Vụ cháy nhà máy Rạng Đông: Bùn ở đáy sông Tô Lịch có lượng thuỷ ngân vượt 6 lần cho phép
Vị trí mẫu bùn có mức ô nhiễm thuỷ ngân cao nhất được lấy cách cửa cống xả thải của nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông 1km. Lãnh đạo Bộ TN-MT cho biết, tổng số thuỷ ngân phát tán ra môi trường trong vụ cháy được xác định vào khoảng 15,1-27,2 kg.
Vấn đề thời sự được đặt ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra tối 4/9/2019 là kết quả kiểm tra, xác minh các mẫu sau vụ cháy nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông về tình trạng ô nhiễm thủy ngân. Người dân, dư luận lo ngại khả năng nhà máy nước sạch Hạ Đình tại đây bị ảnh hưởng do sự cố này.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân trả lời câu hỏi về nguy cơ ô nhiễm thuỷ ngân sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông.
Đại diện Bộ Tài nguyên – Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, ngay sau vụ cháy, cơ quan chức năng đã làm hết sức mình, dập tắt đám cháy. Ngay sau đó, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã chỉ đạo tổng Cục Môi trường và Trạm quan trắc môi trường miền Bắc phối hợp với Sở TN-MT Hà Nội lấy mẫu từ ngày 30/8 tới 1/9 để xét nghiệm, kiểm tra. Sau đó, các đoàn công tác của Bộ Y tế, Viện sức khỏe, Môi trường và Nghề nghiệp cũng tiếp tục lấy mẫu phân tích.
Hôm qua, 3/9, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà trực tiếp cũng các bộ ngành ngồi lại để thống nhất số liệu, xác định nguy cơ ô nhiễm thủy ngân.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, để giải quyết việc này, trước hết phải xác định nguồn thủy ngân phát tác ra môi trường, từ các bóng đèn huỳnh quang, đèn compact bị cháy vì may mắn là 3 tủ lạnh chứa các hóa chất độc hại, nguy hiểm cho hoạt động sản xuất của nhà máy chưa cháy nên chưa bị phát tán ra môi trường. Theo đó, ông Nhân nhấn mạnh, số thủy ngân phát tán chỉ nằm trong số những bóng đèn đã sản xuất bị cháy, vào khoảng 15,1-27,2kg.
Về kết quả đánh giá chất lượng môi trường không khí, đất, nước, tro xỉ sau vụ cháy sau hoạt động lấy mẫu của các cơ quan từ 30/8-1/9, Thứ trưởng Tài nguyên – Môi trường thông tin về hiện trạng môi trường tại khu vực.
Về nồng độ thủy ngân, có 1/12 mẫu nước mặt, được thu thập vượt hàm lượng thủy ngân 1,3 lần so với ngưỡng khống chế. Các mẫu này được thu thập trên sông Tô Lịch (chú trọng nhiều ở ngõ 320 Khương Đình – cống xả thải của nhà máy Rạng Đông). Có 1/8 mẫu nước thải tại nhà máy vượt 1,26 lần tiêu chuẩn 40 của Việt nam.
Ngoài ra cũng có mẫu bùn thải vượt về hàm lượng thủy ngân đến 6,1 lần, cách vị trí cống xả thải của nhà máy 1 km trên sông Tô Lịch.
Ông Võ Tuấn Nhân cũng cho biết, so với tiêu chuẩn của Mỹ, Canada thì số mẫu vượt ngưỡng tiêu chuẩn an toàn về thủy ngân lên tới 6 mẫu.
Cơ quan chức năng cũng xác định hướng phát tán thủy ngân là và dòng khí từ sau hàng rào nhà kho ở khoảng cách 200m, 500m, 1000m. Trong khoảng 200m, hàm lượng thủy ngân trong không khí đều nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO là ảnh hưởng sức khỏe con người.
Mẫu đất trong khuôn viên vườn hoa của nhà máy cũng có hàm lượng thủy ngân cao hơn các vị trí khác bên ngoài nhà máy.
“Căn cứ vào khuyến cáo của WHO, Mỹ, Canada thì số mẫu vượt ngưỡng an toàn tăng lên” – ông Nhân nhắc lại.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng khái quát: “Đây là vụ cháy nổ mất an toàn về hóa chất có quy mô ảnh hưởng ở mức trung bình, gây thiệt hại rất lớn đến tài sản, gây nguy cơ với môi trường, với sức khỏe con người. Các hóa chất gây ô nhiễm môi trường xung quanh chủ yếu là thủy ngân, kim loại nặng, phát tán chủ yếu vào đất, môi trường xung quanh, lắng đọng trong trầm tích đáy sông Tô Lịch, phát tán theo dòng nước sử dụng để chữa cháy. Vùng có nguy cơ gây ô nhiễm có bán kính đến 500m, tính từ hàng rào của kho chứa sản phẩm bị cháy”.
Về giải pháp khắc phục hệ quả vụ cháy, theo ông Võ Tuấn Nhân, Bộ TN-MT đã tổ chức cuộc họp liên ngành, đề nghị công ty Rạng Đông khẩn trương tổ chức cô lập khu vực bị cháy, che chắn nhà xưởng bằng mái tôn, bạt để tránh phát tán thủy ngân trôi chảy ra môi trường khi trời mưa, phòng chống khả năng thủy ngân bốc hơi gây ô nhiễm không khí khi trời nắng nóng lên.
Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng dự định phối hợp với đơn vị chức năng như bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh hóa học tiến hành tẩy độc khu vực bị cháy, thống kê lượng hóa chất phát tán ra môi trường, căn cứ trên số thủy ngân lỏng đã sử dụng để sản xuất các bóng đèn huỳnh quang, compact. Bộ cũng đề nghị các cơ quan tổ chức kiểm tra sức khỏe công nhân, người lao động trong công ty.
Đối với UBND TP.Hà Nội, cơ quan này phải chủ trì việc tiến hành xử lý phế thải vật liệu, khuyến cáo người dân trong vùng áp dụng các biện pháp vệ sinh, phòng ngừa phơi nhiễm thủy ngân. Hà Nội cũng cần công bố thông tin kết quả kiểm tra nhiễm độc với cán bộ phòng cháy vừa qua, xây dựng chế độ kiểm tra sức khỏe với những người dân thuộc diện bị ảnh hưởng.
Bộ TN-MT sẽ cùng phối hợp với Sở TN-MT Hà Nội để hướng dẫn cải tạo khu vực còn tồn dư thủy ngân, tiếp tục đánh giá khả năng phát tán thủy ngân trong môi trường không khí khi trời nắng lên. Viện nghiên cứu môi trường và các chuyên gia Nhật cũng sẽ tiếp tục cùng theo dõi, đánh giá, quản lý rủi ro môi trường sau vụ cháy.
Giải pháp lâu dài, theo Thứ trưởng Nhân, quan điểm của Bộ TN-MT là các đô thị lớn, không chỉ Hà Nội, phải có kế hoạch di dời và lộ trình thích hợp để đưa các nhà máy như này ra khỏi khu dân cư. Bộ TN-MT đề nghị TP.Hà Nội nhân dịp này tạo điều kiện để đưa công ty Rạng Đông ra khỏi khu vực, không xây dựng lại nhà máy tại vị trí này. Ông Nhân cũng hi vọng, sau sự cố này, những công ty, nhà máy như Rạng ông (có nguy cơ ô nhiễm, có sử dụng nguồn hóa chất) nhất quyết phải di dời.