Bài 2: Đại hội II: Phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân
Nếu như Đại hội lần thứ nhất (1977) là Đại hội thống nhất 3 tổ chức Mặt trận ở hai miền thành một tổ chức Mặt trận duy nhất, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm đoàn kết, động viên nhân dân cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì Đại hội lần thứ hai trên cơ sở kiểm điểm các hoạt động của Mặt trận trong 6 năm qua và quán triệt tinh thần Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đề ra nhiệm vụ của Mặt trận trong 5 năm tới, trong đó nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tổ chức, cải tiến phương thức hoạt động để “Mặt trận thực sự là người đại diện chung cho quyền làm chủ tập thể của nhân dân”…
[Bài 1: Đại hội I: Thống nhất các tổ chức Mặt trận]
Quang cảnh Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ II. Ảnh: Tư liệu.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam được tiến hành trong các ngày từ 12 đến 14/5/1983 tại Thủ đô Hà Nội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II MTTQ Việt Nam quy tụ với gần 500 đại biểu chính thức, hơn 100 đại biểu dự thính và khách mời, đại diện cho các chính đảng, các đoàn thể, các lực lượng vũ trang nhân dân, các tổ chức khoa học nghệ thuật, văn học nghệ thuật, các nhân sĩ, trí thức, những người tiêu biểu trong các tôn giáo, dân tộc, người cao tuổi trên đất nước Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cùng các tổ chức Mặt trận ở 40 tỉnh, thành và đặc khu trong cả nước.
Tổng Bí thư Lê Duẩn, cùng lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã đến dự và tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội. Đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng có bài phát biểu quan trọng nêu vị trí, vai trò của Mặt trận theo tinh thần Nghị quyết Đại hội V của Đảng và Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 14/4/1983 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới” đã nhấn mạnh: “Ngày nay, trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, trong quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của dân tộc, chính sách Mặt trận càng tỏ rõ ý nghĩa và tác dụng quan trọng ở chỗ nó động viên và đoàn kết mọi lực lượng của dân tộc, phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân đối với sự nghiệp vĩ đại của Tổ quốc”.
Cùng với các văn kiện chủ yếu của Đại hội là Diễn văn khai mạc do Chủ tịch Hoàng Quốc Việt đọc và Báo cáo Chính trị do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát trình bày còn có những báo cáo bổ sung về chính sách và hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta do đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trình bày; chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo; công tác văn hóa giáo dục, công tác thương binh - xã hội, công tác người Việt Nam ở nước ngoài… do các bộ trưởng phụ trách các ngành hữu quan báo cáo.
Đại hội đặc biệt quan tâm tới công tác Mặt trận cơ sở, như Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng trong bài phát biểu đã nhấn mạnh: “Báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam do đồng chí Huỳnh Tấn Phát trình bày trước Đại hội Mặt trận lần này đã vạch ra một số phương hướng hoạt động rất đúng là đi sâu vào cuộc sống ở cơ sở, ở từng thôn, xóm, bản làng, đường phố và đến mỗi gia đình, qua đó mà phát huy tác dụng của Mặt trận, thực sự tham gia vào giám sát công việc của Nhà nước đề ra với các cơ quan chính quyền những ý kiến của quần chúng về quản lý kinh tế và xã hội”.
Nếu như Đại hội lần thứ nhất (1977) là Đại hội thống nhất 3 tổ chức Mặt trận ở hai miền thành một tổ chức Mặt trận duy nhất, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm đoàn kết, động viên nhân dân cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì Đại hội lần thứ hai trên cơ sở kiểm điểm các hoạt động của Mặt trận trong 6 năm qua và quán triệt tinh thần Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đề ra nhiệm vụ của Mặt trận trong 5 năm tới, trong đó nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tổ chức, cải tiến phương thức hoạt động để “Mặt trận thực sự là người đại diện chung cho quyền làm chủ tập thể của nhân dân, là sợi dây nối liền Đảng với quần chúng, là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước xã hội chủ nghĩa” như Chỉ thị đã đề ra, để MTTQ Việt Nam vừa mang tính tiêu biểu, vừa thể hiện tính thiết thực.
Để Đại hội bám sát thực tiễn cuộc sống, bám sát thực tiễn cách mạng, cách điều hành Đại hội có những đổi mới căn bản: Các đại biểu Đại hội vừa nghe báo cáo và tham luận tại Hội trường, vừa tham gia thảo luận tại các tiểu ban.
Đại hội lập ra ba tiểu ban: Tiểu ban phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên của Mặt trận; Tiểu ban tăng cường quan hệ giữa Mặt trận với chính quyền các cấp; Tiểu ban hoạt động Mặt trận cơ sở.
Các tiểu ban đã kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng với Đại hội, trong đó Tiểu ban phối hợp và thống nhất hành động kiến nghị với Đại hội về việc xây dựng quy chế về quan hệ giữa Ủy ban Mặt trận với các tổ chức thành viên và giữa các tổ chức thành viên với nhau.
Về mối quan hệ giữa Mặt trận với chính quyền, tiểu ban đã thảo luận các biện pháp khắc phục những thiếu sót trong mối quan hệ giữa Mặt trận với chính quyền và xác định nhiệm vụ của Mặt trận trong vấn đề này.
Còn về hoạt động của Mặt trận cơ sở, tiểu ban nhất trí với những đánh giá trong Báo cáo chính trị trình Đại hội. Thành tựu nổi bật trong hơn 6 năm qua là đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống Mặt trận 4 cấp, đặc biệt là việc thành lập Mặt trận cơ sở ở khắp các phường, xã, thị trấn trong cả nước.
Thực tiễn cho thấy, cuộc sống là ở cơ sở, cách mạng là ở cơ sở, nhân dân đoàn kết, làm chủ tập thể trước nhất, trực tiếp và cụ thể nhất là ở cơ sở. Chính từ cơ sở, Mặt trận và các tổ chức thành viên mới có điều kiện liên hệ chặt chẽ với quần chúng, với cuộc sống của nhân dân, từ đó nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh với Đảng và Nhà nước để tăng cường đoàn kết, mọi người sống trên cùng địa bàn, cùng nhau bàn bạc, chung sức xây dựng cuộc sống mới, nếp sống mới, con người mới.
Đại hội đã thông qua Chương trình hành động và Điều lệ (sửa đổi), cử ra Ủy ban Trung ương gồm 184 vị, Ủy ban Trung ương cử ra Đoàn Chủ tịch gồm 45 vị. Đại hội đã nhất trí suy tôn đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Chủ tịch danh dự, cử kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Văn Tiến tiếp tục được hiệp thương cử là Ủy viên Đoàn Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.
Đại hội kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Nêu cao truyền thống đoàn kết và yêu nước của dân tộc, hãy đem cả tâm hồn và nghị lực của mình góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu, cùng với nhân dân các nước phấn đấu vì sự nghiệp hòa bình độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Cả nước ta hướng về ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quyết tâm thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Người”.
“Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần này là một dịp để chúng ta biểu dương sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân, biểu dương tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa nồng nàn và những thành tựu về mọi mặt mà nhân dân ta đã đạt được trong thời gian qua, biểu dương ý chí sắt đá của toàn dân ta quyết thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ V của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra”- trích Diễn văn khai mạc Đại hội của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Quốc Việt.
(Còn nữa)