Để văn hoá Việt là chất gắn kết

Hải Nhi 08/09/2019 08:30

“Tôi muốn khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống Việt Nam trong các hoạt động để người Việt ở Ba Lan thêm gắn kết” - Dược sĩ Trương Mai Anh, Việt kiều Ba Lan chia sẻ.

Để văn hoá Việt là chất gắn kết

Chị Trương Mai Anh chia sẻ với PV báo “Đại đoàn kết”. Ảnh: Quang Vinh.

Gặp chị Mai Anh vào một ngày thu Hà Nội, tôi thấy cô sinh viên trường Dược Hà Nội cách đây 35 năm vẫn giữ được vẻ nền nã, dịu dàng của người con gái phố cổ. Chị mở đầu câu chuyện với ký ức tuổi thơ ở khu phố Nhà Thờ, hay biệt danh “cô gái xứ đạo” được bạn bè thân thiết gọi đùa, ngôi trường PTCS Hoàn Kiếm kế bên Nhà thờ Lớn với biết bao buồn vui học trò… Chị nhắc tới mẹ - bà Trần Thị Bảo, nguyên Hiệu trưởng của trường PTCS Hoàn Kiếm - với hình ảnh một người phụ nữ cổ điển, nghiêm khắc. Vì vậy, theo lẽ thường, bà Bảo cũng dạy dỗ con cái đặc biệt tới nơi tới chốn.

Có lẽ, được nuôi dưỡng trong môi trường mô phạm nên cô gái Hà Nội thuở đó học hành rất giỏi giang, bằng chứng là chị Mai Anh đỗ vào trường Dược Hà Nội mà thế hệ ngày đó có câu “nhất Y, nhì Dược” để nói tới thứ bậc của các trường Đại học. Vào môi trường Đại học, chị Mai Anh luôn đi đầu trong các hoạt động đoàn, rồi công tác tại Đại học Y – Dược TP HCM, chị vẫn luôn tham gia các phong trào đoàn. “Bởi vậy, khi sang Ba Lan, tôi vẫn giữ được ngọn lửa đó trong mình, tôi rất thích được gần gũi, tiếp xúc với cộng đồng, muốn cùng cộng đồng người Việt tạo nên các phong trào. Ngoài công việc mưu sinh kiếm sống, tôi muốn khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống Việt Nam trong các hoạt động, để người Việt ở Ba Lan thêm gắn kết” - chị chia sẻ.

Ở tuổi của chị Mai Anh, nhiều người đã lên chức ông bà nội, ngoại hay không ít người ưa rút về sống lặng lẽ, nhưng người phụ nữ mảnh dẻ tưởng như yếu mềm ấy vẫn toát lên một năng lượng sống dồi dào, như cách chị chia sẻ về nhóm “Sắc màu Ba Lan” thuộc Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan - tổ chức có tiếng nói và sức truyền tải đến cộng đồng rất lớn. Nhóm gồm 5 thành viên, trong đó có chị Mai Anh, tham gia các phong trào hát, múa, đi biểu diễn trong cộng đồng những ngày Tết, ngày lễ của người Việt… cho đến các chương trình của người nước ngoài, Quỹ Phát triển văn hóa châu Á.

“Chúng tôi góp những bài ca, điệu múa quạt, múa nón để truyền bá văn hóa Việt Nam. Trong nhóm có Victoria Hòa Trần học ballet ở Nga 10 năm, cô đã truyền cảm hứng cho những thành viên, bởi tiết mục múa do Victoria Hòa Trần biên đạo luôn mang đậm văn hoá dân gian Việt Nam. Các tiết mục của chúng tôi được khán giả Ba Lan vô cùng yêu thích, và họ nói thông qua đó có thể hiểu văn hoá của người Việt. Mặt khác, nhóm cũng mong muốn truyền tải văn hoá truyền thống tới thế hệ người Việt sinh tại Ba Lan. Nhóm mới về Hà Nội tham dự chương trình “Thủ đô Hà Nội trong lòng người xa xứ” ngày 17/8 tại Nhà hát Lớn thông qua Quỹ phu nhân áo dài châu Âu. Trong chương trình, chúng tôi đã thể hiện nỗi lòng của người con xa xứ qua trình diễn bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế thời trang Lan Hương.

“Ở đâu có áo dài, ở đó có quê hương. Sinh sống và làm việc ở nơi xa xứ, nhưng bà con kiều bào khôn nguôi nỗi nhớ quê hương, đất nước. Riêng với chị em phụ nữ, mỗi lần được khoác lên mình chiếc áo dài, họ lại cảm thấy mình nữ tính hơn, duyên dáng hơn. Tôi là phụ nữ và cũng như tất cả phụ nữ Việt Nam khác, tôi yêu tà áo dài. Mặc áo dài, tôi luôn cảm thấy tự hào vì đã giới thiệu văn hóa truyền thống của Việt Nam ra thế giới” - chị Mai Anh tự hào nói.

