Tỏa sáng tinh thần đoàn kết
Với tinh thần từ bi, yêu tự do, hòa bình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã và đang đi đầu trong khối đoàn kết tôn giáo, dân tộc, giữ gìn, phát huy, bồi đắp truyền thống đoàn kết yêu nước của Phật giáo luôn được tỏa sáng, đồng hành cùng dân tộc. Đó là chia sẻ của Hoà thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Hòa thượng Thích Gia Quang thăm hỏi và động viên các gia đình chính sách tại Hà Giang. Ảnh: Quang Vinh.
PV: Thưa Hoà thượng, thời gian qua cùng với việc đổi mới hoạt động của MTTQ và các thành viên thì GHPGVN đã có nhiều đổi mới công tác vận động, đoàn kết phát triển vì đạo, vì đời. Hoà thượng có thể chia sẻ những đóng góp của Giáo hội trong quá trình đồng hành cùng dân tộc qua các hoạt động này?
Hoà thượng Thích Gia Quang: Những năm qua, trong quá trình hoạt động “phụng sự đạo pháp và dân tộc”, GHPGVN đã có nhiều đổi mới trong cách thức truyền thông và triển khai các phương thức hoạt động hướng đến đồng bào phật tử để phù hợp với các đối tượng, vùng miền. Giáo hội các cấp đã tuyên truyền, tập hợp rộng rãi tăng, ni, phật tử tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đối ngoại nhân dân tôn giáo…
Đặc biệt, đảm bảo an sinh xã hội luôn được coi là một trong những công tác trọng tâm của GHPGVN, phản ánh rõ nét chức năng xã hội của Phật giáo, qua đó, truyền bá thông điệp từ bi, nhân ái của đạo Phật vào đời sống xã hội. Tính riêng năm 2018, tổng số tiền từ thiện xã hội của GHPGVN là hơn 2.200 tỷ đồng. Cùng với đó, Giáo hội góp phần chia sẻ với nhân dân những khó khăn trong lĩnh vực y tế, với hệ thống gần 200 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng chẩn trị Y học dân tộc, 1 phòng khám đa khoa và hàng trăm phòng thuốc Nam, châm cứu đang hoạt động có hiệu quả tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… đã khám và phát thuốc Đông Tây y, châm cứu, bấm huyệt cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân với kinh phí hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Đồng thời, GHPGVN còn chú trọng công tác nuôi dạy trẻ mồ côi và chăm sóc, nuôi dưỡng người già neo đơn trong cả nước. Hệ thống trường nuôi dạy trẻ mồ côi, các lớp học tình thương, các trung tâm nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa, có hoàn cảnh khó khăn… thuộc GHPGVN đều đang hoạt động ổn định, hiệu quả đã nuôi dưỡng gần 3.000 trẻ em mồ côi, cơ nhỡ và khuyết tật, chăm sóc hơn 1.500 cụ già neo đơn.
Tính đến năm 2018, GHPGVN đã mở gần 2.000 lớp học tình thương nuôi dạy trẻ mồ côi, lang thang, không nơi nương tựa và trẻ khuyết tật. Hàng trăm cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú miễn phí với trên 20.000 em theo học. Hàng chục cơ sở dưỡng lão nuôi dưỡng, chăm sóc hàng ngàn cụ già neo đơn. Bên cạnh đó, đã có hàng trăm ngôi chùa ở nhiều địa phương đã trở thành các trường mầm non, trường nuôi dạy trẻ em lang thang, bất hạnh, góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội.
Những năm qua, GHPGVN còn vận động tín đồ, chức sắc và nhân dân tích cực hưởng ứng quyên góp, hỗ trợ các công tác phúc lợi xã hội khác như ủng hộ kinh phí xây dựng nhà Đại đoàn kết trên quần đảo Trường Sa, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo, quỹ khuyến học, xây nhà tình thương, …
Với tinh thần từ bi, yêu tự do, hòa bình, Giáo hội đã, đang đi đầu trong khối đoàn kết tôn giáo, dân tộc, giữ gìn, phát huy, bồi đắp truyền thống đoàn kết yêu nước của Phật giáo luôn được tỏa sáng, đồng hành cùng dân tộc. Chúng tôi tích cực vận động tăng, ni, phật tử và nhân dân phát huy tinh thần “Phụng đạo yêu nước”, “Hộ quốc an dân”, tích cực tham gia các phong trào ích nước lợi dân, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, nỗ lực góp phần xây dựng, phát triển Tổ quốc Việt Nam.
