Bài học về sự minh bạch
Sự mập mờ và chậm trễ về thông tin sau sự cố cháy ở Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông khiến người ta lại nhớ đến cách xử lý thông tin khi xảy ra thảm họa môi trường Formosa cách đây mấy năm. Bài học về công khai minh bạch thông tin, đưa ra những cảnh báo kịp thời về vùng nguy hiểm (thậm chí nếu cần có thể sơ tán nhân dân) vẫn còn nguyên giá trị khi mà sức khỏe của người dân không phải là thứ có thể coi thường.
Sau sự cố môi trường nghiêm trọng do hệ thống xả thải của Công ty Formosa gây ra đối với biển miền Trung, người ta đã thấy xuất hiện những khẳng định chắc nịch cho rằng nó không ảnh hưởng gì cả. Nhưng công bố của các nhà khoa học sau đó đưa ra đã cho thấy một sự thật khác. Thiệt hại từ Formosa lúc đó phải được tính không chỉ bằng mức độ thiệt hại từ kinh tế, từ sức khỏe người dân mà còn đã có lúc chênh chao cả niềm tin chỉ vì thông tin ban đầu không công khai minh bạch. Biển miền Trung trong mấy năm sau đó đã hồi sinh không chỉ đời sống, sản xuất, kinh doanh mà hồi sinh cả lòng dân bởi những chỉ đạo sát sao để việc khắc phục hậu quả làm yên lòng dân. Việc phân bổ tiền đền bù đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch là yếu tố để góp phần vào kết quả đó, khi đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thốt lên: “Tiền chi mà không công bằng, công khai, minh bạch thì nguy hại còn lớn hơn nhiều”.
Nhắc lại việc này để thấy trong mọi trường hợp nếu thực sự vì dân, nếu thực sự không coi thường tính mạng, sức khỏe nhân dân thì mọi thông tin ngay từ đầu phải được công khai minh bạch. Cũng như cách ứng phó với những tình huống đột xuất phải kịp thời mà lo cho dân phải được đặt lên hàng đầu.
Hơn một tuần sau sự cố cháy ở Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Bộ Tài nguyên - Môi trường mới công bố được những con số chính xác về nồng độ thủy ngân trong không khí, về mức độ ảnh hưởng. Giả sử trong trường hợp nồng độ ấy quá rất nhiều mức cho phép thì quãng thời gian từ lúc xảy ra vụ cháy đến lúc số liệu khoa học được đưa ra, nhân dân đã hít thở ăn uống sinh hoạt như thế nào trong bầu không khí nguy hiểm ấy? Cho nên, trong những tình huống khẩn cấp như vậy, đáng lẽ ngay từ đầu tiên, những cảnh báo phải được đưa ra, hướng dẫn để người dân không lơ là chủ quan. Thông báo của phường rồi lại bị quận yêu cầu hủy đi sau đó là những cách ứng xử gây thêm sự mất niềm tin, gây hoang mang trong dư luận nhân dân, điều cực kỳ phản tác dụng trong lúc cần đối phó với sự cố.
Yên dân không phải là dùng cách bưng bít thông tin. An lòng nhân dân là công khai, minh bạch mọi thông tin. Để người dân biết được mức độ của sự cố, tầm ảnh hưởng của các chất hóa học gây ra với môi trường mới chính là biện pháp an dân tốt nhất. Hơn nữa, khoa học cần chính xác, nhưng nếu chỉ để xác định thành phần các chất độc hại trong không khí, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của nó đến đâu mà mất tới cả hàng tuần trời thì quả là một sự chậm trễ khó hiểu. Có vẻ như những thủ tục đâu đó vẫn đang được thực hiện đúng “qui trình” trong khi cách đối phó với sự cố cần sự kịp thời hơn thế.
Và trong khi chờ đợi thì cuộc sống vẫn cứ diễn ra, người dân vẫn phải ăn uống và hít thở, không ai cho họ biết thực ra bầu không khí mà họ đang hít thở có ở mức cho phép hay không. Cả tuần lễ, cơ quan chuyên môn mới đưa ra được kết luận rằng hàm lượng thủy ngân phát tán ra môi trường không đến mức phải “di dân”. Từng ấy thời gian, nếu sự cố trầm trọng hơn thì tình hình sẽ thế nào?
Trong khi chưa có những thông tin chính xác kịp thời sẽ rất dễ hiểu là sẽ có những luồng thông tin khác nhau xuất hiện trên mạng xã hội, trở thành “đất diễn” cho việc các thông tin không đúng tha hồ làm mưa làm gió, trong sự hoang mang của người dân.
Cũng như các thảm họa môi trường khác từng xảy ra, rồi một thời gian nữa cuộc sống người dân quanh khu vực xảy ra sự cố cháy sẽ ổn định. Nhưng có lẽ đối với không ít người nỗi lo thấp thỏm về sức khỏe cũng chưa thể hết ngay được. Nếu như ngay từ đầu họ có đủ niềm tin hơn, họ được khuyến cáo kịp thời hơn và họ có những biện pháp bảo vệ thì sẽ đỡ khủng hoảng niềm tin.
Sẽ mất nhiều thời gian để tái thiết, để hồi sinh một vùng đất qua thảm họa thiên nhiên như sóng thần, động đất, bão lụt…Nhưng sẽ mất bao lâu để có thể quên được những việc mà đáng lẽ chúng ta xử lý tốt hơn thì hậu quả không nặng nề và đỡ khủng hoảng hơn. Bài học về cách xử lý các sự cố lần nào cũng được rút ra nhưng có vẻ như nó mãi là bài học được đút trong ngăn kéo. Rồi lần sau có một bài học khác lại được rút ra.