TP Hồ Chí Minh: Di dời nhà ở để phát triển bờ kè sông, kênh rạch
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên hai bên sông kênh rạch bị xói mòn, sụt lún. Quá trình đô thị hóa quá nhanh nên nhiều khu vực của sông kênh rạch có nguy cơ bị chiếm dụng xây dựng nhà ở,nhà hàng, quán ăn, cà phê. Cần sớm di dời nhà ở ven, trên sông kênh rạch để phát triển bờ kè sông Sài Gòn, kênh rạch tốt hơn.
TP HCM phấn đấu đến 2020 di dời 20.000 căn nhà ven, trên kênh rạch.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân để giải quyết vấn đề này cần học hỏi những kinh nghiệm thành công và thất bại trong việc phát triển đô thị sông nước. Sử dụng và phát huy hệ thống sông ngòi cho giao thông đường thủy, thoát nước tự nhiên, việc mở mặt nước đến bờ sông, công viên công cộng dọc không gian bờ sông.
Tại hội thảo Quy hoạch phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành; các giải pháp để hoàn thành cơ bản bờ kè sông Sài Gòn, sông kênh nội thành vào năm 2025, do UBND TP HCM tổ chức, ông Lưu Văn Tấn - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM nhận định, TP HCM là đô thị phát triển, hiện đại hàng đầu tại Việt Nam nhưng vẫn thấy nhếch nhác vì hạ tầng không hoàn thiện, 80% nước thải chưa xử lý xả thẳng ra sông kênh rạch,... Điều đặc biệt, tình trạng nhà tạm bợ, chênh vênh ven kênh rạch tồn tại lâu năm trên địa bàn thành phố.
“Do chưa được quy hoạch tổng thể, chưa kè bờ và tình trạng sông rạch bị lấn chiếm, sạt lở, ô nhiễm nghiêm trọng đã làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân thành phố, nhất là các đối tượng sống trên và ven kênh rạch” - ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp bất động sản TP HCM (HoREA) nói.
Đại diện các quận – huyện thừa nhận, tình trạng nhà ở được xây dựng trên cọc gỗ bao bọc kín dọc kênh rạch làm ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố. Điển hình, tại quận 2, hai bên bờ các tuyến sông kênh rạch có năng lực vận tải thủy lớn như sông Sài Gòn (khu vực phường Bình An, Thảo Điền) và khu vực rạch Giồng Ông Tố (phường An Phú và phường Bình Trưng Tây) vẫn còn nhà ở trên và ven bờ sông dày đặc. Trong quá trình sinh sống người dân xả rác và nước thải sinh hoạt xuống lòng sông gây ô nhiên, mất mỹ quan đô thị.
Liên quan đến nhà ở ven kênh rạch, đại diện HoaREA cho rằng, mong muốn chỉnh trang đô thị, đồng thời quy hoạch tốt sông kênh rạch nội thành, thành phố lên kế hoạch di dời các hộ sống ven, trên sông kênh rạch. Tuy nhiên, số lượng nhà ở đã di dời chưa nhiều. Khối lượng công tác chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch còn lại rất lớn, thời gian tới thành phố phải di dời và tái định cư nhà trên và ven kênh rạch hơn 20.000 căn hộ. Trong đó, có Dự án Kênh Tẻ - Nam Kênh Đôi trên địa bàn các quận 4,7,8 phải di dời và tái định cư hơn 5.050 căn hộ; Dự án Rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh có hơn 2.100 căn hộ; Dự án Rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh 827 căn hộ.
Theo Kiến trúc sư Khương Văn Mười – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, TP HCM có 39 tuyến kênh rạch nhưng chỉ có kênh Tân Hóa – Lò Gốm, kênh Tẻ, Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được chỉnh trang. Hiện hai bên kênh rạch thành phố đã có công viên cây xanh, đường giao thông. Thế nhưng số kênh rạch được chỉnh trang chiếm tỷ lệ quá nhỏ, số còn lại đa phần vẫn chưa hoàn chỉnh theo ý muốn.
Giải bài toán di dời nhà ở ven, trên sông kênh rạch, ông Lê Hoàng Châu đề nghị thành phố chỉ đạo rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông rạch, trước hết là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các kênh, rạch nội thành. Sớm di dời nhà ở ven, trên sông kênh rạch, đồng thời không để tiếp tục tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc. Nên khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông rạch vì lợi ích công cộng, đảm bảo cảnh quan, môi trường và phát triển bền vững.
Theo Sở Xây dựng, từ khi thực hiện chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị đến nay, thành phố mới di dời được 502 căn nhà ở ven, trên kênh rạch. Trong khi chủ trương của thành phố, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị, phấn đấu đến năm 2020 di dời 20.000 căn nhà ven, trên kênh rạch. Khó khăn được lý giải là do nguồn ngân sách hạn chế. Bởi vì để thực hiện được kế hoạch trên thành phố chỉ có khoảng 2.100 tỷ đồng, trong khi dự kiến hoàn tất phải cần khoảng 50.000 tỷ đồng.