Nước Anh đối diện tổng tuyển cử sớm

Khánh Duy 05/09/2019 08:00

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 4/9 đã nhấn mạnh về khả năng tổ chức một cuộc bầu cử sớm sau khi hứng chịu thất bại nặng nề trong Quốc hội liên quan tới Brexit, khiến cho Anh một lần nữa có thể phải dời thời hạn chót “ly hôn” với Liên minh châu Âu (EU).

Nước Anh đối diện tổng tuyển cử sớm

Tiến trình Brexit một lần nữa vấp phải trở ngại lớn. Nguồn: Reuters.

Cú lật đổ ngoạn mục

Chỉ 6 tuần kể từ khi nhậm chức Thủ tướng, ông Johnson – nhà lãnh đạo của đảng Bảo thủ - đã phải đối mặt với làn sóng “nổi dậy” từ chính trong nội bộ đảng của ông, khiến cho ông mất đi thế đa số trong Hạ viện mà ông rất muốn duy trì nhằm đưa nước Anh rời khỏi EU vào đúng hạn chót là 31/10, dù có hay không có thỏa thuận.

Được biết, có tổng cộng 21 nhà lập pháp đảng Bảo thủ đã quay sang bắt tay với nhóm đối lập để khởi động tiến trình soạn thảo một dự luật nhằm ngăn chặn Brexit không thỏa thuận bằng cách dời hạn chót “ly hôn” thêm 3 tháng.

Trước đó, Thủ tướng Johnson từng cảnh báo nhóm “nổi dậy” trong đảng của mình rằng họ sẽ bị khai trừ khỏi đảng Bảo thủ nếu bỏ phiếu chống lại ông. Và sau khi Chính phủ của ông bị đánh bại trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội với kết quả 301/328 phiếu, ông Johnson tuyên bố rằng ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm. Ông cũng cảnh báo rằng dự luật của nhóm các nhà lập pháp đối lập sẽ chỉ khiến Brussels chiếm quyền kiểm soát vấn đề Brexit, càng khiến cho tiến trình này trì trệ hơn.

“Tôi không hề muốn tổ chức bầu cử sớm, nhưng nếu các nhà lập pháp bỏ phiếu nhằm ngăn chặn các vòng đàm phán và khiến cho Brexit bị trì hoãn một cách vô nghĩa thêm lần nữa, có khả năng là nhiều năm, vậy thì cách duy nhất để giải quyết vấn đề là bầu cử sớm” – ông Johnson tuyên bố.

Các cố vấn của ông Johnson trước đó từng nói rằng mọi cuộc bầu cử sớm đều phải được tổ chức trước kỳ Hội nghị thượng đỉnh quan trọng của EU tổ chức trong hai ngày 17 và 18/10. Một cuộc bỏ phiếu về việc tổ chức bầu cử sớm dự kiến diễn ra ngay sau cuộc bỏ phiếu về Brexit trong Quốc hội, tuy nhiên chưa chắc chắn đã được phê chuẩn. Việc tổ chức bầu cử cần nhận được lá phiếu thuận của 2/3 tổng số nghị sỹ.

Lại hoãn Brexit

Ông Johnson đã nhậm chức Thủ tướng Anh trong tháng 7 vừa qua với lời hứa hẹn sẽ thực hiện ý chí của người dân là đưa Anh rời khỏi EU vào ngày 31/10, dù có hay không có thỏa thuận. Ông nói vẫn muốn đạt thỏa thuận “ly hôn” với EU nhưng kiên quyết rằng nếu không đạt được, Anh vẫn cứ rút khỏi EU.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm này vẫn chưa có vòng đàm phán chính thức nào giữa EU với Anh chứ chưa nói tới việc đạt thỏa thuận, trong khi các nhà lập pháp Anh hết sức lo sợ xảy ra viễn cảnh Brexit không thỏa thuận – có thể gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế nước nhà. Những diễn biến hết sức căng thẳng về Brexit đã khiến đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD của Mỹ tính trong vòng 3 năm trở lại đây.

Hiện tại, sau cú lật đổ ngoạn mục của nhóm các nhà lập pháp, Hạ viện Anh dự kiến sẽ công bố một dự luật nhằm dời thời hạn chót Brexit mà ông Johnson đưa ra trước đó là 31/10 năm nay sang ngày 31/1/2020 nếu ông không đạt được thỏa thuận với EU trước ngày 19/10. Hiện các nhà lập pháp đang cố đẩy nhanh tiến trình này trước khi Quốc hội tạm ngừng hoạt động vào tuần tới.

Phản ứng trước lời kêu gọi tổ chức bầu cử sớm của ông Johnson, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn nói rằng: “Ông ta muốn tổ chức bầu cử sớm. Tốt thôi, nhưng trước hết hãy thông qua dự luật trước nhằm gạt bỏ viễn cảnh Brexit không thỏa thuận”.

Ông Johnson trước nay đều áp dụng chiến thuật mà trong đó lời đe dọa rời EU mà không cần thỏa thuận của ông sẽ buộc khối này phải ký kết các điều khoản mới có lợi hơn cho nước Anh. Tuy nhiên giới phê bình cho rằng đó là suy nghĩ viển vông, trong khi Chính phủ các nước ở cả hai phía đều rục rịch chuẩn bị cho một cuộc ly hôn đầy hỗn loạn.

Bộ trưởng Tài chính của ông Johnson mới đây còn công bố một khoản ngân sách 2 tỷ bảng (2,4 tỷ USD) cho Brexit, dự kiến sẽ được chi để tăng cường lính gác biên giới và tại các cảng biển.

Các chuyên gia kinh tế của LHQ trong khi đó cảnh báo rằng Anh có thể mất ít nhất 16 tỷ USD mỗi năm tiền thu từ hoạt động xuất khẩu sang EU, nếu như rời khỏi khối này mà không đạt thỏa thuận.

Khánh Duy