Mạnh tay xử lý dự án nhà đất 'ma'
Ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh HoREA) cho hay, thời gian gần đây đã tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương. Trong đó, có nhiều khu đất nông nghiệp, đất không được quy hoạch là đất ở… đã bị phân lô tách thửa trái pháp luật để bán đất nền dẫn đến nhiều người bị lừa đảo, thiệt hại rất lớn.
Bảng cảnh báo người dân trước nạn “sốt đất”.
Nhiều dự án phân lô, bán nền “ảo”
Nhu cầu nhà ở rất nhiều nhưng nguồn cung ít, giá nhà ở cao,… tạo điều kiện cho dự án ‘ma” hoạt động tại TP HCM. Thời gian qua TP HCM ghi nhận nhiều “dự án ma” xuất hiện tại các quận - huyện vùng ven. Cụ thể, “dự án ma” xuất hiện tại phường An Lạc (quận Bình Tân), phường Trường Thạnh (quận 9), phường Thạnh Xuân (quận 12) … lừa đảo hàng ngàn người.
Mới đây nhất, phường Thạnh Xuân, quận 12 phát hiện một trường hợp lập dự án “ma” và làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trước đó, UBND phường Trường Thạnh, quận 9 cũng phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu lừa đảo trong giao dịch dự án đất nền. Công ty cổ phần Thiết kế Xây dựng Địa ốc Đại Phúc Real vô tư tham gia phân phối, mua bán đất khi không có sự chấp thuận của chủ sử dụng đất.
Bức xúc về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Tố Trâm, quận Bình Tân phân trần: “Đang tồn tại tình trạng phân lô bán nền đất nhà nước trên địa bàn quận. Ở phường An Lạc có dự án cá nhân đặt cọc hơn 1 tỷ đồng nhưng chẳng được gì. Điều lạ lùng, hàng ngàn người bị lừa nhưng doanh nghiệp bán dự án ma lại không bị gì. Cần có quy định quản lý, công khai quy hoạch như thế nào để không bỏ tiền oan uổng như vậy”. Kinh nghiệm trong đợt mua nhà, đất vừa rồi, ông Nguyễn Văn Thanh (đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9) chia sẻ: “Giờ đi đến đâu cũng thấy môi giới chỉ dự án phân lô bán nền. Không cẩn thận mua phải dự án ma thì chết. Tốt nhất nên thận trọng. Trường hợp có nhu cầu ở thật nhưng thấy dự án đẹp cũng không vội vàng mua”.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho hay, gần đây đã tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương. Trong đó, có nhiều khu đất nông nghiệp, đất không được quy hoạch là đất ở… đã bị phân lô tách thửa trái pháp luật để bán đất nền dẫn đến nhiều người bị lừa đảo, thiệt hại rất lớn. Trước tình trạng tràn lan dự án “ma”, các quận/huyện thừa nhận tồn tại nêu trên. Trong khi đó, ông Dương Hồng Thắng- Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn khẳng định, thời gian qua quận tiếp nhận 5 vụ lừa đảo buôn bán đất đai. Các đối tượng lợi dụng phân lô ảo rồi nhận tiền đặt cọc. Quận tiến hành rà soát 100 trường hợp.
Chủ tịch UBND quận Bình Tân cũng thông tin, trên địa bàn đã và đang tồn tại tình trạng có đối tượng “làm quy hoạch” đất ở với giá bán rẻ trong khi người dân có nhu cầu nên đăng ký mua, cũng có trường hợp mua. Quận tiếp nhận 10 trường hợp phản ánh bị lừa đảo.
Siết dự án “ma”
Nói về nguyên nhân tồn tại dự án “ma”, nhiều ý kiến cho rằng, dân số tăng nhanh trong khi nhà ở không nhiều và giá đắt. Mong muốn có nhà ở nên người dân tìm đến những dự án quảng cáo với giá rẻ, trong khi công tác quản lý địa bàn còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, các đầu nậu lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo đội ngũ môi giới, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa đảo. “Cả nước có khoảng 300.000 nhân viên môi giới, thì chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề, cũng có nghĩa là chỉ có khoảng 10% nhân viên môi giới đã qua đào tạo, dẫn đến hoạt động môi giới bị thả nổi”- ông Lê Hoàng Châu nói.
Mong muốn ngăn chặn triệt để dự án “ma” hoành hành, các quận/huyện vùng ven chủ động lên kế hoạch rà soát, tuyên truyền. Theo kế hoạch, quận Bình Tân đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân. Đồng thời tổ chức công khai quy hoạch và cảnh báo người dân tại những dự án xây dựng công trình công cộng. “Quận đang nỗ lực chặn đứng dự án “ma”, phân lô bán nền ảo bằng cách làm bảng cảnh báo. Tuy nhiên, có trường hợp các đối tượng tháo bỏ bảng cảnh báo hoặc xịt sơn làm mất thông tin của chính quyền”- lãnh đạo quận Bình Tân than phiền.
Theo quận Bình Tân, đối với các công ty có dự án “ma” thì công an thành phố sẽ tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Tương tự, ông Dương Hồng Thắng cho biết, huyện Hóc Môn đang phối hợp với Đại học Bách khoa TP HCM xây dựng phần mềm cảnh báo, phát hiện kịp thời hành vi vi phạm phân lô, bán nền. Huyện Hóc Môn cam kết nếu tình hình quản lý đất đai mà còn phức tạp sẽ chịu trách nhiệm đối với UBND TP HCM. Để đẩy mạnh công tác siết các dự án “ảo”, huyện xử lý nhiều trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm trong quản lý. Theo lãnh đạo huyện Hóc Môn, huyện đã xử lý 14 trường hợp, trong đó có 5 cán bộ cấp xã. Tiếp tục xử lý 4 cán bộ buông lỏng quản lý.
Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các trường hợp đầu nậu, doanh nghiệp nấp bóng người sử dụng đất để thực hiện tách thửa, phân lô bán nền, huy động vốn trái pháp luật trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cần bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản quy định về giá trị đặt cọc không vượt quá 5% giá tạm tính của sản phẩm bất động sản. Lý do, việc nhận đặt cọc với giá trị lớn cũng không phù hợp với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản gây thiệt hại lớn cho người mua.
Đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo các tỉnh - thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động môi giới bất động sản. Yêu cầu nhân viên môi giới phải được đào tạo và phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định của pháp luật thì mới được hoạt động dịch vụ môi giới. Song song đó, đề nghị quy định nhân viên môi giới phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về việc môi giới.