Bảo hiểm nông nghiệp... vẫn khó
Cách đây 10 năm, vào thời điểm 2019 khi các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu về hoạt động bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) tại Việt Nam đã bình luận rằng, nền nông nghiệp Việt Nam là một nền nông nghiệp đầy rủi ro. Để đưa ra quan điểm đó giới chuyên gia dựa trên số liệu tổng hợp, trong năm 2008, có 10 cơn bão, 6 trận áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Việt Nam gây thiệt hại trên 13.000 tỷ đồng, chưa kể những đợt dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng…
Và thực trạng đó đã khiến đời sống của người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Và cách hạn chế rủi ro nhất đó là tiếp cận với bảo hiểm nông nghiệp.
Bảo hiểm nông nghiệp rất cần thiết đối với người nông dân.
Tại Việt Nam, BHNN được thực hiện thí điểm trong giai đoạn 2011-2013 đối với cây trồng (cây lúa), vật nuôi (trâu, bò, gia cầm) và thủy sản (tôm, cá tra) tại địa bàn 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau 3 năm thực hiện, cùng với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp; hình thành được 3 sản phẩm BHNN bao gồm cây lúa, vật nuôi và thủy sản phù hợp với đặc tính của từng loại cây trồng, vật nuôi. Chương trình thí điểm đã thu hút được các hộ dân ở các huyện, xã được lựa chọn thực hiện thí điểm BHNN của 20 tỉnh, thành phố tham gia. Một số doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường bảo hiểm kịp thời cho các hộ khi xảy ra tổn thất do rủi ro thiên tai, dịch bệnh, góp phần giúp hộ dân ổn định đời sống và có điều kiện tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Ông Bùi Thanh Hải, Phó trưởng Phòng Quản lý, giám sát Bảo hiểm Phi nhân thọ, Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm cho rằng, thực tế, ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng khoảng 2,55%/năm. Cùng với đó, giá trị gia tăng của ngành này đang chiếm 15% GDP; giá trị xuất khẩu nông sản đạt khoảng 40 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng, Việt Nam chịu nhiều thiên tai. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), đơn cử như trong giai đoạn 1989 -2013, những rủi ro do thiên tai gây ra đã gây thiệt hại về kinh tế 0,9% GDP/năm (khoảng 40.000 tỷ đồng). Rủi ro về dịch bệnh cũng gây thiệt hại lớn đối với phát triển nông nghiệp.
BHNN ra đời với mục tiêu giúp GDP nông nghiệp tăng 3%/năm và hỗ trợ 15.000 hợp tác xã hoạt động hiệu quả.Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng, đáng lẽ bảo hiểm nông nghiệp cần được phát triển mạnh hơn.Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhưng bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam vẫn bộc lộ không ít những khó khăn, hạn chế, có nhiều đối tượng trục lợi bảo hiểm nông nghiệp. Đặc biệt nhiều người dân không mặn mà tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Nhiều người dân không biết về chính sách BHNN, khi chương trình này được triển khai vào năm 2013.
Ngày 26/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg). Về đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí BHNN: Cây trồng: Cây lúa; Vật nuôi: Trâu, bò; Nuôi trồng thủy sản: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng.
Về mức hỗ trợ phí BHNN: Cá nhân SXNN thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo: 90% phí BHNN; Cá nhân SXNN khác: 20% phí BHNN; Tổ chức SXNN đáp ứng các điều kiện cụ thể về hợp tác, liên kết, quy mô lớn có ứng dụng công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến hướng tới nền nông nghiệp sach, công nghệ cao, thân thiện với môi trường: 20% phí BHNN.
Về rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ phí BHNN: Đối với cây lúa và trâu, bò, hỗ trợ rủi ro thiên tai và một số dịch bệnh; Đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, hỗ trợ rủi ro thiên tai (thiên tai và dịch bệnh phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp từ ngày Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg có hiệu lực (26/6/2019) đến hết ngày 31/12/2020.
Ông Bùi Thanh Hải cũng cho rằng để chính sách bảo hiểm nông nghiệp thực hiện hiệu quả, cần có sự quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, sát sao của các cấp chính quyền địa phương; sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn về nông nghiệp tại cơ sở với các doanh nghiệp bảo hiểm và sự hỗ trợ, vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tại cơ sở.