Sẵn sàng nhân lực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ GD-ĐT đặt ra đối với giáo dục tiểu học năm học 2019-2020 là phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho việc triển khai Chương trình GDPT (GDPT) mới…
Trong đó, Bộ GDĐT yêu cầu năm học 2019-2020 phải đảm bảo 100% giáo viên dạy học lớp 1 theo chương trình mới được bồi dưỡng trước khi thực hiện nhiệm vụ.
Chọn sách cho con.
Chuẩn hóa đội ngũ
Năm học 2019 - 2020 đã chính thức bắt đầu. Bên cạnh nhiệm vụ dạy và học đảm bảo đúng yêu cầu chất lượng đặt ra, ngành giáo dục cả nước đang đứng trước một nhịêm vụ quan trọng, đó là cần tập trung hoàn thành các điều kiện để triển khai chương trình, SGK GDPT mới từ năm học 2020 - 2021.
Cụ thể, ở bậc tiểu học, Bộ GDĐT hướng dẫn các sở tiếp tục rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, trên cơ sở đó xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng chuẩn.
Các sở GDĐT, phòng GDĐT cần chủ động chỉ đạo, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tổ chức dạy học tích cực cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhất là đối với đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để tất cả cán bộ quản lý, giáo viên bao gồm các trường công lập, tư thục được tham gia các đợt tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tổ chức dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT, cũng như đáp ứng yêu cầu đổi mới với giáo dục tiểu học.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, một trong những giải pháp được Bộ GDĐT đưa ra là thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai Chương trình GDPT mới; bồi dưỡng nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ cho giáo viên đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.
Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học đảm bảo 100% giáo viên dạy học lớp 1 theo chương trình mới được bồi dưỡng trước khi thực hiện nhiệm vụ.
Trong đó, chú trọng khuyến khích giáo viên tự học, khai thác nguồn học liệu trên mạng internet. Đồng thời triển khai thực hiện chuẩn hiệu trưởng và chuẩn nghề nghiệp giáo viên; từ đó xác định năng lực, nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu của các chuẩn đã được Bộ GDĐT ban hành…
Cần chuẩn trình độ hơn chuẩn bằng cấp
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT), việc xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo để nâng cao chất lượng giáo viên là điều cần thiết nếu muốn nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên điều trăn trở nhất là vấn đề làm sao để nâng cao trình độ giáo viên một cách thực sự chứ không phải chỉ là vấn đề bằng trung cấp (TC) hay bằng cao đẳng (CĐ). Thực tế có nhiều người chỉ đi học qua loa để lấy tấm bằng thì chất lượng giáo dục không thể đáp ứng.
Để đổi mới giáo dục thành công, vấn đề nâng cao chất lượng giáo viên được đặt ra đối với toàn hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, như cảnh báo của các chuyên gia, cần chuẩn trình độ thực chất, không chỉ là chuẩn bằng cấp. Theo Luật Giáo dục sửa đổi 2019, từ ngày 1/7/2020, giáo viên tiểu học phải có bằng cử nhân sư phạm trở lên. Đối với trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Trước đó, Bộ GDĐT đề nghị các địa phương có chủ trương không tuyển mới giáo viên tiểu học có trình độ TC hoặc CĐ sư phạm và có kế hoạch để bồi dưỡng số giáo viên hiện nay vươn lên đạt chuẩn. Tuy nhiên, đây là một bài toán không dễ, bởi trên thực tế hiện còn hơn 40% giáo viên tiểu học cả nước có trình độ TC, CĐ sư phạm; tỷ lệ này ở các vùng miền khó khăn như miền núi, hải đảo có thể lên đến trên 50%.
Ngoài vấn đề bằng cấp, ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cho rằng, khi tuyển mới giáo viên vào trường, bằng cấp chỉ là một phần. Quan trọng là qua tiếp xúc trực tiếp, thái độ và các kỹ năng cần thiết trong môi trường sư phạm mới là yếu tố quyết định người đó có được tuyển dụng hay không.
Bởi giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học là một nghề đặc thù mà nếu không có lòng yêu trẻ, sự nhiệt tình và kiên nhẫn, bao dung thì khó có thể làm tốt công việc truyền lửa, truyền cảm hứng học tập tới các học sinh vừa chính thức bước vào con đường học tập gian khổ mà vinh quang.
Nhất là đối với Chương trình GDPT mới, giáo viên không chỉ đóng vai trò truyền đạt tri thức mà còn phải phát triển cảm xúc, thái độ, hành vi, bảo đảm cho người học làm chủ tri thức, biết vận dụng tri thức vào cuộc sống nên ngòai trình độ, kỹ năng, giáo viên cần được bồi dưỡng phương pháp phù hợp.