Phật giáo đã có mặt ở Việt Nam trên 2000 năm, là tôn giáo có lịch sử đồng hành gắn bó lâu dài nhất với lịch sử dân tộc. Trong đó những ngôi chùa như một sự hiện thân cho nếp sống bao đời của đồng bào ta. Hiện nay, việc xây dựng những ngôi chùa mới, nhất là ở vùng phên giậu của Tổ quốc có ý nghĩa như thế nào trong việc chăm lo đời sống tâm linh của người dân, thưa Hòa thượng?
- Đến nay 63/63 tỉnh thành trên toàn quốc có tổ chức đại diện của GHPGVN. Ngoài ra để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt Phật giáo cho bà con kiều bào, Giáo hội đã công nhận 6 Hội phật tử Việt Nam tại các nước châu Âu như: Nga, Đức, Séc, Hungari, Ba Lan và Ucraina… Đặc biệt nhiệm kỳ vừa qua, chú trọng đời sống tâm linh cho bà con các dân tộc ở các khu vực, vùng miền trên cả nước, vùng đồng bào các dân tộc ít người, dân tộc thiểu số ở miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên, vùng miền núi các tỉnh phía Bắc, GHPGVN đã xây dựng được 8 ngôi chùa tại quần đảo Trường Sa. Một số ngôi chùa ở vùng tiền tiêu, biên giới như Trúc Lâm Tà Lùng, Trúc Lâm Bản Giốc… những ngôi chùa mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đồng thời Giáo hội cũng đã cử một số vị sư ra đảo trụ trì phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cho bà con trên đảo.
Việc xây dựng những ngôi chùa ở những phên giậu, ở nước ngoài trước hết là để cho đồng bào theo đạo Phật, hiểu được chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà nước ta.
Hàng năm, các cấp Đại diện của GHPGVN đều có các hình thức tuyên truyền để cho cộng đồng tăng, ni, phật tử hiểu và thực hiện đúng các chủ trương, chính sách về tôn giáo. Vận động tăng, ni, phật tử các cấp đoàn kết, hòa hợp để cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo, đóng góp và bảo vệ kho tàng văn hóa dân tộc.
Cùng với đó, GHPGVN luôn thấy trách nhiệm của mình trong khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực động viên tăng, ni, phật tử Việt Nam tham gia vào nhiệm vụ chung của đất nước, của Mặt trận, thực hiện tốt các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ hoà bình, gắn công tác tôn giáo với các công tác Mặt trận như hưởng ứng các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày Vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đó tăng cường tập hợp, đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trước thềm Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX, Hoà thượng có mong muốn gì để tổ chức Mặt trận ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới?
- Thời gian qua, MTTQ Việt Nam đã làm tốt công tác gắn kết các tổ chức thành viên, luôn sâu sát và phản ánh kịp thời tiếng nói của các tầng lớp nhân dân. Đáng chú ý là MTTQ các cấp đã góp phần giải quyết những vấn đề nóng, bức xúc liên quan tới nhân dân, từ đó để gỡ những khó khăn ngay từ cơ sở.
Để tổ chức Mặt trận ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, tôi cho rằng, trong nhiệm kỳ mới MTTQ cần thu hút nhiều hơn những trí thức trẻ, có tầm nhìn mới phù hợp với thời đại. Từ đó họ có tiếng nói phản biện mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, để nhà nước kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo sự đồng thuận xã hội.
Về phía Giáo hội, để công tác Mặt trận trong đồng bào theo đạo Phật phát huy hiệu quả cao, các cấp chính quyền cũng như các cấp lãnh đạo Giáo hội cần có sự chú trọng, đi vào trọng tâm, nhìn thẳng vào thực trạng, thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra để cho công tác Mặt trận ngày càng gần gũi người dân hơn nữa, nói người dân nghe, người dân tin để cùng phát huy khối đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân tộc.
Mỗi thành viên trong Giáo hội luôn xác định đóng góp hết mình cho đạo và cho đời trên tinh thần hộ quốc an dân, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình an sinh, xã hội, giúp nhân dân ổn định cuộc sống và đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của đất nước.
GHPGVN luôn thực hiện đúng tinh thần “Trí tuệ - kỷ cương - hội nhập - phát triển”, tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ tăng sự. Tôi cho rằng, quan trọng nhất vấn là yếu tố con người và nâng cao đạo đức xã hội. Trong đó, Giáo hội tập trung làm tốt công tác đào tạo tăng tài để từ đó lan tỏa các tấm gương đạo hạnh trong đời sống tu hành, trở thành biểu tượng của đạo đức xã hội.
Trân trọng cảm ơn Hoà thượng!
“Để tổ chức Mặt trận ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, tôi cho rằng, trong nhiệm kỳ mới MTTQ cần thu hút nhiều hơn những trí thức trẻ, có tầm nhìn mới phù hợp với thời đại. Từ đó họ có tiếng nói phản biện mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, để nhà nước kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo sự đồng thuận xã hội”- Hoà thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN