Phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước
Sáng 9/9, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề cập nhật kiến thức tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TƯ Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về “Tiếp tục cơ cấu lại đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước”.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương bày tỏ muốn được nghe các doanh nghiệp nhà nước trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn đóng góp, trao đổi ý kiến về Nghị quyết số 12, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (Nghị quyết 12). Sau 2 năm, Nghị quyết đã đi vào cuộc sống hay chưa? Có khó khăn gì không? Có cần phải chỉnh sửa gì không cho phù hợp với tình hình thực tiễn?
Theo ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam, Nghị quyết 12 đã khẳng định có sự tiếp nối thành công sau NQTƯ 3 Khóa IX. Về việc thực hiện Nghị quyết 12 của Tập đoàn Cao su, ông Thuận cho biết, Tập đoàn này cũng đã quyết liệt trong cơ cấu lại; hai vấn đề lớn mà Tập đoàn đã làm được, đó là: Cổ phần hóa triệt để tức là kiên quyết cổ phần hóa; thứ hai là thoái vốn ngoài ngành. Kể từ ngày 1/6/2018, Tập đoàn đã chuyển sang mô hình công ty cổ phần và việc thoái vốn hiện nay đang tiếp tục thực hiện theo đúng mô hình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về các lĩnh vực ngành nghề thì Tập đoàn thực hiện theo đúng ngành nghề tổ chức hoạt động được phê duyệt. Tuy nhiên, ông Thuận nêu ra một số băn khoăn, cụ thể, như khái niệm ban đầu trong Nghị quyết nói rõ là, DNNN là doanh nghiệp có vốn nhà nước 100% hoặc có vốn nhà nước chi phối, ở đây có sự không đồng nhất với Luật Doanh nghiệp, và có thể gây khó khăn trong hoạt động của DNNN nói chung, trong đó có hoạt động thoái vốn tại các doanh nghiệp; kể cả trên sàn giao dịch chứng khoán. Từ ý kiến này, ông Thuận đề nghị: “Nên sớm hoàn thành việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp theo hướng như Nghị quyết 12 nêu, có nghĩa là DNNN là doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước hoặc là có vốn Nhà nước chi phối”.
Một số đại diện DNNN khác cũng bày tỏ băn khoăn về sự đánh giá chưa thật chuẩn xác của xã hội đối với vai trò của DNNN trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu làm rõ thêm quan điểm của Đảng về Nghị quyết 12, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Đảng: Kinh tế nhà nước là chủ đạo và DNNN là một lực lượng vật chất của kinh tế nhà nước giữ vai trò then chốt. Và, trong thời điểm hiện nay, khi chúng ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhà nước cùng với các cơ chế chính sách của nhà nước sẽ vạch ra, khai phá những con đường để tạo cơ hội cho toàn bộ nền kinh tế phát triển, tức là sự lan tỏa, kiến tạo của DNNN để góp phần cùng với Nhà nước tạo ra một môi trường, trong đó mọi thành phần kinh tế đều có điều kiện tốt hơn để phát triển và DNNN làm tốt vai trò dẫn dắt.
Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, Đảng ta luôn coi trọng vai trò then chốt của DNNN nhưng: “Có thể hiểu vai trò then chốt của DNNN không phải ở số lượng, hay có mặt ở mọi lĩnh vực, hoặc chiếm thị trường lớn. Then chốt, như tôi đã nói, là những lĩnh vực thiết yếu, quan trọng, an ninh quốc phòng. Đó là ý nghĩa của then chốt, chứ không phải cái gì cũng làm. Ngược lại, vì chúng ta có vai trò chủ đạo, then chốt nên chúng ta tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác phát triển.” DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật.