Không thể lãng phí nguồn lực giảm nghèo
Khi đề cập đến nguyên nhân khiến giảm nghèo khó bền vững, người ta vẫn thường nghĩ về yếu tố khách quan, do nguồn lực và do nhận thức. Nhưng thực tế ở những vùng được xem là “lõi nghèo” cho thấy, chính sách hỗ trợ chưa thực sự trúng và đúng, dẫn đến những chính sách giảm nghèo chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Trước tiên, có thể khẳng định sau gần 20 năm qua, xóa đói giảm nghèo - một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được thực hiện toàn diện, đồng bộ với nhiều cách làm hiệu quả đã đem lại cuộc sống tốt hơn và cả niềm tin đến với người nghèo trên toàn quốc. Giai đoạn 2016-2018, tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 5,23% (năm 2018), bình quân giảm 1,55%/năm, tương ứng giảm một triệu hộ dân, đạt mục tiêu đề ra (giảm 1%-1,5%/năm).
Trước những thành tựu về xóa đói giảm nghèo của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận trong Báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” được công bố vào tháng 4 vừa qua: Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tỷ lệ hộ nghèo trong các dân tộc thiểu số tiếp tục giảm là kết quả rất đáng khích lệ, những nỗ lực tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các dân tộc thiểu số có thể gia tăng cơ hội cho nhóm người này và giảm sự bất bình đẳng kéo dài. Song có một thực tế là việc giảm nghèo bền vững vẫn chưa thực sự bứt phá mà vẫn loay hoay “giảm nghèo và tái nghèo”.
Tại buổi cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018 mới đây,Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải thẳng thắn cho rằng, báo cáo giám sát đề cập đến 5 khó khăn nhất của vùng dân tộc thiểu số. Đó là điều kiện tự nhiên, chất lượng nguồn nhân lực, kinh tế - xã hội phát triển chậm, tiếp cận các dịch vụ phúc lợi cơ bản kém và tỉ lệ hộ nghèo cao. Trong đó, đáng chú ý là khó khăn tiếp cận các dịch vụ phúc lợi cơ bản.
“Nguyên nhân khách quan được nêu trong báo cáo chỉ 5 dòng nhưng nguyên nhân chủ quan dài 2,5 trang. Như vậy chủ yếu do con người. Điều này khiến chúng ta phải đặt câu hỏi với những chính sách hỗ trợ trên liệu đã đúng, trúng chưa. Tôi rất băn khoăn về điều này”- Trưởng ban Dân nguyện nói.
Để có thể thực hiện mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau” Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện để người nghèo vươn lên thoát nghèo. Chỉ tính riêng giai đoạn 2012-2018, ngân sách nhà nước bố trí hơn 47.400 tỉ đồng cho Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Kinh phí từ ngân sách địa phương gần 8.400 tỉ đồng.
Rõ ràng nguồn lực cũng như cơ chế, chính sách đã khá mở và hoàn thiện nhưng ông Hà Ngọc Chiến- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua thực tế giám sát, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các bộ, ngành trung ương (Bộ LĐTBXH, Ủy ban Dân tộc) đã phát hiện ra các sai phạm trong thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Chương trình 30a) và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (Chương trình 135) ở một số địa phương, phải xử lý thu hồi nộp ngân sách nhà nước 14,447 tỉ đồng.
Cũng theo ông Chiến, công tác quản lý, sử dụng kinh phí ở một số địa phương còn sai sót. Cụ thể, kết quả của Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2012-2015 đã kiến nghị xử lý hơn 102 tỉ đồng. Giai đoạn 2016-2018, đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 141 tỉ đồng… Nhiều chương trình, dự án, địa phương thực hiện chất lượng kém, không hiệu quả, thậm chí lãng phí, thất thoát gây dư luận trong nhân dân. Một số vi phạm bị phát hiện nhưng chậm xử lý và mức độ xử lý chưa đủ sức răn đe.
Để có thể giảm nghèo bền vững ý kiến nhiều chuyên gia thẳng thắn cho rằng, nếu chúng ta vẫn thực hiện chính sách giảm nghèo theo tư duy “trông chờ và dập khuôn” thì rất khó để đạt được những đột phá trong công tác giảm nghèo. Rõ ràng giảm nghèo là nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế của mỗi địa phương thế nhưng theo báo cáo của Bộ LĐTBXH cho thấy, có những địa phương trong một thời gian dài không hề có bất cứ một sáng kiến giảm nghèo nào. Việc thực hiện giảm nghèo theo phương châm “Nhà nước cho đến đâu giải ngân đến đó”. Việc giải ngân nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo theo phương thức thiếu gì hỗ trợ nấy. Và kết quả là có địa phương cứ 1 hộ thoát nghèo thì có tới 4 hộ tái nghèo. Chính vì vậy đã đến lúc cần những giải pháp quyết liệt hơn đối với những địa phương sử dụng không đúng và trúng nguồn lực giảm nghèo.
Rõ ràng việc sử dụng nguồn lực đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác giảm nghèo. Và để sử dụng nguồn lực giảm nghèo hiệu quả, điều đầu tiên là cần lựa chọn được những dự án đầu tư đúng, khả thi, hữu ích, sát với nhu cầu và khả năng của người dân. Những người nghèo phù hợp với tiêu chí của dự án thì lựa chọn chứ không nên ngẫu nhiên. Tiếp đó là cần một quy trình quản lý quá trình đầu tư để không thất thoát, lãng phí. Quy trình đó cần phải coi trọng công tác quản lý, đánh giá, kiểm tra, giám sát. Ngoài việc thông qua hội đồng, cơ quan thẩm tra, cơ quan phê duyệt, rất cần công khai, minh bạch dự án, trong đó hết sức coi trọng sự tham gia giám sát của chính cộng đồng người được thụ hưởng. Họ cần phải biết dự án đó làm gì, làm như thế nào, hiệu quả ra sao, triển khai từng bước như thế nào?