Đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống tham nhũng

H.Vũ 08/09/2019 08:00

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng năm 2019 đã được duy trì, đẩy mạnh với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, song còn đó là những nỗi lo khi các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy hiệu quả toàn diện.

Một biện pháp được nhắc đến, đó là xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi cơ quan đơn vị xảy ra tham nhũng. Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2019, có 21 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và 2 người đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý. Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa triệt để và chưa tương xứng với các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý trong thời gian qua.

Đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống tham nhũng
Hơn 1 triệu bản kê khai chỉ 10 trường hợp vi phạm

Đơn cử như về minh bạch tài sản, thu nhập, theo ông Trần Ngọc Liêm - Phó Tổng thanh tra Chính phủ - số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm qua là: 1.081.235 người, đạt tỷ lệ 99,9% so với số người phải kê khai; đã công khai 1.075.277 bản, đạt tỷ lệ 99,4% so với số bản đã kê khai.

Trong số này có 46 người thuộc điện kê khai phải xác minh tài sản, thu nhập, gồm: Bộ Xây dựng: 21 người, Bộ Công an: 3 người, Thanh tra Chính phủ: 1 người, Đà Nẵng: 1 người, Đắc Lắk: 10 người, Khánh Hòa: 2 người, Lào Cai: 3 người, Tây Ninh: 2 người, Thanh Hóa: 1 người, Tiền Giang: 2 người. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện 10 trường hợp vi phạm, đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp đang xem xét xử lý kỷ luật 2 trường hợp gồm Bộ Công an: 2 người, Đà Nẵng: 1 người, Khánh Hòa: 2 người, Tây Ninh: 2 người, Thanh Hóa: 1 người.

Ông Đỗ Đức Hồng Hà - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - đánh giá: Hiệu quả thực chất của việc kê khai chưa cao, không có ý nghĩa nhiều trong phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Các cơ quan, tổ chức hữu quan mới chủ yếu quan tâm tới số lượng bản kê khai đã đủ và đúng về đối tượng, đúng về thời hạn, quy trình thực hiện, mà chưa kiểm soát được bản kê khai có trung thực không; tài sản có biến động bất thường, có dấu hiệu bất minh không.

“Với số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập rất nhiều, hơn 1 triệu người, nhưng số lượng bản kê khai được xác minh lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ, 46 người, kết quả xác minh chỉ phát hiện 10 trường hợp vi phạm. Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri, còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm còn chưa hợp lý, nhưng không được kịp thời phát hiện, xử lý”.

Ông Nguyễn Bá Sơn - Phó trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng - bình luận: “Kê khai tài sản có lẽ là câu chuyện nói nhiều nhất trong mấy năm qua, và chúng ta chỉ mới dừng lại ở kê khai, không dại gì họ kê khai đầy đủ… Có câu chuyện người dân hỏi ông ấy lắm nhà lắm đất chúng ta có xác minh được không? Do đó cần có hệ thống dữ liệu, chỉ việc truy cập vào hệ thống và so sánh sẽ không cần mất nhiều ngày đi xác minh”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Hồng cho rằng: Đây là tình trạng “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Bởi qua thực tế đi giám sát thấy rằng kê khai, công khai tài sản hầu như đều đạt 99,99%, nhưng không phải địa phương nào cũng xác minh theo xác suất. Do đó, nếu như vẫn giữ như thế này, dần dần khâu kê khai sẽ trở thành biện pháp phòng ngừa hình thức. Vì vậy thời gian tới việc xác minh tài sản phải trở thành phương thức hành động của Thanh tra Chính phủ.

21 người đứng đầu bị xử lý do để xảy ra tham nhũng

Một biện pháp được nhắc đến đó là xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi cơ quan đơn vị xảy ra tham nhũng. Thế nhưng theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2019 có 21 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và 2 người đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý. Cụ thể, tỉnh Cà Mau: 1 người; Bình Thuận: 4 người; Lào Cai: 2 người; Ninh Bình: 1 người; Quảng Trị: 1 người; Tây Ninh: 7 người; Vĩnh Long: 1 người; Thừa Thiên Huế: 2 người; Bình Phước: 4 người.

Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng chưa triệt để và chưa tương xứng với các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý trong thời gian qua. Đơn cử có 21 người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng, giảm 35 người so với cùng kỳ năm 2018, trong khi đó số vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý không giảm so với cùng kỳ.

