Vì mục tiêu thoát nghèo
Cao Bằng là tỉnh vùng núi cao phía Bắc, nhiều nơi trong tỉnh còn khó khăn. Bà con ở đây rất nỗ lực vươn lên nhưng không dễ. Trong những nỗ lực ấy, có sự trăn trở nuôi con gì, trồng cây gì để có thu nhập cao.
Đoàn viên thanh niên tham gia làm đường giao thông nông thôn tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Tại xã Ngọc Động (huyện Thông Nông), những năm gần đây nhờ quy hoạch tốt nên bà con tích cực trồng lạc, năng suất cao, đầu ra ổn định. Đây được coi là “chìa khóa” mở hướng giúp người dân thoát nghèo.
Thực ra thì cây lạc đã quen với đất, với người Ngọc Động từ nhiều năm, nhưng để nó thực sự là hàng hóa thì sau này mới rõ rệt. Người Ngọc Động vốn quen với lối sản xuất nhỏ lẻ,quen với cây ngô, lúa và nuôi bò, lợn. Sở dĩ cái nghèo vẫn quanh quẩn vì do thiếu vốn, và cũng là do chưa thoát được cách trồng trọt, chăn nuôi cũ. Vì thế, việc phát triển cây lạc theo hướng hàng hóa phải coi là sự đột phá trong đời sống của người nông dân Ngọc Động.
Theo Hội Nông dân xã, năm 2010, khi triển khai trồng giống lạc mới L14 thay thế giống lạc địa phương, nhiều người dân trong xã chưa đồng thuận. Các cán bộ, đảng viên xã đã tiên phong đăng ký làm trước, người trồng ít 500 m2 trở lên. Từ đó, người dân trong xã noi theo. Đáng chú ý, xã đã hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên lạc được thu mua với giá ổn định, bà con không còn phải lo đầu ra. Từ trên 10 ha lạc L14 ban đầu, đến nay diện tích cây lạc L14 của xã Ngọc Động đã tăng lên tới gần 50ha. Trong năm nay, xẫ phấn đấu nâng diện tích lên 60ha. Cũng từ đó, số hộ nghèo trong xã giảm dần, từ 93% năm 2011 đến nay xuống còn 52% (theo tiêu chí đa chiều).
Cũng về việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, tại huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng), phong trào xây dựng nông thôn mới diễn ra rất tích cực, khẩn trương. Xây dựng nông thôn mới gắn liền với xóa đói giảm nghèo bền vững. Đây là hướng đi đúng và cũng là quyết tâm lớn của lãnh đạo huyện, lan tỏa tới lãnh đạo các xã và bà con nhân dân. Hà Quảng phấn đấu đến năm 2020 có 80% số xã đạt trên 10 tiêu chí nông thôn mới. Tại thời điểm này, huyện mới có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Trường Hà, Đào Ngạn, Phù Ngọc. Tuy nhiên, các xã khác cũng đã tạo được nền tảng với nhiều chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, nên trong giai đoạn nước rút rất hy vọng số xã đạt chuẩn sẽ nhiều lên. Trong năm 2019 này, Hà Quảng phấn đấu có thêm xã Sóc Hà đạt chuẩn nông thôn mới.
Để việc xây dựng nông thôn mới thuận lợi hơn, huyện đã tập trung vào việc xây dựng đường giao thông. Tới nay, huyện đã đầu tư mở mới 97 tuyến, sửa chữa nâng cấp 22 tuyến giao thông nông thôn. 192 xóm đã có đường ô tô đến trung tâm xóm, chiếm 90,1% tổng số xóm. Đầu tư xây dựng 125 công trình thủy lợi. Có 11 trường đạt chuẩn quốc gia. Xây mới 5 nhà văn hóa xã; nâng cấp, sửa chữa 93 nhà văn hóa xóm. Toàn huyện có 13/19 trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm 5,54%.
Tại xã Trương Lương (huyện Hòa An), việc xây dựng nông thôn mới cũng gắn liền với cải thiện đời sống người dân. Xã có 12 xóm, 615 hộ, gồm 4 dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao. Là xã vùng III của huyện Hòa An, Trương Lương xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, xã đã thành lập Ban xóa đói, giảm nghèo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách xóm, trực tiếp điều hành, chỉ đạo sản xuất. Đến nay, xã Trương Lương đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đời sống của người dân đang chuyển biến tích cực.