cần sử dụng tới 2 loại chứng chỉ này.

Giải pháp nào để hạn chế thực trạng nói trên? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Chỉ biết rằng, không chỉ riêng nhu cầu về chứng chỉ, qua khảo sát đầu vào của nhiều trường ĐH hiện nay, nhu cầu đi học văn bằng 2 ngày càng tăng lên, đặc biệt ở các ngành khối Kinh tế, Luật, Quản lý, Dịch vụ, Ngôn ngữ và Công nghệ thông tin…Tuy nhiên, vẫn có một thực tế đáng buồn là có một số người có mục tiêu lệch lạc khi đi học văn bằng 2, thi chứng chỉ nhằm lợi dụng các kẽ hở trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và đặc biệt là các quy định công nhận văn bằng, chứng chỉ để học văn bằng 2 như một cách lách luật. Điều này cũng góp phần chỉ ra hiện trạng công tác tuyển dụng chưa minh bạch, công khai. Nhiều cơ quan, đơn vị còn đặt nặng vấn đề bằng cấp, chưa coi trọng đánh giá thực chất năng lực. Bên cạnh đó, công tác quản lý cán bộ còn lỏng lẻo, đặc biệt trong quá trình cán bộ xin đi học, đi đào tạo không có sự kiểm tra giám sát, dẫn đến tình trạng trên.

Trước thực trạng các cơ sở đào tạo vi phạm, rõ ràng không thể không đề cập tới một phần trách nhiệm quản lý của ngành giáo dục. Chỉ ra và yêu cầu các cơ sở này dừng đào tạo và cấp chứng chỉ, cũng đồng nghĩa với việc cần phải xử lý nghiêm sai phạm của những cơ sở đã được chỉ tên. Bởi đánh trống bỏ dùi, e sẽ nảy sinh tình trạng đối phó và biến báo…

Chuẩn hóa bằng cấp là cần thiết, nhưng đó phải là những tấm văn bằng, chứng chỉ tương đương với thực lực của người học. Nếu không sớm có giải pháp khắc phục, thì với sự tiếp tay của một số trường ĐH, CĐ, các trung tâm tin học - ngoại ngữ, nhiều người chẳng có chuyên môn, năng lực vẫn ung dung bước chân vào cơ quan công quyền, ăn lương từ bộ máy nhà nước. Điều đó thật không minh bạch và thiếu công bằng với những người thực tài.

Vi Cầm