Thép nội trước sức ép cạnh tranh

Minh Phương 06/09/2019 07:00

Một thời gian khá dài, tình trạng thép ngoại nhập xâm lấn thị trường trong nước mà không hề gặp bất cứ một rào cản kỹ thuật nào khiến cho ngành thép nội lao đao do khó có thể cạnh tranh về giá. Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), nếu không sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại nguy cơ hàng nhập khẩu sẽ lấn át, “ép sân” thép nội là rất rõ ràng.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện nay Việt Nam có khoảng 10 doanh nghiệp (DN) sản xuất thép không gỉ cán nguội cán phẳng dạng cuộn/tấm, trong đó một số doanh nghiệp sản xuất chủ yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội bộ (dùng để sản xuất ống thép, bình đựng nước và các sản phẩm khác) mà không bán ra thị trường hoặc chỉ bán với số lượng rất ít. Sản lượng năm 2018 của Công ty TNHH POSCO VST (Posco) chiếm dưới 50% tổng sản lượng của ngành (kể cả phục vụ tiêu dùng nội bộ). Trong thời gian tới, năng lực sản xuất thép không gỉ trong nước sẽ tăng thêm khoảng 400.000-500.000 tấn/năm bởi các nhà máy thép không gỉ mới như Nguyễn Minh (trên 200.000 tấn/năm), Việt Quang…

Ngành thép nội địa thời gian qua gặp khá nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với thép nhập khẩu từ nhiều nước. Trước tình hình đó, Bộ Công thương đã có những động thái trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Trong đó phải kể đến động thái áp thuế chống bán phá giá một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ năm 2014.

Tuy nhiên, ngay sau đó đã có những phản ứng từ một số DN thép. Bộ Công thương cho biết, trước thông tin phản ảnh về việc thị trường thép không gỉ cán nguội tại Việt Nam đang có dấu hiệu độc quyền, bị thao túng về giá, chất lượng với nguyên nhân là do Bộ Công thương áp thuế chống bán phá giá một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ năm 2014, Bộ này khẳng định: Nếu không có biện pháp chống bán phá giá, với việc hàng nhập khẩu gia tăng ồ ạt vào Việt Nam thì ngành sản xuất trong nước khó có thể tồn tại và phát triển.

Vẫn theo Bộ Công thương, hiện nay thuế chống bán phá giá chỉ áp dụng với thép inox của Trung Quốc, Indonesia, Malaysia. “Các sản phẩm thép inox từ các nước khác vẫn có thể nhập khẩu vào Việt Nam mà không bị áp thuế chống bán phá giá”- theo Bộ Công thương.

Còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sau khi biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đến nay, thép inox vẫn tiếp tục được nhập khẩu từ 4 nước và vùng lãnh thổ cũng như từ các nước khác và đều bị áp thuế. Tổng lượng nhập khẩu thép không gỉ cán nguội từ tất cả các nguồn sau khi có biện pháp chống bán phá giá vẫn tăng so với giai đoạn trước khi áp thuế chống bán phá giá, ví dụ như thép inox đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... “Như vậy, người sử dụng thép inox tại Việt Nam có nhiều sự lựa chọn khác nhau ngoài nguồn sản xuất trong nước”- nhận định của Tổng cục Hải quan.

Khảo sát của Cục Phòng vệ thương mại cũng cho thấy, sau khi thực hiện biện pháp CBPG, mức chênh lệch giá giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước đã thu hẹp lại. Đồng thời, sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá từ tháng 10 năm 2014, ngành sản xuất trong nước bắt đầu phục hồi và dần tăng trưởng.

“Nếu không có biện pháp chống bán phá giá, với việc hàng nhập khẩu gia tăng ồ ạt vào Việt Nam thì ngành sản xuất trong nước khó có thể tồn tại và phát triển. Có thể thấy, thị trường thép không gỉ cán nguội của Việt Nam trước đây chỉ có sự tham gia của Công ty Posco cùng một số công ty quy mô nhỏ khác, nay đã bắt đầu có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn trong nước.

Như vậy, trong bối cảnh mặt hàng này phải chịu nhiều áp lực từ việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ở nước ngoài, nếu không áp dụng biện pháp chống bán phá giá này, hàng nhập khẩu giá rẻ sẽ ồ ạt xuất khẩu vào Việt Nam. Khi đó, không những ngành sản xuất thép không gỉ trong nước phải chịu thiệt hại mà các mặt hàng ống thép, đồ gia dụng do Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu đầu vào là thép không gỉ cán nguội nhập khẩu khi xuất khẩu sẽ đối mặt với việc bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá của các nước khác.

Minh Phương