Chị cũng cho hay: Về Việt Nam lần này, nhóm còn tham gia buổi từ thiện giúp đỡ các cháu bé trong Bệnh viện Nhi Trung ương, những mảnh đời khó khăn, trao phần quà trị giá 108 triệu đồng hỗ trợ các cháu bé. Nhóm đi theo tổ chức Quỹ Nhân ái áo dài phu nhân toàn châu Âu do anh Phạm Gia Hậu là người khởi xướng, đồng thời với Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan - bà Nguyễn Việt Triều, người đã truyền cho nhóm cảm hứng để đem tấm lòng giúp đỡ trẻ em ở Việt Nam. Ngoài ra, nhóm chúng tôi luôn hưởng ứng các hội, đoàn nhằm đem lại cho cộng đồng người xa xứ có cuộc sống văn hóa phong phú, để mọi người đoàn kết với nhau hơn nữa.

“Điều tôi mong muốn, những người làm văn hoá ở Việt Nam đưa các hoạt động văn hóa văn nghệ sang Ba Lan biểu diễn để cộng đồng người Việt cập nhật tình hình văn hoá trong nước. Hoạt động này còn giúp các cháu nhỏ hiểu thêm về văn hóa Việt Nam qua những vở kịch, vở diễn hay của các nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam” - chị Mai Anh tâm tư.

Nhắc tới sự gắn kết của người Việt nơi xứ người, chị Mai Anh không quên kể về những hoạt động rất nhân văn như trường hợp ai đó bị ốm nặng trong bệnh viện, cộng đồng có thông tin để mọi người cùng chia sẻ, chung tay đóng góp. Những bài viết được đăng trên Facebook, trên báo mạng, đặc biệt là tờ “Quê Việt”. Tất cả những trường hợp khó khăn, người bị ốm, mất tại Ba Lan, cộng đồng đều chung tay đóng góp tiền đưa người đó về quê nhà, hoặc có nhà tưởng niệm, tang lễ ở phía Nam Warszawa, mọi người đều đến đó để chia buồn, tiễn đưa người đã mất. Điều đó đã thể hiện văn hóa “nghĩa tử là nghĩa tận” của người Việt Nam trên đất Ba Lan.

Sôi nổi tham gia các hoạt động cộng đồng, nhưng khi trở về nhà, chị Mai Anh lại trở thành người phụ nữ thuần Việt với quan niệm gia đình là số một. Chị mô tả cuộc sống thường nhật nơi xứ người của gia đình mình thật đơn giản với mỗi ngày tỉnh dậy tập yoga, nấu ăn sáng cho chồng rồi nhận khách đến đặt lịch chữa bệnh và làm đẹp. Hai con trai của chị đã khôn lớn, con cả đã lập gia đình với một cô gái Ba Lan và mở công ty riêng. Con út đang theo học Đại học.

Để văn hoá Việt là chất gắn kết - 1

Chị Trương Mai Anh bên chồng.

Chị nhớ lại, dù sống ở đất nước Ba Lan gần 30 năm nhưng gia đình chị luôn có quy định về tới nhà là các thành viên đều phải nói tiếng Việt. Khi các con còn nhỏ chị cũng đưa tới Trung tâm học tiếng Việt, vậy nên cả hai cháu nói tiếng Việt thuần thục. Là một phụ nữ Hà Nội mê ẩm thực nên các món nem, bún chả, bún thang, phở… hay rau muống luộc, canh cua, cà là các món chị hay chế biến và được cả nhà yêu thích. Chị cũng kể người dân Ba Lan vô cùng chuộng món phở và nem của Việt Nam, không ít các cửa hàng kinh doanh phát đạt nhờ những món ngon này. Chị đầy xúc cảm khi nhắc về người dân Ba Lan là những con người rất nhân hậu. Họ đã cưu mang, giúp cho cộng đồng người Việt phát triển kinh tế và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ học tập...

Trong suốt quãng thời gian ở Ba Lan, chị vận dụng nghề dược để tham gia công việc kinh doanh cùng chồng. Cụ thể, chị làm ở phòng chăm sóc phụ nữ tại gia đình về vật lý trị liệu, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Với kiến thức nghề dược, chị đã học thêm về cách pha chế các dược liệu, để chăm sóc da, sắc đẹp cho chị em phụ nữ. Dù là kinh doanh nhưng chị luôn hướng tới việc đóng góp kiến thức, sự hiểu biết của mình vào những công việc có ích phục vụ cho cộng đồng.

Nhắc đến tình riêng với Hà Nội, chị Mai Anh chia sẻ: Ba Lan có đầy đủ các Hội, CLB của người Việt phù hợp với mỗi lứa tuổi như: Hội Phụ nữ, Hội Doanh nghiệp, Hội Người cao tuổi, CLB Cựu chiến binh, CLB Lê Quý Đôn, Trường tiếng Việt Lạc Long Quân, Trung tâm Phật giáo, Hội Phật giáo, các Hội Đồng hương, lãnh đạo một số công ty, nhà hàng của người Việt Nam tại Ba Lan... và riêng CLB Hà Thành, ở đó, tất cả người Hà Nội, người yêu Hà Nội, nhớ về Hà Nội đều có thể tham gia. Hàng năm, vào ngày Giải phóng Thủ đô 10-10, những người con Hà Nội hội tụ ở một điểm để tổ chức chương trình văn nghệ, cùng nhau chế biến các món ngon đặc trưng của Hà Nội, rồi dựng những biểu tượng của phố cổ, Khuê Văn các, tháp Rùa, cùng nhau ôn lại những câu chuyện về nét xưa Hà Nội, hay một Hà Nội đang đổi thay… cho thoả nỗi nhớ nhung.

Hải Nhi