Thơ lục bát với di sản văn hóa dân tộc

Minh Quân 05/09/2019 08:00

Nằm trong khuôn khổ Ngày hội Lục bát Kỷ Hợi – 2019, ngày 4/9, tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Thơ lục bát với di sản văn hóa dân tộc”.

Thơ lục bát với di sản văn hóa dân tộc

Quang cảnh Hội thảo.

PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng: Thơ lục bát là di sản văn hóa và là tài sản quý giá của dân tộc, bởi đây là thể thơ tiêu biểu và đặc sắc do người Việt Nam sáng tạo ra và mang tính bản địa rõ rệt. Thơ lục bát được sáng tạo, trao truyền qua nhiều thế hệ, liên tục được duy trì, bổ sung, nâng tầm thành những tác phẩm văn học bằng thơ ca có sức lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp cư dân trong xã hội. Trong quá khứ, văn học dân gian nói chung, thơ lục bát nói riêng được coi là tài sản chung của một nhóm người, một cộng đồng. Đồng thời nó được lưu giữ bằng một hình thức rất độc đáo là truyền miệng từ đời này sang đời khác, từ địa phương này sang địa phương khác theo các con đường giao thương hoặc các bước chân mở đất và mở nước. PGS.TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh, tính dân gian, tính truyền miệng, đặc biệt ngôn ngữ tiếng Việt là “nguồn sữa tinh thần” sản sinh, nuôi dưỡng, duy trì và trao truyền di sản thơ lục bát, do đó, nội dung và hình thức nghệ thuật trong thơ lục bát liên quan tới hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội của người Việt Nam. Từ đó, ta có thể nói, thơ lục bát là một “phần hồn” trong di sản văn hóa dân tộc, là một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam, cần được bảo tồn và tôn vinh.

Cũng tại Hội thảo, một câu hỏi được các nhà nghiên cứu đặt ra đó là thể lục bát Việt Nam có từ bao giờ, từ đâu? Bởi với nhiều người khi thấy có tới hơn 90% ca dao được sáng tác theo thể lục bát, nhiều người đã nghĩ lục bát có từ ca dao. Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Đức - Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng: “Tục ngữ và ca dao tuy có thời điểm ra đời khác nhau về phương diện thể loại nhưng lại có thời gian phát triển cùng nhau rất dài trong lịch sử văn hoá dân tộc. Vì vậy sự ảnh hưởng qua lại lẫn nhau đã góp phần hoàn thiện thể thơ lục bát. Điều này giải thích tại sao ta vẫn bắt gặp nhiều lời tục ngữ đã có kết cấu hoàn chỉnh của thể lục bát và cũng gặp một số những lời ca dao còn ở dạng lục bát chưa chỉnh thể của thời kỳ đầu. Còn khi văn học viết ra đời, do được cố định bằng văn bản, dấu hiệu của sự tham gia hoàn thiện thể lục bát qua từng thời kỳ của các nhà thơ càng rõ. Thật ra, tham gia sáng tác văn học dân gian cũng có cả các nhà “bác học” từng thời. Nguyễn Du, Phan Bội Châu... đã từng say mê trong nhiều đêm hát phường vải và sáng tạo của họ đã hoà vào trong dòng sáng tạo dân gian mà không hề giữ lại dấu ấn cá nhân như trong tác phẩm văn học viết. Bên cạnh đó dân gian còn có thể chiếm lĩnh ngay cả nhiều sáng tạo của các tác giả đã được công bố bằng chữ viết. Những bài ca dao của Bảo Định Giang, của Ngô Văn Phú là những dẫn chứng sinh động về nguyên lý này”.

Với những giá trị đó, có thể khẳng định giá trị và vị thế của thơ lục bát trong di sản văn hóa dân tộc. Qua đó, khẳng định trên thực tế lục bát xứng đáng là “Di sản Văn hóa phi vật thể” của Quốc gia.

Trong khuôn khổ Ngày hội Lục bát Kỷ Hợi – 2019”, nhà thơ Đặng Vương Hưng- người sáng lập cộng đồng mạng Lục bát Việt Nam công bố tập thơ lục bát mới mang tên “Phố quê” gồm hơn 200 bài, được sáng tác trong khoảng 12 năm (2006 - 2017).

Minh Quân