Di sản tỏa sáng trong cuộc sống hôm nay

Miên Thảo 10/09/2019 08:00

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm (Quảng Nam) được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần ý thức sâu sắc ý nghĩa, sứ mệnh, các giá trị chiến lược của di sản trong việc vun đắp bản sắc dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh mềm của Việt Nam trên toàn cầu.

Di sản tỏa sáng trong cuộc sống hôm nay

Phố cổ Hội An.

Việt Nam được ví như “cường quốc di sản” của thế giới. Tới nay, chúng ta đã có 22 di sản được UNESCO vinh danh. Bao gồm Di sản thiên nhiên, Di sản văn hóa, Di sản văn hóa phi vật thể, Di sản hỗn hợp, Di sản tư liệu. Đó là niềm tự hào chính đáng của người Việt Nam, tự hào về nền văn hiến lâu đời, tự hào về những giá trị mang tính nhân loại được trao truyền qua các thế hệ.

Những năm qua, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm thể hiện qua Luật Di sản văn hóa; qua việc đầu tư để trùng tu, bảo vệ di sản cũng như quảng bá di sản của Việt Nam ra toàn thế giới. Di sản cũng chính là một đại diện xứng đáng của Việt Nam trong quá trình hội nhập.

Tuy nhiên, công việc gìn giữ, tôn tạo di sản không hề dễ dàng. Theo thời gian, không có gì là không đổi thay. Nó chịu sự tác động của tự nhiên, cùng với sự tác động của con người. Với tác động của tự nhiên, có thể đầu tư để gìn giữ được để di sản không trở thành phế tích. Nhưng với sự tác động của con người, nhất là tác động sai thì hậu quả là rất tai hại, khi muốn phục dựng lại cần rất nhiều thời gian, rất nhiều tâm huyết. Có những trường hợp khi di sản đã bị hủy hoại thì không còn khả năng phục hồi.

Nói điều đó để thấy việc bảo tồn di sản trong quá trình khai thác là điều phải được cân nhắc rất kĩ lưỡng. Không thể để di sản “chết” bằng cách “bế quan”, mặc cho nó xuống cấp, mặc cho nó rêu phong trong gió mưa lạnh lẽo vô tình, hoặc là tự nó thu mình trong giá trị một phạm vi hẹp. Di sản phải tỏa sáng trong cuộc sống, nếu không cũng mãi vẫn chỉ là bóng hình mờ nhạt của quá khứ. Trong khi di sản chính là dấu tích kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai.

Một trong những mối lo là đưa di sản vào khai thác du lịch. Di sản là điểm đến, nhưng nếu khai thác quá dữ dội nó sẽ bị biến dạng. Bằng chứng rõ nhất là việc sân khấu hóa một số lễ hội, kinh doanh lễ hội khiến nó mất đi vẻ cổ kính, trong khi lại thêm vào đó nhiều nét xô bồ. Hay là việc sửa chữa, trùng tu di tích kiến trúc. Do vội vàng làm lấy được để nhanh chóng đưa vào khai thác, cùng sự thiếu hiểu biết nên di tích đã bị “trẻ hóa”, hoang phí những nét đẹp mà thời gian tạo ra một cách tự nhiên. Với kiểu hành xử “bóc ngắn cắn dài”, công trình kiến trúc thì vẫn còn đó nhưng đã bị tước bỏ linh hồn. Di tích kiến trúc bị bao vây bởi hàng quán, nhà nghỉ… thì di tích mất ý nghĩa. Không thể để di sản hoang hóa nhưng cũng không thể hoang phí di sản. Đó cũng chính là bài toán trong quá trình phát triển vậy.

Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì những người làm công tác di sản, các cơ quan chức năng và nhân dân cần ý thức sâu sắc ý nghĩa, sứ mệnh, các giá trị chiến lược của di sản trong việc vun đắp bản sắc dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh mềm của Việt Nam trên toàn cầu. “Mỗi một di sản hiện diện trên đất nước chúng ta là một minh chứng về hình ảnh Việt Nam hội nhập, cởi mở và dung nạp các giá trị văn hóa, văn minh, lịch sử và phát triển của nhân loại”- Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý phải giải quyết hài hòa giữa bảo vệ, phát huy giá trị di sản với việc nâng cao đời sống nhân dân, nhất là người dân sinh sống trong vùng di sản. “Tôi xin nhấn mạnh tất cả những nơi có sự hiện diện di sản phải là những địa chỉ đi đầu, gương mẫu trong công tác bảo vệ môi trường”- Thủ tướng nói.

Ở khía cạnh này, việc bảo vệ di sản cũng có điểm tương đồng với bảo vệ rừng. Người dân sống tại khu vực có rừng, hưởng lợi từ rừng nếu không có sinh kế mới thì rừng sẽ bị hủy hoại. Với người dân trong vùng di sản cũng vậy, khi du lịch phát triển họ phải được thụ hưởng. Trong trường hợp người dân “bị loại khỏi cuộc chơi”, còn lợi nhuận rơi vào túi doanh nghiệp và chính quyền địa phương thì họ cũng sẽ thiếu ý thức bảo vệ di sản. Người dân trong vùng di sản chính là lực lượng bảo vệ di sản tốt nhất, cùng với niềm tự hào thì họ phải được thụ hưởng giá trị mà di sản mang lại khi đưa vào khai thác. Nhưng sự thụ hưởng ấy phải bảo đảm tính bền vững chứ không phải là lợi nhuận trước mắt.

Nói như ông Michael Croft-Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam thì việc bảo tồn và gìn giữ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể góp phần phát triển kinh tế - xã hội phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng địa phương. Trong đó vai trò và sự tham gia của cộng đồng địa phương phải được coi trọng.

Miên Thảo