Bão 'quái vật' Dorian
Siêu bão Dorian tấn công quần đảo Bahamas với sức gió khi đổ bộ mạnh nhất từng được ghi nhận: 298 km/h trong hôm 5/9. Nó là một trong những cơn bão mạnh nhất thế giới từng được con người ghi nhận khi đổ bộ vào miền Đông nước Mỹ. Trong lịch sử, chỉ có cơn bão Labor Day đổ bộ vào miền Nam nước Mỹ năm 1935 có sức gió khi đổ bộ tương đương với siêu bão Dorian.
Một dãy nhà trên đảo Bahamas sau khi bão Dorian tràn qua. Ảnh: Our News Bahamas.
Dorian cũng là cơn bão có sức gió ổn định mạnh thứ 2 trong lịch sử từng xảy ra trên Đại Tây Dương. Trước Dorian, siêu bão Allen năm 1980 từng đạt sức gió ổn định lên tới 305km/h, và cũng là cơn bão có sức gió mạnh nhất từng được ghi nhận. Trong vòng 9 giờ đồng hồ, bão Dorian đã tăng sức gió từ 241km/h lên mức hiện nay là 298km/h, điều chưa từng xảy ra đối với một cơn bão ở Đại Tây Dương, và cực kỳ hiếm gặp xét trên phạm vi toàn cầu.
Thủ tướng Bahamas Hubert Trinnis cho biết, ít nhất 20 người đã thiệt mạng và con số thương vong thì chưa thể kiểm đếm. Còn Liên hợp quốc cho hay khoảng 70.000 người trên các đảo Grand Bahama và Abaco - tương đương toàn bộ dân số 2 đảo này - đang cần trợ giúp ngay lập tức.
Như vậy, tính đến thời điểm này là năm thứ 4 liên tiếp biển Đại Tây Dương xuất hiện các siêu bão đạt mức độ cao nhất trên thang cảnh báo bão. Các siêu bão từng xuất hiện trước Dorian gồm có Matthew năm 2016, Irma và Maria năm 2017, và Michael năm 2018.
Trong cơn cuồng phong của “quái vật” Dorian, nó đã tàn phá nặng nề khu vực Bắc Bahamas, sau đó tràn vào khu vực bang Carolina (ngày 6/9), rồi lướt qua bang Georgia.
Thực sự đáng lo ngại là sau khi tàn phá quần đảo Bahamas, khi tiến vào bờ Đông nước Mỹ, nó không hề suy yếu mà đột ngột “nạp năng lượng” để mạnh trở lại. “Con bão dữ dội này xứng đáng mang tên “quái vật” vì sự tinh quái và sức tàn phá khủng khiếp. Thật hiếm khi người ta thấy có cơn bão nào đã suy yếu thành áp thấp lại mạnh trở lại thành bão. Điều này chỉ có thể lý giải rằng sau khi “rời khỏi” Bahamas, nó đã tích tụ được nguồn năng lượng vô biên trên vùng biển nó đi qua để “tái sinh”. Ngay cả việc nó đi rất chậm, khoảng 11km/h cũng cho thấy nó đang nạp năng lượng để bất thần tăng tốc”- một phát ngôn viên của Trung tâm Bão quốc gia Mỹ (NHC) cho biết.
Nhận xét đó là chính xác. Bão Dorian như thể biết chờ đợi và chớp thời cơ. Nó không hề vội vàng, ngay cả khi tàn phá Bahamas. Người dân trên đảo kể lại với tất cả sự bàng hoàng rằng chưa bao giờ có một cơn bão nào quanh quẩn lâu đến thế. “Nó trở đi trở lại, càn quét tất cả những gì làm vướng bận đến nó. Những con tàu dù đã neo đậu chắc chắn trong bờ cũng bị lật úp. Cửa sổ của các ngôi nhà bị giật tung. Ôtô đậu trên đường bị cuốn đi như những chiếc lá”- Mohamed Kantichk, một người đã sống ở Bahamas trên 70 năm kể lại.
Cho tới tận ngày 5/9, khi bão Dorian chính thức rời khỏi Bahamas, cảnh tượng trên đảo này không khác gì ngày tận thế. Khắp nơi là sự tan hoang. Chính quyền Bahamas cho biết, cần ít nhất 3 năm mới khôi phục lại được những gì trước khi bị “quái vật” Dorian phá hủy. Đặc biệt, thị trấn Cảng Marsh, thuộc nhóm đảo Abaco bị lũ lụt nhấn chìm thì việc khôi phục sẽ là vô cùng khó khăn. Bộ trưởng Y tế Duane Sands cho rằng, ngoài số người thương vong thì việc chăm sóc sức khỏe cho người dân sẽ cực khó vì hệ thống bệnh viện đã bị phá hủy. Lia Head-Rigby- chỉ huy nhóm cứu trợ tại quần đảo Abaco kể lại, “quần đảo bị tàn phá hoàn toàn. Nó tàn lụi, như ngày tận thế”. Còn Alicia Cook- người chạy thoát khỏi cơn bão nói: “Không còn gì nữa cả, mọi người rất hoang mang vì lo sợ cướp bóc, trấn lột...”.
Bob Cornea- một người suýt chết ở cảng Marsh, cho biết vợ chồng ông đã trú trên tầng hai ngôi nhà: “Nước lên đến cổ tôi. Nó cứ như vậy trong hai đến 3 giờ. Tôi không nghĩ là mình có thể sống sót. Chúng tôi đã trải qua nhiều cơn bão, nhưng không cơn bão nào tồi tệ đến mức này, cứ như là chúng tôi đang đứng giữa biển vậy. Kinh hoàng!”- ông Cornea nói.
Theo Hội Chữ thập Đỏ quốc tế, khoảng 45% công trình xây dựng tại đảo Grand Bahama và quần đảo Abaco, tương đương khoảng 13.000 ngôi nhà, đã bị phá hủy hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngày 6/9, người dân Bahamas bắt đầu đăng danh sách những người mất tích sau bão lên mạng xã hội để nhờ tìm kiếm. Thủ tướng Trinis cho biết: “Ưu tiên của chúng tôi tại thời điểm này là tìm kiếm, cứu hộ và khôi phục lại. Tất cả đều rất khó khăn”.
Bão Dorian không hề vội vàng, ngay cả khi tàn phá Bahamas. Người dân trên đảo kể lại với tất cả sự bàng hoàng rằng chưa bao giờ có một cơn bão nào quanh quẩn lâu đến thế. “Nó trở đi trở lại, càn quét tất cả những gì làm vướng bận đến nó. Những con tàu dù đã neo đậu chắc chắn trong bờ cũng bị lật úp. Cửa sổ của các ngôi nhà bị giật tung. Ôtô đậu trên đường bị cuốn đi như những chiếc lá”- Mohamed Kantichk, một người đã sống ở Bahamas trên 70 năm kể lại.