Chung tay giữ rừng
Đồng Nai Thượng xã thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh Lâm Đồng, nằm lọt thỏm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên. Hàng chục năm qua, rừng quốc gia nơi đây không bị lấn chiếm một tấc đất, không bị triệt hạ một cây rừng là nhờ buôn làng người Châu Mạ chung tay giữ rừng.
Vườn quốc gia Cát Tiên.
Nhóm tuần tra đêm
Khi mặt trời còn chưa xuất hiện, ông Điểu K’Chai (Tổ trưởng cộng đồng nhận khoán, bảo vệ rừng thôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thượng) đã thức giấc để gói ghém đồ đạc, dụng cụ đi rừng. Hôm nay đến lượt nhóm của ông làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng “qua đêm”. Đó là cách nói ngắn gọn của các nhóm bảo vệ rừng cho chuyến đi 2 ngày 1 đêm trong rừng của Vườn Quốc gia. Ngoài dụng cụ đi rừng, mỗi thành viên trong nhóm không quên đem theo gạo, nước uống, góp tiền mua đồ ăn dành cho 2 ngày đi tuần tra.
Tổ cộng đồng thôn Bù Gia Rá có 68 hộ nhận quản lý, bảo vệ 840 ha rừng. Các thành viên trong Tổ được chia thành 5 nhóm với khoảng 13 – 15 người mỗi nhóm, để phân công lịch tuần tra bảo vệ rừng. Mỗi chuyến đi qua đêm trong rừng thường kéo dài 2 ngày, các nhóm đi bộ hàng chục cây số để tuần tra, nếu phát hiện đối tượng lạ mặt, dấu hiệu rừng bị lấn chiếm, triệt hạ sẽ xử lý tại chỗ hoặc gọi điện nhờ nhóm khác hỗ trợ. “Mỗi khi đi tuần tra đêm, điều lo ngại nhất của anh em vẫn là bị người vi phạm tấn công. Thế nhưng may mắn là suốt 12 năm tham gia công tác tuần tra, bảo vệ rừng, tôi cùng anh em trong tổ chưa gặp một trường hợp nào như thế” – ông Điểu K’Chai kể.
Ngoài các chuyến ngủ đêm canh rừng, mỗi nhóm (2 – 3 người) còn tổ chức tuần tra rừng hàng ngày tại địa bàn được phân công. Trước khi đi, Tổ đều họp để phổ biến cho thành viên phương pháp đi tuần tra an toàn, các phương án xử lý nếu có va chạm với lâm tặc hoặc kinh nghiệm đi rừng an toàn. Khi đi tuần tra, họ cũng chia nhau ra để cắt rừng, đánh dấu khu vực đã tuần tra và hẹn gặp ở lán trại để ngủ qua đêm.
Sau mỗi quý, các thành viên trong Tổ cộng đồng sẽ được chấm công và nhận tiền dịch vụ môi trường rừng. Tùy theo công sức đóng góp, bình quân mỗi thành viên được nhận từ 1,6 - 2,6 triệu đồng/quý. Ông Điểu K’Chai cho biết, số tiền này không nhiều nhưng cũng góp phần cải thiện đời sống cho các thành viên. Họ tham gia bảo vệ rừng với ý thức trách nhiệm rất cao, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa để giữ lấy những cánh rừng mà bao thế hệ cha ông đã gắn bó.
Người dân vui vẻ, đồng thuận bảo vệ rừng.
Thay đổi nhận thức về công tác bảo vệ rừng
Từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai cũng là lúc đồng bào Châu Mạ ở xã Đồng Nai Thượng thay đổi nhận thức về công tác bảo vệ rừng. Hiện tại, trong tất cả 5 thôn với 100% là người dân tộc thiểu số của xã Đồng Nai Thượng đều có các Tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Toàn xã hiện có hơn 7.000 ha rừng đặc dụng; trong đó, có gần 4.400 ha đã được giao khoán cho 5 cộng đồng thôn với 333 hộ tham gia quản lý, bảo vệ.
Già làng Điểu K’Lộc (thôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thượng) cho hay, người dân Đồng Nai Thượng nói chung giờ có ý thức bảo vệ rừng rất tốt. Họ bảo vệ rừng không chỉ vì được chi trả tiền từ chính sách của Nhà nước mà giữ rừng cũng là cách giữ chính môi trường sống của mình. “Ý thức được điều đó, hầu hết người dân trong thôn đều xin tham gia Tổ cộng đồng nhận khoán, bảo vệ rừng. Mười mấy năm qua, dù đất sản xuất của người dân sát cạnh mé rừng nhưng không ai chặt một cây rừng, không ai lấn một tấc đất” – già làng Điểu K’Lộc chia sẻ.
Điều đặc biệt ở Đồng Nai Thượng là rừng bao bọc quanh xã, rừng ở quanh cộng đồng dân cư nhưng nhiều năm trở lại đây, việc quản lý, bảo vệ rừng của chính cộng đồng dân được thực hiện rất tốt. Nếu như trước năm 2007, ở Đồng Nai Thượng còn có trường hợp vi phạm và bị truy tố vì hành vi hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy thì từ đó đến nay, hầu như không còn nữa.
Ông Lê Quang Chường - Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng cho biết, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ rừng, lãnh đạo xã còn phân công tổ, nhóm đến từng thôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con nhằm thực hiện việc tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Bên cạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, địa phương còn chú trọng đến việc đảm bảo sinh kế của người dân. Khi người dân có điều kiện sinh kế tốt, đời sống được nâng cao thì việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng cũng không còn nữa.
Theo ông Bùi Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, với những kết quả đã đạt được, UBND huyện đã hoàn thành hồ sơ, trình UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen cho nhân dân và cán bộ xã Đồng Nai Thượng vì những thành tích trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đây cũng là một mô hình đáng khích lệ và cần được nhân rộng ra địa bàn huyện cũng như những địa phương khác trong tỉnh nhằm góp phần quản lý, bảo vệ rừng bền vững.