Đề cập đến nguyên nhân theo ông Trần Ngọc Liêm, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, còn nhiều hạn chế, vướng mắc là bởi một số cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói không đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ PCTN. Một bộ phận không nhỏ lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, dẫn đến nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng.

Một nguyên nhân nữa được ông Đỗ Đức Hồng Hà nêu rõ: Vẫn chưa tách bạch rõ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng với việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu có hành vi tham nhũng để tăng cường các giải pháp thực hiện nên hiệu quả của biện pháp này trong công tác PCTN chưa cao.

Tự phát hiện tham nhũng vẫn yếu sau nhiều năm

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ. Hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm kinh tế, nhưng việc phát hiện tham nhũng để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật vẫn còn ít, nhiều vụ việc còn chậm trễ. Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương. Chất lượng và tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế chưa đạt yêu cầu.

Đặc biệt vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật là vấn đề cần được Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp khắc phục.

Từ đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị: “Chính phủ, các bộ, ngành cần chỉ đạo quyết liệt, tăng cường hơn nữa ý thức, trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc”.

Ông Hoàng Văn Hùng - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên - cho rằng: Trong một đơn vị có kiểm tra của Đảng, thanh tra nhân dân. Hành lang pháp lý dài dằng dặc từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên nhưng phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu. “Hiện nay hệ thống hoạt động của thanh tra có đầy đủ thẩm quyền nhưng không phát hiện được là vì phát hiện ra tham nhũng tại cơ quan thì bị cắt thi đua. Do đó nếu đơn vị tự kiểm tra phát hiện ra tham nhũng thì phải khen thưởng, nếu tự phát hiện ra tham nhũng mà bị cắt thi đua thì họ sợ”.

Bà Mai Thị Phương Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - đánh giá: Trung ương có nhiều vụ án lớn được phát hiện, điều tra, xử lý đối với những tập đoàn, tổng công ty lớn nhưng ở địa phương các vụ việc tham nhũng bị phát hiện, xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí không đủ một bàn tay.

“Trong những vụ việc đó giá trị tài sản bị chiếm đoạt cũng rất ít, có vụ chỉ khoảng 7 triệu đồng… Thời gian qua một số địa phương như Đà Nẵng và TPHCM đã phát hiện nhiều vụ tham nhũng lớn nhưng một số ý kiến cho rằng những sai phạm về đất đai như vậy không chỉ có ở hai địa phương này mà xảy ra rất phổ biến ở nhiều địa phương. Nếu quyết tâm làm ở nhiều địa phương khác cũng sẽ ra con số như vậy. Cho nên cảm nhận công tác phát hiện, xử lý vụ án tham nhũng giữa trung ương và địa phương đang cho thấy có sự khác nhau rất lớn”.

3 trường hợp nộp lại quà tặng

Chính phủ đã rà soát, ban hành quy định mới về tặng quà, nhận quà, nộp lại quà tặng, quy định người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân dưới mọi hình thức nếu liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo đúng quy định. Tuy nhiên thực tế việc thực hiện quy định trên còn mang tính hình thức, chưa phát huy được hiệu quả bởi trong năm 2019 có 3 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 103 triệu đồng. Trong đó, tỉnh Trà Vinh: 1 người, 3 triệu đồng; Thái Bình: 2 người, 100 triệu đồng.

“Tham nhũng vặt” chưa được ngăn chặn hiệu quả

Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, hay còn gọi là “tham nhũng vặt” chưa được ngăn chặn hiệu quả. Trên nhiều lĩnh vực còn thiếu các biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục như: thuế, hải quan, đất đai, cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đầu tư, môi trường, xây dựng, cảnh sát giao thông, thanh tra chuyên ngành và một số đơn vị cung ứng dịch vụ hành chính công phục vụ yêu cầu của người dân ở xã, phường, cơ sở khám chữa bệnh, giáo dục.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá: Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tuy được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, người dân hoặc vi phạm nghiêm trọng về quy tắc ứng xử với nhân dân, trong đó có những vụ rất phản cảm và gây bức xúc trong dư luận. Do đó đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể cho Quốc hội biết kết quả công tác kiểm tra, rà soát việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bổ nhiệm lãnh đạo giữ chức vụ, quản lý trên cả nước.

H.Vũ