Sau 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013: Mặt trận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân

H.Vũ 12/09/2019 07:22

Ngày 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo sơ kết 5 năm (2014-2019) triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Nhiều đại biểu đã khẳng định qua 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp, các cơ quan đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức của mình triển khai thi hành Hiến pháp kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, góp phần quan trọng đưa Hiến pháp vào cuộc sống.

Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Trong quá trình triển khai, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và MTTQ Việt Nam đều xác định triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên và tập trung chỉ đạo thực hiện xuyên suốt, đồng bộ. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giới thiệu về Hiến pháp và rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Hiến pháp được tập trung cao độ để bảo đảm kịp thời đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, MTTQ Việt Nam đã đề xuất, tham gia phối hợp với Chính phủ, các bộ, ngành ban hành nhiều nghị định, thông tư, góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách để MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ đã được Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và các luật có liên quan quy định.

Ở địa phương, Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, trình HĐND các cấp ban hành các nghị quyết, quyết định về các thiết chế, cơ chế triển khai thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, Nghị quyết về kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn và nhiều quyết định khác liên quan đến hoạt động của MTTQ Việt Nam.

Trong khi đó theo đánh giá của ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, từ tháng 1/2014 đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 111 luật, bộ luật, pháp lệnh, trong đó có 69 bộ luật, luật, pháp lệnh. Tuy nhiên tính đến ngày 14-6-2019, còn 21 dự án luật, pháp lệnh trong kế hoạch chưa được ban hành, chiếm 16,7%. Trong số các bộ luật, luật, pháp lệnh đã ban hành thì có những luật chậm ban hành so với dự kiến tiến độ đề ra 2 năm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần làm rõ vì sao chương trình hệ thống pháp luật đã được đặt ra nhưng đến nay còn 21 luật chưa triển khai để cụ thể hóa Hiến pháp. “Vậy hết năm 2020 có cụ thể hóa hết được không? Nếu không sẽ tác động như thế nào đến vấn đề chính trị, văn hóa, quyền con người, quyền công dân là vấn đề cần phân tích kỹ”-ông Hiển nói.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2019. Ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: Năm 2019 tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp, trong đó trên một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm nóng về khiếu nại, tố cáo như lĩnh vực môi trường, liên quan đến đất nông -lâm trường; quyền của người mua nhà ở một số dự án sai phép, nhà ở trong các khu nghỉ dưỡng.

Ông Hồ Văn Năm sẽ bị cho thôi ĐBQH Khóa 14 vì bị kỷ luật

Liên quan đến việc xem xét đơn xin thôi làm ĐBQH của ông Hồ Văn Năm - nguyên Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ Đồng Nai, ngày 11/9 trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Túy - Trưởng ban Công tác đại biểu cho biết: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ không xem xét đơn xin thôi làm ĐBQH vì lý do sức khỏe của ông Hồ Văn Năm mà sẽ làm theo quy trình bị kỷ luật. Ông Năm sẽ bị miễn nhiệm chức vụ Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai và cho thôi ĐBQH khóa 14.

H.Vũ